Nhiều lao động tự do đang "ngóng chờ" Hà Nội có chính sách hỗ trợ - Ảnh: HÀ QUÂN
Bộ trưởng yêu cầu "khẩn trương nhất"
Ngày 20-7, Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã có công điện khẩn số 05 đề nghị chủ tịch các địa phương chỉ đạo triển khai nghị quyết 68 và quyết định 23 (gói 26.000 tỉ đồng) ngay cho người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19.
Tuy nhiên ngày 21-7, tại TP Hà Nội và một số địa phương, nghị quyết vẫn chưa thể đi vào cuộc sống theo tinh thần mà người đứng đầu ngành lao động đã nói tại hội nghị trực tuyến ngày 14-7.
Khi đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Người dân khó khăn đang từng ngày mong chờ được nhận hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ. Ngay trong tuần này, các địa phương phải triển khai ngay. Triển khai chậm là có lỗi, trục lợi là có tội với dân".
Lao động tự do "chờ" hỗ trợ
Anh Mai Văn Anh, bốc vác tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nói: "Mình làm bốc vác được 18 năm, ngày nhiều thì được 400.000 đồng. Nhưng chợ đóng cửa thì mình nghỉ dài, nên rất khó khăn, chạy cơm từng bữa. Nhưng mình chỉ lo không trong diện nhận hỗ trợ. Hai là thủ tục, chứng minh khắt khe vì lao động tự do như mình không có hộ khẩu".
Trong khi đó, chị Thu Trang, làm nghề gội đầu ở quận Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ rằng bản thân phải đi vay tiền họ hàng để lo cơm từng bữa cho gia đình vì chi phí sinh hoạt ở thủ đô rất lớn, thu nhập vài triệu đồng của chị không thể kham nổi tiền điện, tiền nước, tiền mua thức ăn...
Nhiều địa phương đã có quyết định, có nơi còn hỗ trợ thêm
Trước đó, TP.HCM, TP Đà Nẵng, Long An, Bắc Giang, Sóc Trăng... đã hỗ trợ lao động tự do để người lao động nghèo tạm vượt qua khó khăn với mức hỗ trợ "bám sát" gói 26.000 tỉ đồng.
Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh... đang hỗ trợ 11 đối tượng theo gói 26.000 tỉ đồng và sẽ có quyết định riêng cho lao động tự do. Với chính sách tương tự, tỉnh Hưng Yên còn hỗ trợ thêm cho trên 6.000 hộ nghèo với mức 20kg gạo/hộ, trị giá gần 2 tỉ đồng.
Tại Thái Nguyên, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tiếp nhận và hướng dẫn 1 doanh nghiệp vay vốn trả lương cho 260 lao động với số tiền trên 3 tỉ đồng và đang tham mưu UBND phê duyệt hỗ trợ lao động tự do.
Ngược lại, các tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... vẫn trong quá trình chờ UBND thành phố, tỉnh thông qua quyết định hỗ trợ doanh nghiệp và người dân dù kế hoạch chi tiết đã trình.
Các lý do được đưa ra gồm: việc triển khai chính sách gặp khó khăn do địa bàn rộng, dân cư đông, đối tượng hỗ trợ đa dạng cần thời gian thống kê, lực lượng cán bộ mỏng... nên chưa có quyết định hỗ trợ ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận