06/03/2018 15:07 GMT+7

Người giàu vẫn còn bị kỳ thị, doanh nghiệp sẽ không chịu lớn

N.LINH- N.DIỆP - L.THANH
N.LINH- N.DIỆP - L.THANH

TTO - Việt Nam ngày càng có nhiều người gia nhập giới giàu và siêu giàu khi nền kinh tế đang được mở ra cho tư nhân. Dù vậy, chuyện kỳ thị trường giàu vẫn còn đó.

Sự kỳ thị và đầy nghi ngờ đó khiến nhiều chuyên gia chỉ thẳng nhiều lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam khó lớn, người giàu cũng... khổ 

Dù môi trường kinh doanh đã cải thiện nhưng các chuyên gia cảnh báo thực tế vẫn còn doanh nhân phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp không muốn "lớn" vì dễ bị "hỏi thăm"...

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ cho rằng càng có nhiều người giàu càng tốt nhưng phải làm giàu chính đáng, theo đúng pháp luật. Nông sản của chúng ta tiềm năng còn rất lớn, rất cần có những "con chim đầu đàn" và tập trung thành chuỗi. Chúng ta liên kết với doanh nghiệp nước ngoài chứ không để họ chi phối hoàn toàn.

Nhiều lần tôi nghe các doanh nghiệp tư nhân thiết tha kiến nghị rằng họ không cần Nhà nước hỗ trợ gì mà chỉ cần sự công bằng trong chính sách tiếp cận đất đai, vốn, thủ tục hành chính... với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để có người giàu, doanh nghiệp lớn mạnh hơn, Việt Nam cần tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tạo những công ty đa sở hữu gồm vốn nhà nước, tư nhân... Doanh nghiệp đa sở hữu sẽ thuận lợi trong hoạt động minh bạch, công khai...

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, nêu nhận định người Việt vẫn kỳ thị người giàu.

Tỉ phú cần được xem là thương hiệu quốc gia vì họ tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đóng góp và cống hiến cho đất nước. 

Tuy nhiên, hiện nay tâm lý của một số người dân, cán bộ nhà nước, dù biết rằng đất nước đang sống chủ yếu bằng tiền thuế của doanh nghiệp, doanh nhân... nhưng họ vẫn kỳ thị người giàu. 

Tôi vừa xem một vở kịch và thấy rất buồn cười khi vở kịch này vẫn cứ kỳ thị, nói xấu người giàu. Đến nay, môtip của nhiều vở kịch, các câu chuyện của Việt Nam luôn theo kiểu nhà giàu thì phải độc ác và phải bị trừng trị đích đáng.

Nếu như trước đây, quốc gia cạnh tranh bằng tài nguyên, văn hóa, lịch sử, giờ đây trong hội nhập kinh tế toàn cầu, không thể chỉ dựa vào nhà máy xí nghiệp nhỏ, tiểu chủ làm ăn cò con. Muốn cạnh tranh phải dựa vào những người có đầu óc làm ăn lớn, là những tỉ phú.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt không thể lớn mạnh do chính sách không chuẩn, chập chờn, hay thay đổi, làm doanh nghiệp khó đi đường dài vì sợ rủi ro.

Như việc Đà Nẵng quyết định đóng cửa hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc ngay, doanh nghiệp sẽ xoay xở thế nào? Nếu doanh nghiệp sai vì gây mất an toàn, nguy hiểm cho xã hội sẽ cần phải xem xét, nhưng nếu sai vì thủ tục nhiêu khê, chậm trễ làm mất cơ hội của họ thì phải xem lại.

Nếu VN không có các chính sách quan tâm đặc biệt tới người giàu, tạo cơ hội cho họ cống hiến và cảm thấy được tôn trọng, tài sản được bảo vệ... thì nhiều nước sẵn sàng dang tay chào đón người giàu của chúng ta.

Người trong cuộc là ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon, đề nghị tránh doanh nhân phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài.

Một nền kinh tế mạnh là nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn. doanh nghiệp, cá nhân nếu giàu lên nhờ làm ăn chính đáng, đem lại giá trị cho xã hội cần phải được Nhà nước, xã hội hoan nghênh. 

Thể chế và luật pháp của Nhà nước phải bảo vệ họ. Chứ cứ thấy họ giàu lên, có nhiều tiền lại nghi ngờ, gây phiền phức là không ổn.

2-3 năm gần đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN nhiều hơn. 

Tuy nhiên, chất lượng hệ thống quản lý được phản ánh ở người quản lý có thẩm quyền cấp thấp nhất - đó là hàng triệu cán bộ công chức, chứ không chỉ ý chí nguyện vọng ở cấp cao nhất. 

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn ngại làm việc với cơ quan nhà nước do có một số cán bộ làm việc quan liêu, kiểm tra quá nhiều hay luật có "điểm mờ" gây khó cho doanh nghiệp.

Nền kinh tế toàn cầu rất mở đang là thách thức với Nhà nước. Nếu không cải tiến nhanh, nhiều nguồn tài lực, vật lực, doanh nghiệp tốt sẽ chuyển sang đăng ký ở các nước xung quanh như Mỹ, Singapore... Quyền lựa chọn của doanh nghiệp, người giàu ngày càng lớn. Họ có thể di chuyển tài sản rất nhanh.

Trên thực tế, nhiều doanh nhân hiện nay đã có quốc tịch thứ 2. Tôi nghĩ họ cũng cực chẳng đã mới làm như vậy, có thể họ sợ rủi ro trong kinh doanh nhưng cũng có thể lo môi trường kinh doanh không công bằng.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng đừng để mất niềm tin. 

Cá nhân tôi nghĩ những người làm ra tiền phần lớn là những người thông minh, giỏi giang. Ở những đất nước có sự phát triển lành mạnh, có cơ chế giám sát tốt thì những người giàu thực sự là những người giỏi.

Ở Việt Nam, vì sao xã hội vẫn còn kỳ thị người giàu? Có lý do ngoài những người giàu thực chất ra, ở Việt Nam có nhiều người giàu nhờ luồn lách, nhờ lợi ích nhóm, lợi dụng lỗ hổng của cơ chế...

Thời gian qua chúng ta đã thấy nhiều người trở thành đại biểu Quốc hội rồi còn ra trước vành móng ngựa. Rất nhiều người giàu ôm tiền chạy trốn ra nước ngoài. Nên xã hội mất niềm tin.

Một đất nước muốn phát triển phải dựa vào những người có năng lực. Làm sao để những người có năng lực có thể phát huy hết khả năng, làm giàu được bằng chính sức lao động và trí tuệ của mình. Muốn được như vậy phải tạo ra một xã hội minh bạch, cơ chế minh bạch để khuyến khích người giỏi.

N.LINH- N.DIỆP - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên