16/09/2021 13:00 GMT+7

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Quận 7 là một trong 3 địa phương thí điểm mở lại các hoạt động kinh tế từ ngày 16 đến ngày 30-9. Trong sáng 16-9, Tuổi Trẻ Online ghi nhận nhịp sống kinh tế của các hàng quán vỉa hè tại quận 7.

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM - Ảnh 1.

Tiệm bún thịt nướng, nem nướng mới mở cửa đã nhận được rất nhiều đơn hàng qua các app - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trước tiệm bún thịt nướng Ngọc Lan vào sáng 16-9, có 5-6 shipper công nghệ đứng chờ sẵn để giao các phần cơm sườn, bún thịt nướng nóng hổi đến khách. Trong khi đó điện thoại di động của chủ quán liên tục "nổ" đơn. 

Chủ tiệm Nguyễn Ngọc Lan cho biết đây là ngày thứ 2 tiệm này tái hoạt động, lượng đơn hàng đổ về như trước dịch nhưng số người phụ bán từ 5 người nay chỉ còn 3 người nên công việc tất bật hơn. Theo bà Lan, việc buôn bán qua shipper rất tiện khi đơn đổ về máy, tiền đổ về tài khoản, người bán người mua không tiếp xúc.

Còn tại tiệm bánh mì Phượng Hoàng (phường Tân Phú), trước cửa tiệm có treo tấm biển mới toanh ghi dòng chữ "hộ kinh doanh xanh" do UBND phường cấp. Bên cạnh đó, tiệm cũng được cấp một mã QR để shipper, người mua đến quét mã, khai báo y tế như đến các bệnh viện.

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM - Ảnh 2.

Người dân mua bánh mì phải quét mã QR để khai báo y tế. Đây là yêu cầu bắt buộc, song các khách hàng nhận định khó kéo dài hình thức này bởi người dân sống trong xóm, chỉ mua vài ổ bánh mì rất gọn lẹ, việc khai báo phải mất thêm thời gian - Ảnh: NGỌC HIỂN

Anh Dương Văn Tài - chủ tiệm bánh mì Phượng Hoàng - cho biết để tái hoạt động, tiệm đã đăng ký phương án kinh doanh và cam kết hoạt động an toàn bằng văn bản với UBND phường. Trong đó, 4 lao động của tiệm đều phải xét nghiệm COVID-19, các nhân viên ăn ngủ tại tiệm... 

Theo anh Tài, quy định phải xét nghiệm COVID-19 định kỳ nên tiệm đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua bộ kit test để tự thực hiện.

Được hoạt động trở lại nhưng anh Tài cho hay kinh doanh khá ế ẩm, trước đây mỗi ngày bán chừng 1.200 ổ bánh mì, nay chỉ bán cầm chừng ở mức 1/5 so với trước dịch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Gong Cha Việt Nam cho biết Gong Cha Phú Mỹ Hưng (quận 7) là cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM của hệ thống này tái hoạt động từ sáng 16-9, các ngày tiếp theo hệ thống này sẽ mở cửa các tiệm Gong Cha Thảo Điền Pearl, Phan Văn Trị, Phan Xích Long và An Dương Vương. 

Theo vị đại diện này, để tái hoạt động, tiệm phải thực hiện "3 tại chỗ" và các nhân viên phải xét nghiệm âm tính trước khi di chuyển tới địa điểm hoạt động.

Trong ngày đầu tái hoạt động, các tiệm kinh doanh thức uống có tiệm nhận định sức mua khôi phục tốt, cũng có tiệm thừa nhận lượng khách hàng còn ít ỏi.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, một số hộ kinh doanh tái hoạt động song chưa đăng ký với địa phương, dù đã xét nghiệm COVID-19 âm tính vẫn bị lực lượng chức năng đến nhắc nhở, yêu cầu ngưng hoạt động và hướng dẫn đăng ký tái hoạt động theo quy trình của UBND quận 7.

Không phải hộ kinh doanh nào cũng được mở lại

Theo UBND quận 7, quận sẽ thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn từ ngày 16 đến 30-9. Đầu tiên, quận sẽ lựa chọn đối tượng ưu tiên thực hiện thử nghiệm, trong đó có 100 hộ kinh doanh đường phố (mỗi phường 10 hộ kinh doanh) với quy mô tương đối lớn, an toàn và có cam kết đồng ý kinh doanh lại và 50 doanh nghiệp (mỗi phường 5 doanh nghiệp).

Điều kiện để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tái sản xuất là phải có 5 tiêu chí, bao gồm: đảm bảo "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến", người lao động đã được tiêm 2 mũi vắc xin, đảm bảo 5K của Bộ Y tế, có phương án chống dịch đã được thẩm định, người lao động được xét nghiệm định kỳ theo quy định.

Sau khi đăng ký, UBND quận thành lập tổ thẩm định các cơ sở. Nếu đạt điều kiện, các cơ sở kinh doanh được cấp mã QR và phải gắn biển "hộ kinh doanh xanh", "doanh nghiệp xanh".

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM - Ảnh 4.

Một doanh nghiệp gắn bảng "doanh nghiệp xanh" trước cửa hàng vào sáng 16-9 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM - Ảnh 5.

Cửa hàng trà sữa Gong Cha tái hoạt động sau nhiều ngày đóng cửa để phòng dịch theo quy định của TP. Hiện nay, các cửa hàng chỉ được bán mang về qua các shipper - Ảnh: NGỌC HIỂN

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM - Ảnh 6.

Một tiệm rau củ tại gia hoạt động vào sáng 16-9, chủ tiệm cho biết chỉ bán rau củ cho bà con trong xóm - Ảnh: NGỌC HIỂN

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM - Ảnh 7.

Các shipper phải giao hàng qua những "hàng rào cô lập" như thế này trong "vùng xanh" quận 7. Trong ảnh: một hàng rào tạm bợ, nhếch nhác trước hẻm 134 đường Nguyễn Thị Thập, thuộc "khu phố văn hóa" của phường Bình Thuận - Ảnh: NGỌC HIỂN

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM - Ảnh 8.

Người bán hàng rong hiếm hoi xuất hiện trên đường phố quận 7 trong sáng 16-9. Theo quy định, bán hàng rong vẫn chưa được phép hoạt động - Ảnh: NGỌC HIỂN

Người đầy đơn, kẻ ế ẩm trong ngày đầu thí điểm ‘bình thường mới’ ở TP.HCM - Ảnh 9.

Dịch vụ sửa xe máy chưa được hoạt động nên ông Trần Văn An (ngụ phường Tân Phú) dựng tấm bảng bơm miễn phí, khách tự bơm xe. Đối diện cửa tiệm ông An, một tiệm sửa xe khác cũng cho khách bơm không lấy tiền - Ảnh: NGỌC HIỂN

Diễn đàn Diễn đàn 'Từng bước mở cửa kinh tế an toàn, hiệu quả': Cần chiến lược với 5 vấn đề mấu chốt

TTO - Khôi phục kinh tế là mục tiêu hàng đầu khi TP.HCM xác định sẽ sống chung với COVID-19. Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch GIBC.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên