15/03/2018 17:02 GMT+7

Người chụp hình thảm sát Sơn Mỹ trở lại mảnh đất tang thương

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Người chụp những bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ đã trở lại mảnh đất tang thương, ông đi cùng những người thân yêu và bạn bè của mình bằng tất cả tình yêu của một người yêu chuộng hòa bình.

Người chụp hình thảm sát Sơn Mỹ trở lại mảnh đất tang thương - Ảnh 1.

Ông Ronald kể lại bức ảnh chụp những xác thường dân vô tội ngay tại vị trí đã chụp bức ảnh này - Ảnh: TRẦN MAI

Chiều 15-3, phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ Ronald Haeberle, người chụp những bức ảnh thảm sát Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), đã trở lại Sơn Mỹ nhân lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát giết chết 504 thường dân vô tội (16-3-1968 - 16-3-2018).

Trở lại Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau khi đáp máy bay xuống Chu Lai, ông Ronald tâm sự "Chuyến đi này, tôi dẫn còn gái, con rể, cùng cháu gái đi cùng. Những bức ảnh tôi chụp ở Sơn Mỹ 50 năm trước đã ở trong nhà tôi rất lâu, nhưng mãi đến khi con gái tôi 10 tuổi, tôi mới kể cho con biết vụ việc. Và hôm nay, tôi muốn dẫn gia đình tôi đến nơi đã xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng trong lịch sử".

Ngay khi đặc chân đến Sơn Mỹ, ông Ronald nhận rất nhiều sự quan tâm của báo chí thế giới và trong nước. Người đàn ông là chứng nhân của vụ thảm sát đã dẫn mọi người đến nhiều vị trí ông từng chụp những bức ảnh, tố cáo vụ thảm sát kinh hoàng. Một nhà báo của một tờ báo đến từ Nhật Bản nói rằng: Thật sự bất ngờ trước sự cởi mở và tình cảm của ông Ronald dành cho vùng đất này.

Nói riêng với Tuổi Trẻ Online, trên chính con đường chụp xác người nằm la liệt, ông Ronald bảo: Hôm ấy, tôi không thể tin vào mắt mình sự thật ấy. Ngay tại con đường này, tôi đã chụp bức ảnh, sau đó không dám bước tới vì sợ dẫm lên xác người dân vô tội.

Người chụp hình thảm sát Sơn Mỹ trở lại mảnh đất tang thương - Ảnh 2.

Ông Ronald chỉ tay về phía cánh đồng để cho gia đình nhỏ của mình biết nơi ông chụp những bức ảnh tố cáo tội ác của lính Mỹ - Ảnh: TRẦN MAI

Mô tả của Ronald khiến nhiều người dân ở đây như hồi tưởng lại quá khứ. Bà Nguyễn Thị Tý (83 tuổi) trong vụ thảm sát năm ấy bà cùng chồng là ông Đỗ Phi (93 tuổi) đang đi làm ngoài đồng và để con ở nhà. Lính Mỹ đến và sát hại 5 người gồm hai con ruột, mẹ và anh trai. Khi về đến nhà đã thấy người thân nằm la liệt trên vũng máu, nhà bị đốt cháy ngùn ngụt. Trong buổi sáng thảm sát ấy, có thêm hai người thân ở nhà mẹ ruột gần đó cũng bị giết chết.

Bà Tý nói "Lúc đó hai vợ chồng nghe tiếng súng trở về gào khóc thảm thiết trước thảm kịch".

Tố cáo tội ác, cầu mong hòa bình

Ronald Haeberle kể: "Khi chúng tôi đến gần hơn, tôi chứng kiến một người phụ nữ đang cố đứng dậy từ đống xác người, có vẻ chị ta, không thể đứng. Tôi không biết chị ta có phải Việt cộng không, chỉ biết chị là một trong những mục tiêu vẫn đang chuyển động, và một người lính đã sớm kết liễu chị bằng một phát súng vào đầu.

Ngay sau đó tôi thấy một người đàn ông già dắt hai đứa trẻ đi tới. Đó là những người Việt đầu tiên tôi nhìn thấy ở một khoảng cách gần. Ngay sau đó ông ta cùng hai đứa trẻ bị bắn chết. Tôi thực sự sốc, ông ta không có dáng vẻ gì là một du kích Việt cộng, hai đứa trẻ lại càng không. Đó chính là bức ảnh người đàn ông chết trên ruộng lúa và xác đứa bé trai nằm trên đường mà tôi đã chụp".

Thấy ông cầm bức ảnh anh che đạn cho em đang trưng bày trong  khu chứng tích Sơn Mỹ, tôi hỏi: "Ông đã chụp bức ảnh nổi tiếng: "Anh che chở cho em" trong bối cảnh nào?" Ronald Haeberle bảo rằng: "Khi máy bay quay lại và rà xuống mặt đường làng, tôi nhìn thấy một cậu bé đang nằm xuống che chở cho em gái mình. Tôi bấm máy".

Tâm sự của những người may mắn thoát khỏi cuộc thảm sát ở Sơn Mỹ cũng là suy nghĩ của ông Ronald, sự thật kinh hoàng ấy đã khiến một người quân nhân đứng ra dùng những bức ảnh tố giác tội ác của lính Mỹ.  Những "người hùng" quân đội Mỹ bỗng chốc trở thành những tên sát nhân không ghê tay. Một cuộc điều tra quy mô lớn trong quân đội Mỹ do tướng William Peers thực hiện kéo dài ba tháng.

Ronald Haeberle đã đứng ra tố giác và kể lại vụ thảm sát. Ông trở thành nhân chứng quan trọng của vụ việc tai tiếng bậc nhất của lịch sử quân đội Mỹ.

Nhưng mỗi khi nhắc lại câu chuyện thảm sát Ronald Haeberle lại cảm thấy đau đớn. Ông thốt lên: "Tôi ở đó. Tôi là một trong họ. Tôi có tội như mọi người khác". Nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao hầu như tất cả các bức ảnh ông chụp về vụ thảm sát Mỹ Lai đều là cảnh những người dân đã chết, không có cảnh lính Mỹ đang giết họ. Ronald Haeberle thường im lặng. Ít ai biết ông đã lặng lẽ xé đi rất nhiều bức ảnh lính Mỹ giết dân lành Mỹ Lai, vì xấu hổ, vì bất lực trước tội ác và vì nỗi đau cứ giày vò mỗi khi nhìn lại những khoảnh khắc kinh hoàng ấy.

Tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát kinh hoàng, Ronald hi vọng hòa bình sẽ trở lại Sơn Mỹ, sẽ không còn những vụ việc đau thương tương tự xảy ra trên thế giới.

Người chụp hình thảm sát Sơn Mỹ trở lại mảnh đất tang thương - Ảnh 3.

Ông Ronald kể lại thời khắc chụp tấm ảnh "anh che đạn cho em" đang trưng bày ở bảo tàng Sơn Mỹ - Ảnh: TRẦN MAI

Người chụp hình thảm sát Sơn Mỹ trở lại mảnh đất tang thương - Ảnh 4.

Ông Ronald ôm chầm con của một người may mắn thoát chết trong vụ thảm sát 50 năm về trước khi vừa bước xuống sân bay - Ảnh: TRẦN MAI

Người chụp hình thảm sát Sơn Mỹ trở lại mảnh đất tang thương - Ảnh 5.

Bốn người trong gia đình ông Ronald cảm thấy rất vui khi người dân nơi này đón ông như người thân - Ảnh: TRẦN MAI

Cựu binh Mỹ và cây vĩ cầm gắn bó với phụ nữ nghèo Quảng Ngãi Cựu binh Mỹ và cây vĩ cầm gắn bó với phụ nữ nghèo Quảng Ngãi

TTO - 25 năm qua, ông Mike Boehm là "ông Mai phụ nữ" ở vùng nông thôn nghèo Quảng Ngãi. 25 năm qua ông cũng góp tiếng vĩ cầm trong mỗi lễ tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên