17/01/2025 19:06 GMT+7

Người đàn ông ung thư gan giai đoạn cuối 'hồi sinh' nhờ gan của cháu ruột

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã ghép gan thành công cho bệnh nhân đầu tiên, như vậy TP.HCM có thêm một bệnh viện ghép gan, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân khác.

Người đàn ông ung thư gan giai đoạn cuối 'hồi sinh' nhờ gan của cháu ruột - Ảnh 1.

Bệnh nhân ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 175 được đội ngũ y bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện trao giấy ra viện vào chiều 17-1 - Ảnh: CHÍNH TRẦN

Ngày 17-1, bệnh nhân ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 175 được xuất viện, mở ra nhiều cơ hội cứu sống những người bệnh khác.

Ca ghép gan đầu tiên này là ông N.N.K. (55 tuổi, Lâm Đồng), cuối năm 2020 ông K. phát hiện bị viêm gan siêu vi B và được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong hai năm.

Đến cuối năm 2022, kết quả tầm soát cho thấy ông K. có khối u gan, đến năm 2023 ông được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 để được điều trị. Đến tháng 11-2024, các bác sĩ thông báo phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh là phải ghép gan.

"Bác sĩ thông báo nếu không sớm được ghép gan, khối u sẽ xâm lấn, chỉ có thể điều trị trong một thời gian ngắn nữa thôi vì gan đã xơ không thể nuôi sống cơ thể, sớm tử vong", ông K. kể.

May mắn trong gia đình, cháu trai ruột của ông K. là người duy nhất có gan phù hợp và cùng nhóm máu, nên đã đồng ý hiến gan cho cậu mình. Sau ghép đến nay, sức khỏe của ông đã ổn định, được bệnh viện trao giấy xuất viện vào chiều cùng ngày.

Người đàn ông ung thư gan giai đoạn cuối 'hồi sinh' nhờ gan của cháu ruột - Ảnh 2.

Sau khi ghép gan, bệnh nhân N.N.K. (55 tuổi, Lâm Đồng) đã có sức khỏe ổn định, nói chuyện, sinh hoạt như người bình thường - Ảnh: THU HIẾN

ThS.BS Nguyễn Văn Mạnh - khoa ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 175 - cho hay đây là ca ghép gan đầu tiên của bệnh viện, bệnh nhân bị ung thư gan đa ổ, đã điều trị bằng các biện pháp can thiệp.

Tuy nhiên do khối u tái phát sau quá trình điều trị trên nền bệnh nhân có viêm gan B và xơ gan, thời gian sống người bệnh không được lâu vì khối u đã tái phát.

Ca ghép gan kéo dài trong 7 tiếng. Sau đó một tuần, người bệnh được trở về khu điều trị bình thường, không ghi nhận bất thường.

Bác sĩ Mạnh cũng cho biết thêm chi phí một ca ghép gan tại Bệnh viện Quân y 175 là 800 triệu đến 1,2 tỉ đồng, tùy thuộc người ghép gan.

Nếu bệnh nhân chỉ xơ gan thì chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế tại Việt Nam chưa chi trả quá nhiều chi phí ghép tạng.

TS.BS Trần Quốc Việt - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho hay đến nay bệnh viện đã làm chủ kỹ thuật ghép thận từ chuyển giao kỹ thuật ghép thận, với 34 cặp ghép. 

Sau khi được Bộ Y tế thẩm định cấp phép ghép gan, bệnh viện đã tổ chức phẫu thuật được cho ca đầu tiên.

Để có được thành tựu này, bệnh viện đã xây dựng mới 96 quy trình kỹ thuật và vận hành ghép gan; thiết lập các khu vực chuẩn bị bệnh nhân trước ghép, phòng mổ...

Ngoài ra, bệnh viện đã cử 62 học viên từ tháng 12-2022 đến tháng 10-2024 để học tập và tiếp nhận kỹ thuật ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Đến nay cả nước có 28 cơ sở hoạt động ghép tạng, tại TP.HCM có 8 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.

Thêm một bệnh viện tại TP.HCM ghép gan thành công cho người bệnh - Ảnh 1.Một tuần, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM thực hiện 3 ca ghép gan

Đây là số ca ghép gan mà Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép được cao nhất trong một tuần. Bệnh viện Nhi đồng 2 đang đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc ghép gan để thêm nhiều trẻ được sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên