23/04/2023 10:22 GMT+7

Người cha lưu giữ ký ức của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp

Ai quen biết, gần gũi với gia đình nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp có lẽ sẽ thú vị về cha của họ, ông Giang Kiếm Thanh.

Vợ chồng ông Giang Kiếm Thanh và các con Mỹ Phụng - Quốc Cơ -Quốc Nghiệp - Ảnh: NVCC

Vợ chồng ông Giang Kiếm Thanh và các con Mỹ Phụng - Quốc Cơ -Quốc Nghiệp - Ảnh: NVCC

Ông Giang Kiếm Thanh là một võ sư, lương y cộng tác lâu năm ở Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM và cũng là người có sở thích chụp hình, quay phim lưu lại những ký ức đẹp của hai chàng trai vàng làng xiếc.

Ký ức không chỉ cho con

Ông Giang Kiếm Thanh có đến mấy Facebook, kênh YouTube chủ yếu đăng clip, hình ảnh. Mỗi lần ông đăng clip, khán giả ái mộ anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp tỏ ra thích thú cách ông gìn giữ hình ảnh gia đình, con cái rất cẩn thận. 

Ở clip Mỹ Phụng - Quốc Cơ - Quốc Nghiệp dự Liên hoan Búp sen hồng tại Huế năm 1998, Quốc Nghiệp gầy nhom và hiếu động tuổi lên 9, chị gái Mỹ Phụng thì tỉ mỉ cột băng đầu cho hai em. Ba chị em cùng biểu diễn võ thuật trông thật tình cảm và đáng yêu.

Hay bữa cơm giản dị tại nhà trong clip tiễn Quốc Nghiệp lần đầu theo Đoàn xiếc TP.HCM sang Pháp lưu diễn năm 2003. Ông nội móc tiền cho cháu và căn dặn đi diễn thành công. 

Xa hơn là những clip, hình ảnh từ năm 1977 khi ông Thanh cùng cha và em trai biểu diễn bán thuốc gia truyền ở bến xe Xóm Củi (quận 8). 

Rồi các clip ghi lại hình ảnh các con tập luyện cho việc xác lập kỷ lục, các cháu lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu... Tất cả những clip ấy gần như không dàn dựng, chỉnh sửa. Mộc mạc, giản dị như những cuốn phim quay chậm.

Vô đầu mỗi clip ông Thanh tự thâu tiếng giới thiệu khái quát. Đây không chỉ là hình ảnh một thời của gia đình, là tài liệu quý giá với nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp mà xem clip người ta còn thấy được một chút ký ức của thành phố những năm 1990 bởi gia đình làm việc, đi chơi, ăn uống ông Thanh đều quay lại. 

Rồi những buổi diễn của Đoàn xiếc TP.HCM thời ấy, một thời còn khó khăn và thiếu thốn. Tư liệu sử dụng trong các clip rất đa dạng. Có thể là hình chụp, có thể là đoạn phim, và cũng có thể là... hình ảnh trích xuất từ camera của gia đình.

Nó khiến người xem đôi lúc bật cười vì sự thô sơ, ngộ nghĩnh nhưng ẩn chứa trong đó là tình cảm của người cha, luôn muốn gom những hình ảnh dù dưới hình thức nào để nắm níu lại quá khứ, khoảnh khắc đã qua.

Người cha lưu giữ ký ức của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp - Ảnh 2.

Ba chị em Mỹ Phụng - Quốc Cơ - Quốc Nghiệp thuở nhỏ

Người cha nghiêm khắc nhưng tình cảm

Cha ông Thanh là người gốc Hoa ở tại Sài Gòn. Ông tham gia cách mạng thời chống Pháp, sau đó sang Campuchia định cư. Ông Thanh sinh ra và lớn lên ở Campuchia. 

Năm ông Thanh 23 tuổi, cha ông dẫn cả nhà gần chục người tìm đường hồi hương. Tài sản mất sạch, họ lưu lạc từ Đồng Tháp lên tới Chợ Lớn, gầy dựng lại công việc bán thuốc gia truyền, biểu diễn Sơn Đông mãi võ. 

Quốc Cơ từng kể rằng gia đình anh thuở nhỏ rất cực khổ. Mẹ bệnh tim, cha một mình gồng gánh nuôi cả nhà. Ông diễn Sơn Đông mãi võ bán thuốc, đi xịt muỗi cho các khách sạn, chạy ăn từng bữa. 

Chính vì vậy nên từ nhỏ ông đặt kỷ luật thép với ba chị em Mỹ Phụng, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, để các con phải luôn nỗ lực, cố gắng.

Ông Thanh kể: "Hồi đó tôi dạy võ cho Mỹ Phụng - Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, dạy các kỹ thuật xiếc nho nhỏ. Rồi Cơ - Nghiệp tham gia đội nhào lộn Nguyễn Du, đi diễn lân sư rồng được người ta thưởng tiền. Mình đâu có biết sau này con trở thành nghệ sĩ xiếc nổi tiếng, chỉ mong con làm gì cũng phải cố gắng hết sức để thoát khỏi cảnh khó khăn của gia đình, kiếm được tiền lo cho bản thân".

Người cha lưu giữ ký ức của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp - Ảnh 3.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp và cha mẹ

Trong mắt các con ông Thanh là người cha cực kỳ nghiêm khắc. Quốc Cơ nhớ lại cuộc sống cực khổ khiến ông rất hiếm nở nụ cười. 

Tuy nhiên kỳ thực ông Thanh là người tình cảm. Từ sự tiếc nuối không có nhiều hình ảnh má mình khi bà đã qua đời mà dù quay cuồng với cuộc sống mưu sinh, ông Thanh bắt đầu để ý thu thập hình ảnh gia đình. 

Năm 2002, ông dành dụm mua được chiếc máy quay phim Sony cũ. Vậy là bất cứ hoạt động nào của gia đình, ông cũng xách máy ra quay. Thấy ở đâu có hình ảnh của con cái, gia đình mình là ông chép lưu lại. 

Ông lưu từ thời còn là những cuộn băng lớn, tới băng cassette nhỏ và bây giờ là ổ cứng. Thùng ổ cứng của ông giờ lên tới mười mấy ổ. Bên ngoài ông lấy viết ghi cẩn thận hình của ai, giai đoạn nào tới giai đoạn nào.

Sợ ổ cứng trục trặc mất hình, giờ ông Thanh còn tạo Facebook, kênh YouTube để gởi nhờ hình ảnh và cũng để chia sẻ cảm xúc, những hồi ức cùng mọi người. 

Ngay cả khi nhà báo đến phỏng vấn, ông cũng vui vẻ hỏi: "Con có muốn chú quay hình lại không? Bữa nay nè, cô nhà báo đến trò chuyện với chú về gia đình, về Quốc Cơ - Quốc Nghiệp...".

Và cứ như thế hình ảnh người cha hiền lành của hai chàng trai xiếc không chỉ dừng lại ở đam mê lưu giữ hình ảnh. Mà còn khiến người ta cảm nhận được sự ấm áp, một bệ đỡ gia đình vững chắc đầy yêu thương để chắp cánh cho Cơ - Nghiệp đạt những vinh quang.

Từ bé xíu, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã được cha dạy động tác đứng tay - Ảnh: NVCC

Từ bé xíu, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã được cha dạy động tác đứng tay - Ảnh: NVCC

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: 'Đi thi không ai giả bộ té'

Sáng 9-2, sau khi trở về từ Ý, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã có cuộc gặp gỡ thân tình với báo chí sau sự kiện xác lập kỷ lục thế giới tại Milan (ngày 3-2).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên