31/08/2013 11:59 GMT+7

Người dân đã tỏ ra "ông chủ" hơn

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Đã qua rồi thời mà người dân tiếp nhận chủ trương, chính sách, luật pháp với thái độ phục tùng kiểu “trong nhờ đục chịu”, cam phận.

BawCbOXY.jpgPhóng to
Đã có ý kiến đề nghị sửa quy định thừa hay thiếu một ngón tay/chân không được dự thi lấy giấy phép lái xe - Ảnh: M.Đức

Các nỗ lực làm sống lại quy định cấm người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép điều khiển xe máy, từng gây bức xúc trong dư luận xã hội vào năm 2008, có thể bất thành. Song vấn đề không chỉ là làm thế nào để điều kỳ cục này không trở thành luật. Trên hết, phải làm sao triệt tiêu mầm mống của nó, tức là kiểu suy nghĩ coi xã hội, người dân là đối tượng cần được quản lý, được chăn dắt theo ý chí của người cầm quyền chứ không phải là chủ thể cần được phục vụ, được tôn trọng.

Thật ra thái độ quan liêu, cửa quyền, coi thường dân, việc ra những quy định quản lý không hợp lòng dân, như trong thời gian qua, là điều không mới. Chính sự phản ứng của xã hội, đặc biệt là của cơ quan kiểm tra văn bản thuộc Bộ Tư pháp và của báo chí đối với những quy định bị cho là vô lý, phản khoa học, vi hiến, trái luật... mới là điểm mới.

"Đến lúc nào đó, người ta sẽ quen với quan niệm, theo đó, dân tạo ra chính quyền, đóng thuế nuôi dưỡng bộ máy chính quyền để bộ máy này làm việc cho mình chứ không phải để hành hạ, làm khổ mình"

TS Nguyễn Ngọc Điện

Đã qua rồi thời mà người dân tiếp nhận chủ trương, chính sách, luật pháp với thái độ phục tùng kiểu “trong nhờ đục chịu”, cam phận. Nhận thức chính trị, pháp lý của người dân bây giờ đã được nâng cao hơn. Người dân hiểu rằng mình có quyền đòi hỏi nhà chức trách, nhà cầm quyền phải quan tâm đến lợi ích của mình và phải đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của mình.

Trước đây khi đối mặt với một chính sách, một quy định bị cho là vô lý, bất công, người dân phản ứng bằng cách lặng lẽ, lén lút làm điều ngược lại. Còn bây giờ trong cùng một tình huống, người dân công khai lên tiếng phản đối và đòi hỏi những điều chỉnh, sửa đổi cần thiết. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ: quy định về thấp bé, nhẹ cân, ngực lép nói trên; quy định cấm đi xe không chính chủ; quy định cấm đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn...

m447d3Ps.jpg
TS Nguyễn Ngọc Điện

Rõ hơn, người dân đã tỏ ra “ông chủ” hơn trước, khi đối diện với người nắm quyền lực. Điều này cũng được ghi nhận trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công: người dân dần dần từ bỏ những câu nói giao tiếp mang tính chất cầu xin để “làm quen” với ngôn từ của người yêu cầu, đề nghị. Phong thái ứng xử đó chắc chắn có tác động đến suy nghĩ của người nắm quyền lực, có thể từng bước làm thay đổi tính chất của mối quan hệ giữa người dân và cơ quan công quyền.

Dẫu sao kiểu phản ứng hiện tại đối với chính sách, luật pháp không hợp lòng dân, chủ yếu dựa vào cơ quan kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp và sức ép của dư luận thông qua phương tiện truyền thông, ít nhiều vẫn mang tính đối phó, thích nghi với hoàn cảnh, hơn là kiểu ứng xử đặc trưng cho một thể chế dân chủ thật sự tiên tiến. Kinh nghiệm của các nước cho thấy quyền lực chỉ có thể được kiểm soát, kiềm chế một cách có hiệu quả bởi quyền lực. Cần nghiên cứu xây dựng cơ chế cho phép đặt hành vi của người hoạch định chính sách, người làm luật dưới sự phán xét minh bạch và có tính quyền uy nhân danh nhà nước.

Chẳng hạn, có thể buộc người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình trước đại diện dân cử, mỗi khi được yêu cầu, về những quyết định của chính mình hoặc của cấp thuộc quyền gây bất bình trong xã hội. Trong trường hợp giải trình không thuyết phục, người đứng đầu có thể đứng trước một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và bị cách chức. Nguy cơ bị trừng phạt sẽ khiến người đứng đầu phải tỏ ra dè dặt, thận trọng, chặt chẽ trong công việc, kể cả trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động chuyên môn của cấp thuộc quyền. Xã hội, người dân được hưởng lợi từ đó.

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên