Bên dưới bài đăng có rất nhiều bình luận, chủ yếu khen thế hệ nghệ sĩ cũ hát nhạc Trịnh như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Ngọc Lan, Bảo Yến, Tuấn Ngọc, Elvis Phương… Sau này có thêm Cẩm Vân, Nguyễn Lệ Thu, Nhã Phương, Họa My, Thanh Lan…
Song khi bàn tới lứa ca sĩ sau như Thanh Lam, Lệ Quyên… thì nghe "không cảm được", "mệt mỏi tâm can", "hoảng hốt"…
Không nghe nổi không có nghĩa là dở
Giờ lứa Hồng Nhung, Thanh Lam, Lệ Quyên, Tùng Dương, Quang Dũng, Thái Hòa, Hà Trần… cũng đã "già". Hiện có thêm một thế hệ trẻ hát nhạc Trịnh tươi mới hơn.
"Cứng tuổi" thì có Hà Lê, Giang Trang; nghệ sĩ gen Z thì có Mỹ Anh, Hoàng Dũng, Hoàng Trang, Suni Hạ Linh, Orange, Juky San, Kiên, Hoàng Duyên, Obito…
Khán giả có tuổi cho rằng các nghệ sĩ trẻ đang "phá nát" nhạc Trịnh, "hãy để huyền thoại cứ là huyền thoại".
Khán giả trẻ lại không nghe nổi Khánh Ly, Lệ Thu, Bảo Yến, Cẩm Vân rủ rỉ… Do đâu mà có một "đứt gãy" trong thưởng thức nhạc Trịnh đến thế?
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn lý giải: điều trên bắt nguồn từ thói quen thưởng thức của từng thế hệ.
Giờ các bạn trẻ không sống trong đói nghèo, chiến tranh nên đa số thích một thứ nhạc năng động, cởi mở và tươi vui, không hợp kiểu ủ ê, mộc mạc như xưa.
"Xưa, chỉ cần giọng hát kèm một cây guitar cũng có thể ngồi hát nghêu ngao mãi mà vẫn hay. Giờ bê nguyên xi, không ai đấu lại được chị Khánh Ly như cách chị đã làm được", ông nói.
Ca sĩ Hồng Nhung cho rằng "nhạc Trịnh có một lượng fan hùng hậu, lại nhiều người là trí thức và lớn tuổi, họ đã quen với cách thể hiện theo kiểu cổ điển. Họ khó chấp nhận hoặc khó tính hơn với việc làm mới nhạc Trịnh".
Hồng Nhung kể với Tuổi Trẻ rằng ngày xưa khi cô bắt đầu hát nhạc Trịnh, thậm chí được chính ông dìu dắt, khi nghe cô hát thì vẫn có khán giả thích lẫn không thích. Thậm chí họ còn nói "chúng tôi chỉ thích nghe Khánh Ly hát".
Về sau này, nhờ kiên trì hát và ra các sản phẩm nhạc Trịnh, khán giả mới bắt đầu quen dần với sự trình bày của Hồng Nhung.
"Một số nghệ sĩ trẻ bây giờ hát nhạc Trịnh có thể chưa nhận được sự đón nhận ngay lập tức nhưng cùng với thời gian, các em sẽ nhận được sự đồng cảm của khán giả", cô nói.
Theo Trần Mạnh Tuấn, "lớp trẻ có những sáng tạo riêng, thậm chí rap hóa, rock hóa để mang nhạc Trịnh đến với công chúng thuộc thế hệ của họ", và "nên mừng vì các em, các cháu còn nghe, còn muốn làm mới nhạc Trịnh; không có ai nghe và làm mới mới là điều đáng buồn".
Sinh thời, nhạc sĩ nói gì?
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu năm 1992. Sau đó, ông cho ra một số đĩa nhạc làm mới nhạc Trịnh như Thuở Bống làm người, Hạ trắng… Nhạc sĩ đón nhận sản phẩm của Trần Mạnh Tuấn với một sự cởi mở, hào hứng và thích thú.
Trịnh Công Sơn nói với vợ ông "đừng để Tuấn đi Berlin học, một người tài hoa thì không ai dạy nổi. Hãy ở lại TP.HCM cùng tụi anh phát triển âm nhạc".
Trần Mạnh Tuấn nói "nếu không chấp nhận một người trẻ như Trần Mạnh Tuấn khi đó thì ông không yêu mến tôi đến thế".
Ca sĩ Hồng Nhung nhớ lại: ngày trước, khi giọng hát của cô đứng trước sự tranh cãi của dư luận, nhạc sĩ nói cô hãy cứ hát nhạc ông theo cách của mình.
"Nếu bắt chước các đàn anh đàn chị thì không cần thiết vì đã có những cây đa, cây đề hát theo cách đó rồi. Có gì không hiểu, ông sẽ giúp đỡ để hát cho đúng nhưng vẫn phải hát theo cách riêng của mình", cô chia sẻ.
Hồng Nhung tự nhận giờ cô đã là ca sĩ "ít nhiều có kinh nghiệm trong nghề". Cô nhắc lại chuyện cũ, qua đó "muốn truyền lửa tới các nghệ sĩ trẻ khi hát nhạc Trịnh".
"Các em hãy cứ hát và vẫn có thể có những sáng tạo riêng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi biết chưa bao giờ là người giới hạn sự tự do của những cá thể nghệ sĩ", cô nói.
Cho tất cả mọi người
Theo Hồng Nhung, nhạc Trịnh là một gia tài âm nhạc, một gia tài văn hóa cổ điển, đồng thời nó cũng đủ rộng lớn và mới mẻ để có thể phát triển và trương nở theo các thời đại khác nhau, chứ không phải dừng lại ở cách thể hiện duy nhất, bởi bất cứ một người nào đó.
Âm nhạc của ông chứa đựng bao triết lý cũng như chiêm nghiệm về cuộc sống. Đó là thứ nhạc đi qua xuyên qua chiến tranh đến thời bình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù trong hạnh phúc hay gian lao, đích đến là cái vô cùng của tình yêu và cái đẹp.
MỸ ANH - nhìn những mùa thu đi (GEN Z VÀ TRỊNH - lấy cảm hứng từ Trịnh Công Sơn & Em và Trịnh)
Hồng Nhung nói nhạc Trịnh là kho tàng "dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, không phân biệt tuổi tác, người trí thức hay người lao động…, ai cũng có thể đến với âm nhạc của ông".
Đồng quan điểm, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho rằng lứa nghệ sĩ cũ có những cách thể hiện riêng, có cái hay riêng của họ và ít nhiều đã được định vị, gọi tên.
Đồng thời, họ có một lớp khán giả bền bỉ chỉ thích nghe những gì rất cũ, rất xưa đó. Và tương tự, người trẻ cũng có sân chơi của họ.
"Không nên đóng lại kin kít kho tàng âm nhạc Trịnh Công Sơn; thay vào đó, nên có một sự chuyển giao về mặt ý thức hệ. Có thể có người không đồng tình nhưng chúng ta phải nhận ra rằng tương lai của âm nhạc đang nằm ở người trẻ", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận