Người Ả Rập phần lớn theo đạo Hồi và không ăn được thực phẩm Việt Nam. Những tín đồ đạo Hồi rất khắt khe trong việc ăn uống và chỉ ăn những thực phẩm Halal.
Vì vậy, một phụ nữ quê Phú Thọ đã làm công việc cung cấp thực phẩm Halal cho các sứ quán có nhiều tín đồ Hồi giáo ở Hà Nội cũng như các nhà hàng Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan...
Để phân phối được cho các nhà hàng này cần phải có công ty và có các giấy chứng nhận làm thực phẩm Halal.
Thực phẩm Halal là gì?
"Halal" theo tiếng Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hay "được phép". Người Hồi giáo coi tất cả các loại thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến, dược phẩm và cả những mặt hàng không phải thực phẩm như mỹ phẩm đảm bảo được các yêu cầu "được chấp nhận" hay "được phép" của luật Hồi giáo là Halal.
Từ chân cầu Nhật Tân hướng về phía sân bay Nội Bài, đi qua một đoạn đê dài khoảng 7km, chúng tôi đến nhà chị Vũ Thị Vui (41 tuổi), có tên Ả Rập là Khadija.
Đó là căn nhà cấp 4, nơi bốn thành viên trong gia đình trú ngụ, đồng thời cũng là cơ sở kinh doanh thịt Halal cho cộng đồng người Hồi giáo ở Việt Nam.
Cách đây 3 năm, chị Vui chuyển từ quê nhà Phú Thọ lên Đông Anh, một huyện ngoại thành Hà Nội, làm thuê cho một người Việt theo đạo Hồi kinh doanh, chế biến thực phẩm Halal.
Sau khi dành dụm được một số vốn, chị nhận nhượng lại cơ sở kinh doanh này và bắt đầu doanh nghiệp của riêng mình.
Lúc đầu mới kinh doanh, chị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Ngay cả những cơ sở vật chất do chủ cũ để lại chị cũng không có tiền trả ngay, mà phải mất một thời gian dài mới có thể trả được cho họ.
"Với số vốn nhỏ, tôi chỉ nhập hàng mới với số lượng vừa phải, sau khi bán hết lại nhập về, không dám nhập nhiều dù đôi khi nhập số lượng lớn sẽ lấy được giá rẻ hơn" - chị Vui chia sẻ.
Chị Vui nhập gà vịt từ các nơi khác ở Hà Nội, dê và cừu từ Ninh Thuận. Sau đó, chị và chồng chế biến các loại gia cầm, gia súc này thành thực phẩm Halal theo luật Hồi giáo.
Khi làm đồ ăn Halal phải tự tay người đạo Hồi cắt tiết mới được coi là đồ Halal, do đó chị và chồng đã cải đạo sang đạo Hồi.
Trước khi giết mổ dê cừu hay gà vịt, vợ chồng chị phải đọc câu: "Nhân danh thượng đế, Allah vĩ đại nhất, chỉ có Allah là người chúng tôi thờ phụng" bằng tiếng Ả Rập rồi mới cắt cổ con vật, để linh hồn con vật được về bên Allah.
Khi cắt cổ con vật phải cắt đứt thanh quản và hai mạch máu để máu thoát hết.
Trong đạo Hồi, thượng đế nói rằng cấm con người được ăn huyết của các loài động vật bởi những bệnh tật khi cắt tiết sẽ đi theo đường máu mà ra, chứa nhiều mầm bệnh. Những con vật thường được chế biến theo kiểu Halal là gà, vịt, bò, dê, cừu.
Tất cả những con vật sống ở dưới nước như cá, tôm, rùa... đã là thực phẩm Halal nên không cần giết mổ theo cách Halal.
Tấm bảng tiếng Anh viết: “Bên trong có bán thực phẩm Halal” dán trước cổng Thánh đường Hồi giáo Al Noor, 12 Hàng Lược, Hà Nội - Ảnh: Q.TRUNG
Chông gai con đường cải đạo
Khi trò chuyện với chúng tôi tại nhà, chị Vui thường xuyên nói "hamdullah" (nghĩa là tạ ơn Allah). Và ít ai biết chị đã vượt qua muôn vàn khó khăn để đến với đạo Hồi.
Năm 2009, chị Vui sang Saudi Arabia làm nghề giúp việc. Sau khi sống ở đó 1 năm, chị bắt đầu tìm hiểu về đạo Hồi thông qua sự giới thiệu của mọi người. Dần dần chị có đức tin vào tôn giáo này và quyết định cải sang đạo Hồi cuối năm 2009.
Trước khi về nước, chị Vui đã thông báo cho chồng việc mình cải sang đạo Hồi. Khi đó, chồng chị không phản đối gì vì nghĩ rằng đạo Hồi cũng chỉ giống như đạo Thiên Chúa thôi. Nhưng khi về quê nhà Phú Thọ từ Saudi Arabia, mọi thứ thật sự đảo lộn với chị.
Mọi người không tin chị vào đạo Hồi và cũng không thích chị trùm khăn. Mọi người nghĩ về đạo Hồi rất tiêu cực. Nhiều người thân trong gia đình yêu cầu chị bỏ đạo Hồi vì cho rằng đạo Hồi khác với tổ tiên mình.
"Lúc đó, tôi có cảm tưởng là tôi chỉ có một mình trong thế giới này vì không một ai muốn nói chuyện hay tiếp xúc với tôi. Đặc biệt, mẹ chồng tôi lại là dâu trưởng họ, thường xuyên có những cuộc họp gia đình và chỉ trích tôi.
Nhiều người thân không hài lòng vì tôi trùm khăn và ăn đồ Halal. Quãng thời gian đó kéo dài vài ba năm. Tôi tự trấn an mình rằng nếu có đức tin thì mọi chuyện sẽ qua" - chị Vui nhớ lại.
Sau đó, chị Vui lên Hà Nội sống vào năm 2015 để thoát khỏi những ánh mắt dị nghị.
"Họ hàng ở quê biết tôi không bỏ đạo Hồi. Họ chắc không hài lòng nhưng cũng không thể chê trách được gì vì mình không làm điều gì sai trái, vẫn tôn trọng mọi người và chăm lo mọi việc chu đáo.
Đặc biệt, trước đây mẹ chồng tôi rất giận, rất khắt khe, nhưng bây giờ lại một mực muốn sống với tôi" - chị Vui khoe.
Bây giờ cả chồng và hai con của chị đều theo đạo Hồi.
"Tôi thấy vợ mình theo đạo Hồi vẫn không có gì khác thường, nên tôi bắt đầu gặp gỡ những người theo đạo Hồi thì thấy mọi người sống rất hài hòa và tôn trọng lẫn nhau. Vì thế, bắt đầu từ năm ngoái, tôi theo đạo Hồi luôn và lấy tên Ả Rập là Iman" - anh Phạm Văn Định, chồng chị Vui, nói.
Hiện mỗi thứ sáu hằng tuần, cả gia đình chị Vui cùng chạy xe máy đến thánh đường Hồi giáo ở phố Hàng Lược cầu nguyện, vì thứ sáu là ngày linh thiêng đối với tín đồ Hồi giáo.
"Alla rất đơn giản, không yêu cầu con người phải dâng bất kỳ một lễ vật gì hay làm một nghi thức thần thánh, chỉ cần họ có một đức tin trong tim" - chị Vui nói.
Chị Vũ Thị Vui và đàn cừu trong cơ sở chế biến thực phẩm Halal của gia đình ở huyện Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: Q.TRUNG
Đạo Hồi cấm gian dối
Chị Vui cho biết người đạo Hồi sống và yêu quý lẫn nhau vì sự chân thật và sống với đức tin, không được nói dối.
Đối với người kinh doanh như chị, không được phép cân thiếu cho khách vì Allah nói rằng "ta tạo ra cái cân là sự cân bằng, vì thế hãy cân đúng và đủ, đừng bao giờ mua của người ta thừa hay cân cho người ta thiếu".
Những khoản mình cân thiếu cho người ta khi về với Allah sẽ được đúc thành những khối lửa và treo lên linh hồn kẻ buôn gian bán dối.
_____________________________
Kỳ tới: Lập nghiệp từ tiếng Ả Rập
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận