Làng cổ Đường Lâm: Nhận danh hiệu rồi chỉ khổ cái thân!Lập dự án giãn dân làng cổ Đường Lâm
Theo đó, bà Ngọc yêu cầu trong thành phần tham gia ban quản lý di tích cần có đại diện của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đại diện nhân dân xã Đường Lâm.
Để giải quyết những vướng mắc của người dân làng cổ trong cải thiện, xây dựng nhà ở, bà Ngọc yêu cầu Sở Quy hoạch - kiến trúc xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm, dự án quy hoạch xây dựng khu giãn dân phục vụ bảo tồn làng cổ Đường Lâm, đồng thời thiết kế nhà mẫu cho người dân, báo cáo UBND TP trước ngày 30-6.
Ngoài ra, trong quản lý nguồn thu từ vé danh lam thắng cảnh, UBND TP Hà Nội cũng đồng thuận với kiến nghị của người dân làng cổ Đường Lâm, đó là nguồn thu từ vé tham quan và các hoạt động dịch vụ, du lịch được ban quản lý thu cần phải công bố công khai với nhân dân xã Đường Lâm.
Cùng ngày, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về quy hoạch làng cổ Đường Lâm. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất chỉ cho xây nhà một tầng tại khu vực 1. Khu vực 1 được xác định là thôn Mông Phụ, được đề nghị giữ trọn vẹn cấu trúc thôn, xây dựng nhà một tầng, giữ lại đình chùa và cải tạo con đường lát gạch. Đối với những hộ dân đã xây nhà hai tầng trước đó, các ý kiến cũng đề nghị cần có phương án xử lý để trả lại vẻ nguyên gốc cho di tích.
Ngoài Mông Phụ, những thôn nằm trong ranh giới bảo tồn đã được Bộ VH-TT&DL khoanh vùng như Đồng Sàng, Cam Lâm, Đoài Giáp, Cam Thịnh được đề xuất cho phép xây dựng nhà hai tầng với các khuyến cáo giữ kiểu kiến trúc truyền thống là mái ngói, không sơn sặc sỡ, phải có khoảng lùi và bị khống chế chiều cao là 10,5m.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng: phải giữ bằng được các yếu tố nguyên gốc trong khu vực 1. Quy hoạch cũng cần phải có thiết kế một số mẫu nhà để người dân chọn. Tóm lại, quy hoạch gì thì cũng phải chú trọng đến ba loại lợi ích: lợi ích cộng đồng, nhà làm du lịch và người đi tham quan. Ông Bài cũng cho rằng 500 tỉ đồng mà Sơn Tây đề xuất để bảo tồn Đường Lâm không phải quá cao vì nó được trải đều ra nhiều năm.
Quy hoạch làng cổ Đường Lâm cũng nhận được nhiều góp ý của các nhà khoa học, lãnh đạo ngành văn hóa địa phương, đại diện Cục Di sản. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm thế nào để vừa bảo tồn vừa hài hòa với lợi ích người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận