Khách mua hàng đợi để vào bên trong cửa hàng tại trung tâm mua sắm Citadel Outlet ở Commerce, bang California, Mỹ ngày 3-12 - Ảnh: REUTERS
Biện pháp này được áp dụng khi khả năng tiếp nhận bệnh nhân mới của bất cứ khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) nào trong số 5 khu vực của tiểu bang này còn dưới 15%, nhằm giúp cho các khoa phòng này tiếp tục đảm bảo khả năng điều trị.
Tính đến ngày 5-12, số giường tại khoa ICU ở nam California còn 12,5%.
Theo quy định, người dân ở các khu vực của nam California (trong đó có quận Cam, nơi đông người Việt sinh sống) và San Joaquin Valley sẽ phải "ở nhà" theo yêu cầu của thống đốc bang Gavin Newsom.
Ngoài ra, nhà chức trách của Vùng Vịnh San Francisco cũng yêu cầu người dân nơi đây thực hiện ở nhà kể từ tối chủ nhật 6-12.
Trước đó, để kiềm chế đại dịch, các quán bar, tiệm làm tóc, tiệm làm móng, khu vui chơi, sở thú… phải tạm ngừng hoạt động và các nhà hàng chỉ được phép bán đồ ăn mang đi. Các cửa hàng bán lẻ chỉ được hoạt động với mức 20% sức chứa và cũng không được bán đồ ăn, đồ uống bên trong.
Lệnh ở nhà sẽ kéo dài ít nhất 3 tuần, đến khoảng 28-12.
Bác sĩ Maggie Park, nhân viên y tế công cộng ở hạt San Joaquin, cho biết: "Chúng tôi biết mọi người đã mệt mỏi với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhưng đây là vũ khí duy nhất mà chúng ta có để chống lại virus".
Tính đến hết ngày 4-12, bang California có thêm 25.000 ca nhiễm COVID-19 mới và đây là con số kỷ lục kể từ đầu đại dịch. Cùng ngày, tiểu bang này cũng có thêm 209 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 lên 19.791 trường hợp.
Trong khi đó, toàn nước Mỹ có gần 15 triệu ca nhiễm và hơn 287.825 tử vong.
Lệnh ở nhà bị một số chính trị gia của đảng Cộng hòa chỉ trích vì ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ cho rằng bắt người dân ở nhà sẽ gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận