Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, các loại thang thoát hiểm được người Hà Nội trang bị có đủ chủng loại, kích thước. Chất liệu chủ yếu bằng kim loại.
Một số hộ có đủ không gian sẽ trang bị các loại thang hình xoắn, có thể đóng mở ở vị trí tiếp đất. Trong khi đó, đối với các hộ dân không có đủ không gian, họ trang bị các loại thang theo phương thẳng đứng, thậm chí lấn ra khu vực vỉa hè.
Trước đủ loại thang thoát hiểm, chị Lê Hà Khánh (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ băn khoăn trước khi trang bị cho căn nhà 6 tầng, 1 tum đang cho thuê.
"Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè và người thân, tôi lo ngại nếu thang thẳng đứng thì đi từ trên cao xuống rất dễ ngã. Trong khi đó, mình chưa biết trọng tải theo tiêu chuẩn sẽ ra sao, nên sử dụng loại chất liệu nào để tránh việc thang dẫn nhiệt, bỏng rát trong trường hợp không may có cháy", chị Khánh nói.
Theo ông Vũ Ngọc Anh - vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), việc xây dựng thang sắt thoát hiểm gắn bên ngoài tòa nhà chỉ là giải pháp tạm thời, cần có đánh giá độ an toàn và tính phù hợp với mỗi điều kiện công trình khác nhau.
Đồng thời, người dân cần có tư vấn của cơ quan, cá nhân có chuyên môn để xây dựng thang thoát nạn đúng quy chuẩn, phát huy hiệu quả.
Có khoảng sân rộng, họ dễ dàng thiết kế thang theo dạng xoắn. Khi không sử dụng, phần đầu thang tiếp đất sẽ được gập gọn nhằm tiết kiệm không gian - Ảnh: HỒNG QUANG
Chủ căn nhà cho hay ở mỗi tầng đều có hai lối thoát ra ngoài thang thoát hiểm, độ rộng của thang vừa đủ để một người đi lại - Ảnh: HỒNG QUANG
Đối với một số căn nhà mặt đường, việc lắp đặt thang thoát hiểm gặp nhiều khó khăn do thiếu không gian - Ảnh: HỒNG QUANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận