14/01/2020 11:50 GMT+7

Người dân phải ứng xử ra sao khi bị kính cao ốc rọi nắng rực nhà?

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Sự việc tòa cao ốc Ngân hàng SHB ở Đà Nẵng lắp kính khiến ánh sáng phản chiếu làm chói khu dân cư là thực trạng chung ở nước ta khi đô thị phát triển. Vậy khi gặp trường hợp này, các bên cần ứng xử như thế nào cho hợp lý?

Người dân phải ứng xử ra sao khi bị kính cao ốc rọi nắng rực nhà? - Ảnh 1.

Buổi sáng mặt kính công trình phản chiếu ánh mặt trời xuống đường Lê Đình Dương - Ảnh: TẤN LỰC

Cần quy định chi tiết hơn

Theo ông Phan Đức Hải, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng, sự việc nhiều hộ dân mặt tiền đường Lê Đình Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng "kêu trời" vì bị ảnh hưởng sinh hoạt do kính từ tòa cao ốc không phải là mới. 

Hiện nay tại thành phố đã có rất nhiều cao ốc với thiết kế mặt tiếp xúc bên ngoài là kính. Nhưng người dân ít phản ứng do các trường hợp bị ảnh hưởng khác nhau tùy loại kính, hướng sáng, khoảng cách từ mặt kính đến nhà dân...

Ông Hải cho rằng Việt Nam chưa có luật nào quy định cụ thể về việc xử phạt hay chế tài đối với công trình kính rọi sáng lóa. Do vậy việc cấp phép xây dựng mới chỉ nói chung chung đến việc thiết kế, chất lượng kính công trình.

Trong khi đó, ánh sáng là một thành tố quan trọng trong vấn đề môi trường, do vậy cần sớm ban hành các quy định liên quan đến vấn đề quang học trong xây dựng.  

"Tất cả các yếu tố liên quan đến các hệ giác quan đều là những vấn đề cần được quy định chi tiết trong môi trường. Trước đây mấy thập kỷ khi chưa có karaoke, người ta cũng không quan tâm đến chuyện ô nhiễm tiếng ồn nhưng bây giờ thì đã có bộ quy chuẩn tiếng ồn và bắt đầu xử phạt. 

Bây giờ xây cao ốc lắp kính có vấn đề phát sinh "ô nhiễm ánh sáng". Do vậy cũng nên chuẩn hóa các quy định, nhất là vấn đề môi trường tác động hệ cảm giác"- ông Hải khuyến cáo.

Người dân phải ứng xử ra sao khi bị kính cao ốc rọi nắng rực nhà? - Ảnh 2.

Ánh sáng từ tòa nhà phản chiếu xuống một quầy nước giải khát trên đường Lê Đình Dương - Ảnh: TẤN LỰC

Cần chứng minh được thiệt hại

Theo luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN, Đà Nẵng), pháp luật quy định khi thực hiện việc xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình của mình cũng như những công trình liền kề, tránh các hiện tượng sụt lún, nứt vỡ..., đây là những hiện tượng thường thấy.

Tuy nhiên, hiện nay tại các đô thị lớn, những tòa nhà được xây dựng, lắp đặt toàn kính sẽ gây "ô nhiễm ánh sáng" đối với người dân xung quanh đang trở thành một sự xung đột gay gắt. 

Luật sư Việt cho rằng cường độ chiếu sáng là một thành tố quan trọng trong vấn đề môi trường, được quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường 2014.

"Công trình xây dựng trong khu dân cư phải có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường".

Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng, quy định "Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh".

Như các căn cứ trích dẫn trên thì khi xây dựng công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm để không phát tán ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Nếu chủ đầu tư gây ra bức xạ thì phải có các biện pháp để kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định tại Điều 103 Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Trong trường hợp có cơ sở để chứng minh việc xây dựng công trình của chủ đầu tư vượt quá quy chuẩn môi trường về ánh sáng, bức xạ và là nguyên nhân gây ra những thiệt hại cho người dân thì người dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2014, Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015.

"Tuy nhiên, trong trường hợp này để việc giải quyết mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân được diễn ra nhanh chóng, đảm bảo được quyền lợi của các bên thì chủ đầu tư cần có phương án để giảm thiểu sự khúc xạ của ánh sáng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi ngươi dân"- luật sư Việt khuyến cáo.

Kính cao ốc rọi nắng rực nhà dân, chủ đầu tư nói Kính cao ốc rọi nắng rực nhà dân, chủ đầu tư nói 'không có vấn đề'

TTO - "Khách vào uống nước ai cũng "kêu trời" cái kính màu vàng chói lóa vào mắt không chịu nổi. Tôi không hiểu sao người ta lại làm kính phản chiếu như vậy. Mùa này trời còn mát chứ mùa hè tới thì sao mà chịu nổi".

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên