22/12/2012 06:56 GMT+7

Người "giữ " cột cờ Hà Nội

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Cách thị xã Sông Công chưa đầy 20km, nhưng con đường từ đây vào xã Úc Kỳ (Phú Bình, Thái Nguyên) rất khó đi. Tìm vào nhà ông Trần Đức Thịnh, người ta chỉ đường ồ à rồi bảo: “Ông Thịnh ngày xưa giữ cột cờ Hà Nội chứ gì, ở đây ai cũng biết”.

7Kd96Q23.jpgPhóng to
Ông Thịnh: “Thời gian tham gia tiểu đội Cột Cờ ghi dấu nhiều nhất trong cuộc đời của tôi” - Ảnh: H.ĐIỆP

Ồn ào, sôi nổi đúng chất lính, ông Thịnh, nguyên tiểu đội trưởng tiểu đội Cột Cờ, hào hứng kể về những ngày còn trong quân ngũ trực tiếp tham gia bảo vệ Hà Nội trong suốt những năm Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. “Ôi dào, cũng chẳng có chuyện gì ngoài mỗi ngày có đến tám lần leo lên cột cờ Hà Nội để theo dõi, quan sát toàn TP và các vùng lân cận trong những ngày lịch sử ấy” - ông nhớ lại.

Lời thề dưới chân cột cờ

“Chúng tôi biết trước mình có thể hi sinh bất kể lúc nào. Bởi mỗi khi có trận oanh tạc mới, còi báo động rú lên thì dù có đang ở đâu cũng phải chạy lên đỉnh cột cờ. Chỉ cần một mảnh đạn lạc cũng có thể lấy mạng bất kể người nào”. Bởi thế, để hoàn thành nghĩa vụ của người lính gác đặc biệt này, ông đã có một lời hứa trước đồng đội và cấp trên: “Dù xảy ra bất kể tình huống nào, tôi cũng sẽ không rời vị trí. Lúc ấy chúng tôi tin vào ngày chiến thắng và cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Tiểu đội Cột Cờ có 12 người, được chia thành ba ca trực trong ngày. Mỗi ca trực gồm tám người, chia thành tám hướng trên cột cờ. Mỗi người chịu trách nhiệm theo dõi một hướng cố định nên bằng mắt thường hoặc thông qua ống nhòm có thể đoán biết được tọa độ của từng địa phương, vị trí của các nhà máy, cầu cống, công xưởng và khu dân cư.

“Mục đích của chúng tôi là báo cáo lại với Bộ tổng tham mưu tình hình những nơi bị ném bom trong khu vực. Công việc không nặng nhọc nhưng nguy hiểm. Một lần, Mỹ thả bom ở Cửa Nam, tôi đã tận mắt nhìn thấy một người lính gác bị mảnh bom phạt ngang cổ. Cũng không ít lần nhìn thấy những người dân đang đi lại trên đường nháo nhào vì bom” - ông Thịnh kể.

Mỗi người lính của tiểu đội Cột Cờ được trang bị một máy điện thoại, một mũ cứng, một áo bảo hộ và một dây đeo bảo hiểm. “

Bình thường trên đỉnh cột cờ rất bằng phẳng và những ngày không có bom thì có thể nằm vắt chân chữ ngũ mà tán chuyện. Nhưng nếu bị ném bom thì cột cờ rung lắc ghê lắm”. Mỗi người lính tự buộc mình vào cột thu lôi trên cột cờ bằng dây bảo hiểm cho khỏi bị ngã, khi đối diện với những trận bom ném gần ga Hà Nội, Khâm Thiên, Cửa Nam... là những lần bị dần lên dần xuống vì nếu không có dây bảo hiểm thì họ đều bị rơi xuống đất.

“Người ta xuống, chúng tôi lên”

“Khi tiếng còi báo động cất lên, tất cả mọi người chui xuống hầm thì chúng tôi phải trèo lên” - ông Thịnh kể về công việc đặc biệt của tiểu đội mình như vậy.

“Báo cáo Cục tác chiến, hiện bom được thả ở khu vực Đài phát thanh Mễ Trì, cả vùng ở đó đang cháy rất lớn”, “Báo cáo Cục tác chiến, tại khu vực Đức Giang, Gia Lâm ngọn lửa bùng cháy rất dữ dội, khói đen mù mịt”, “Có ba máy bay địch đang tiến vào khu vực Hà Nội, trông mới chỉ bằng nắm tay thôi...

Báo cáo Cục tác chiến, ba chiếc máy bay đã to bằng con lợn...”, “Báo cáo Cục tác chiến, cầu Long Biên đã trúng bom, từng mảng lửa to như chiếc nong bay lên trời đỏ rực, hai nhịp cầu đã sập”... Đó là một vài trong hàng trăm câu báo hằng ngày được các chiến sĩ cảm tử của tiểu đội Cột Cờ báo về Cục tác chiến thuộc Bộ tổng tham mưu. Mỗi người chỉ báo cáo về một số điện thoại duy nhất: “Tôi không biết mình được báo cáo cho ai nghe. Chỉ thấy đầu dây bên kia có người alô thì tôi báo cáo. Có thể hôm nay người này nghe, mai lại người khác. Tôi nghe tiếng nhiều, biết lịch trực của các đồng chí ấy nhưng mặt mũi các đồng chí ra sao tuyệt nhiên tôi không biết”.

Làm tiểu đội trưởng, nên ngoài nhiệm vụ quan sát và báo cáo tình hình cụ thể cho lãnh đạo, ông Thịnh còn phải ghi chép chi tiết và tỉ mỉ từng trận ném bom, tại nhiều vị trí khác nhau vào một cuốn sổ. “Ngoài việc báo cáo bằng miệng thì cuốn sổ ghi khá chi tiết và tỉ mỉ từng ngày, từng trận đánh. Khi tôi giải ngũ, cuốn sổ này được nộp lại cho đơn vị. Cũng không biết bây giờ nó đang được lưu trữ ở đâu. Gần bốn mươi năm rồi, chỉ mong được đọc lại cuốn sổ ấy thôi”.

Bảy năm chỉ một lần về thăm nhà

Căn nhà nhỏ và ấm cúng dù nó biệt lập trên một quả đồi nhỏ. Bao xung quanh căn nhà là vườn chè xanh mướt. Giản dị và thanh bình. Ông Trần Đức Thịnh trở lại với công việc của một anh nông dân cần cù khi ra quân năm 1974. Đảm nhiệm công việc cày cấy cùng người vợ tảo tần và đàn con vào tuổi ăn tuổi lớn.

“Từ ngày giải ngũ, chưa lần nào tôi được gặp lại tiểu đội của mình” - ông Thịnh ngậm ngùi. Dù quãng đường từ nơi đóng quân về nhà chưa đầy 70km, nhưng trong suốt những năm tháng chiến đấu trong quân ngũ, ông Thịnh chỉ được về nhà có một lần duy nhất.

“Mỗi khi nhớ chồng quá, tôi lại khăn gói xuống thăm ông ấy” - bà Lê Thị Ngát, vợ ông Thịnh, kể lại chuyện mà vẫn còn ngượng ngùng. Nhưng rồi bà trấn tĩnh lại ngay: “Không đi thăm thì lấy đâu ra mấy thằng cu mà bế”. Ông Thịnh ngồi bên phụ họa: “Hai lần xuống thăm tòi ra được hai thằng cu”.

Nhưng giữa thời điểm máy bay Mỹ ném bom ác liệt nhất, mỗi lần bà Ngát tới đơn vị thăm chồng là mỗi lần nguy hiểm: “Năm 1971, bà ấy xuống thăm tôi. Tôi đưa sang đến cầu Đuống thì thấy lụt to lắm. Nhưng đưa bà ấy đến đó rồi lại quay về đơn vị làm nhiệm vụ. Bởi lo cũng có làm gì được đâu”.

Giờ khi các con đã trưởng thành, vợ chồng ông Thịnh vẫn cấy cày và chăm sóc vườn chè: “Bây giờ cái ăn không thiếu thốn nữa. Già rồi muốn gặp lại đồng đội cũ. Tôi chỉ mong được gặp lại đông đủ 12 người trong tiểu đội ấy thôi”.

Dấu ấn 7 năm

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên cục phó Cục tác chiến của Bộ tổng tham mưu, cho biết ngay trong những ngày Mỹ ném bom rầm rộ trên bầu trời Hà Nội, phá nát mọi nẻo đường và làng mạc, Bộ tổng tham mưu thành lập một tiểu đội được đặt tên là tiểu đội Cột Cờ. 12 người trong tiểu đội này có nhiệm vụ trèo lên cột cờ Hà Nội để quan sát tình hình Mỹ ném bom Hà Nội, sau đó sẽ báo lại cho Bộ tổng tham mưu bằng điện thoại.

Trong hồ sơ và lý lịch quân nhân của ông Trần Đức Thịnh ghi trong suốt bảy năm quân ngũ của mình ông đã tham gia hàng trăm trận đánh được bắt đầu từ năm 1965 đến năm 1973 tại tiểu đội bảo vệ Bộ tổng tham mưu. Trải qua nhiều chiến trường: B3, B, 12 ngày đêm B52 bắn phá Hà Nội. Nhưng thời gian được ghi dấu nhiều nhất chính là khi ông làm tiểu đội trưởng của tiểu đội Cột Cờ thuộc Bộ tổng tham mưu, nay thuộc Lữ đoàn 144.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên