Người Đan Mạch sắp có bản quyền khuôn mặt và giọng nói của chính mình?

Trong bối cảnh AI deepfake ngày càng tinh vi và lan rộng, Đan Mạch đang xem xét một bước đi táo bạo: trao quyền pháp lý cho người dân đối với chính hình ảnh, giọng nói và khuôn mặt của họ.

Đan Mạch - Ảnh 1.

Người dân đi bộ trên phố tại Copenhagen, Đan Mạch - Ảnh: REUTERS

Theo tạp chí Time, Chính phủ Đan Mạch đang xem xét dự thảo sửa đổi luật nhằm trao quyền tác giả cho công dân đối với hình ảnh, giọng nói và các đặc điểm khuôn mặt của chính mình. Đây là một nỗ lực quyết liệt nhằm đối phó với công nghệ deepfake do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.

Một liên minh các nhà lập pháp Đan Mạch đang phối hợp soạn thảo dự luật này, trong đó đề xuất cấm chia sẻ nội dung deepfake và thiết lập biện pháp pháp lý để ngăn việc phát tán hình ảnh do AI mô phỏng mà không có sự đồng ý của người liên quan.

"Trong dự luật này, chúng tôi đồng thuận và muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng: mọi người đều có quyền đối với cơ thể, giọng nói và các đặc điểm khuôn mặt của chính mình - điều mà pháp luật hiện tại dường như chưa bảo vệ hiệu quả trước AI", Bộ trưởng Văn hóa Jakob Engel-Schmidt chia sẻ với báo The Guardian.

Bộ Văn hóa Đan Mạch dự kiến sẽ trình dự thảo sửa đổi này để lấy ý kiến công chúng vào mùa hè năm nay.

Nếu được thông qua, luật mới sẽ áp đặt các khoản tiền phạt nặng đối với các nền tảng trực tuyến không tuân thủ.

Tuy nhiên, chính phủ khẳng định các tác phẩm châm biếm và hài hước sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật sửa đổi này.

Động thái của Đan Mạch diễn ra trong bối cảnh công nghệ AI deepfake đang ngày càng phổ biến và tinh vi hơn, gây ảnh hưởng không chỉ đến người nổi tiếng như ca sĩ Taylor Swift hay Giáo hoàng Francis mà còn đến nhiều cá nhân bình thường.

Hiện một số quốc gia khác cũng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp bảo vệ tương tự.

Vào tháng 5, Mỹ đã thông qua Đạo luật "Take It Down" - quy định việc phát tán hình ảnh deepfake không có sự đồng thuận là hành vi phạm pháp, đồng thời buộc các công ty mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung đó trong vòng 48 giờ sau khi được yêu cầu.

Vào tháng 4-2025, hơn 200 nghệ sĩ, bao gồm ca sĩ Billie Eilish và J Balvin, đã ký tên vào một bức thư phản đối việc sử dụng AI trong ngành âm nhạc, đặc biệt là kỹ thuật giả lập giọng nói.

Dự luật tại Đan Mạch, nếu được thông qua, sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong việc đặt ra giới hạn pháp lý rõ ràng đối với việc sử dụng AI trong mô phỏng con người - một vấn đề ngày càng cấp thiết trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại.

Người Dân Đan Mạch Sắp Có Bản Quyền Cho Khuôn Mặt và Giọng Nói? - Ảnh 2.'Bí kíp lận lưng' giúp phát hiện nội dung do AI tạo ra

Ngày càng nhiều nội dung do AI tạo ra được chia sẻ rộng rãi và thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, khiến nhiều người tin là thật. Vậy làm sao nhận biết đâu là sản phẩm của AI?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên