12/04/2016 12:13 GMT+7

Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Đào hệ thống hồ cứu ĐBSCL

QUỐC VIỆT thực hiện
QUỐC VIỆT thực hiện

TTO - Sông ngòi cạn kiệt, hạn hán, nước biển xâm thực đang là thực tế nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng đối phó thế nào? Sống chung với mặn hay chống mặn, giữ ngọt?

Thượng nguồn sông Mekong ở khu vực thủy điện Cảm Lãm mà Trung Quốc đang xây dựng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thượng nguồn sông Mekong ở khu vực thủy điện Cảm Lãm mà Trung Quốc đang xây dựng - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Dưới đây là một góc nhìn của tiến sĩ hải dương học Trương Đình Hiển.

Ông Hiển mở đầu cuộc trò chuyện bằng tâm sự: “Nhiều đêm gần đây tôi bị mất ngủ vì cứ suy nghĩ về viễn cảnh ĐBSCL. Thực tế rất đáng lo, thậm chí phải khẳng định rằng vô cùng nguy hiểm. ĐBSCL không chỉ bảo đảm lương thực cho cả nước mà còn là nguồn xuất khẩu gạo chính, tác động đến hàng triệu con người.

Nền nông nghiệp này bị thiệt hại chắc chắn dẫn đến hàng loạt hệ lụy khó lường. Nhưng cái còn đáng lo hơn nữa là hiện để giải quyết vấn đề có tính quốc nạn này, chúng ta phải trông đợi vào các nước khác, lòng “hảo tâm” nào đó không thể tự dưng mà có…”.

ct

TS Trương Đình Hiển bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hải dương học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1970. Với chuyên ngành vật lý hải dương học, ông đã có 160 công trình nghiên cứu và ứng dụng trong và ngoài nước.

Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được in sách và tạp chí khoa học trên thế giới. Ông là tác giả khoa học chính của các công trình cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp ở Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội... 

"ĐBSCL không chỉ bảo đảm lương thực cho cả nước mà còn là nguồn xuất khẩu gạo chính, tác động đến hàng triệu con người. Nền nông nghiệp này bị thiệt hại chắc chắn dẫn đến hàng loạt hệ lụy khó lường
Ông Trương Đình Hiển 

* Hiện đang có hai luồng ý kiến về ĐBSCL. Có nhà khoa học cho rằng tình trạng biển xâm thực vì thiếu nước ngọt đẩy mặn là thách thức nhưng cũng là cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có giá trị cao hơn. Có ý kiến lại cho rằng chúng ta vẫn cần phải bảo vệ cây lúa, tức cần nguồn nước ngọt. Quan điểm của ông thế nào?

- Theo tôi, chúng ta vẫn cần nguồn nước ngọt để canh tác lúa và các loại cây trồng truyền thống để nuôi sống dân ta. Nhưng cũng không thể chống mặn hoàn toàn được.

* Vậy giải pháp thế nào, thưa ông?

- Cách đây 20 năm, tôi đã đề xuất ý kiến của mình với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đặc biệt, gần đến ngày mất, ông còn kêu tôi lên để hỏi vấn đề này. Tôi cảm nhận đến cuối đời cố thủ tướng vẫn rất trăn trở về hướng phát triển bền vững cho ĐBSCL. Tôi đã trình bày rõ rằng nếu cứ để tình trạng mùa mưa vùng đất này ngập lũ, phải “đổ” ra biển Tây rồi đến mùa nắng lại thiếu nước để canh tác, để chống mặn là vô cùng lãng phí.

Từ đó, tôi đã đề xuất giải pháp ĐBSCL phải có hệ thống hồ tích nước của riêng mình. Nhiệm vụ lớn nhất của nó là vừa chống lũ (tích nước) vừa chống hạn, chống nước biển xâm thực (dùng nước vào mùa khô). Rồi từ đó sẽ tạo nên các khu đô thị mới chống lũ vĩnh cửu, phát triển kinh tế thủy sản nước ngọt, du lịch. Đặc biệt, những hồ nước này còn góp phần điều tiết khí hậu, môi trường, giảm thiểu tác động của xu hướng biến đổi kinh tế toàn cầu ở vùng đất này.

* Nó có quá khả năng chúng ta hiện nay?

- Nếu nói rằng quá tầm tay, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử miền Bắc. Từ thời nhà Lý, cách đây cả chục thế kỷ, tổ tiên đã đắp đê điều để có Hà Nội và toàn vùng canh tác đồng bằng sông Hồng ngày nay. Cha ông có gì trong tay?

Chỉ vài triệu dân với ý chí sinh tồn mà không hề có khoa học, không có thiết bị, thậm chí còn không thể vay vốn nước ngoài như chúng ta bây giờ. Thế mà tổ tiên đã làm được, tại sao chúng ta lại sợ khó? Và cũng khẳng định rằng hệ thống đê điều miền Bắc còn quy mô và phải cần nhiều thời gian để tạo lập hơn là hệ thống hồ điều tiết nước miền Tây mà tôi đề xuất.

Về giải pháp thực hiện, tôi đề nghị chúng ta nên nghiên cứu kỹ bình đồ toàn vùng ĐBSCL, tìm ra những vùng đất xấu bị phèn chua, cho năng suất nông nghiệp thấp, ít dân sinh sống để quy hoạch hệ thống hồ. Nó nên nằm gần lưu vực các con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ… Phần đầu tiên này nên mở các hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến các nhà khoa học, chính quyền và cả người dân.

Sau đó bắt đầu việc đào hồ. Ý kiến ban đầu tôi đề xuất (có thể nghiên cứu thêm) là chỉ rộng khoảng 5km x 10 hay 20km mỗi hồ với độ sâu khoảng 10m. Đất đào từ hồ lên sẽ được đắp ngay bên bờ hồ thành các khu dân cư liền kề.

Như vậy từ việc chỉ đào hồ sâu 10m, chúng ta lại có hồ sâu 20m trong khi hình thành được khu dân cư chống lũ hoàn toàn. Ngoài nhiệm vụ điều tiết nước, việc đào đắp các hồ này sẽ có điều kiện để tạo lập các khu dân cư mới chống được lũ vĩnh viễn và có thể thành cụm đô thị xây dựng, chứ không xập xệ như các tuyến dân cư vượt lũ hiện nay.

* Theo ông, cần bao nhiêu hồ mới đủ?

- Theo tính toán của tôi, chỉ cần hơn 10 hồ, tức chỉ bằng diện tích vài huyện nhỏ, vì đâu phải vùng nào ở đồng bằng này cũng bị nước biển xâm thực, hạn hán. Tất nhiên khi ý tưởng được chấp thuận nghiên cứu, chúng ta sẽ tính toán thêm về xu hướng biến đổi khí hậu tương lai và số lượng hồ cần thiết. Việc này hoàn toàn nằm trong khả năng các nhà khoa học.

Hơn nữa, đâu phải chúng ta đào đồng loạt được ngay cả hệ thống hồ này. Nó sẽ mất thời gian 5 năm, 10 năm hoặc hơn nữa. Chúng ta sẽ làm theo thực tế đòi hỏi.

Minh bạch thì nhân dân sẽ ủng hộ

* Theo tính toán của ông, nếu ý tưởng này được chấp thuận, điều gì sẽ là khó khăn nhất khi bắt tay thực hiện?

- Thế giới có kinh nghiệm rồi, ngay cả Thái Lan cũng đã làm. Tôi nghĩ chỉ một, hai năm là chúng ta đã có thể bắt tay thực hiện được sau các nghiên cứu và hội thảo lấy ý kiến.

Với điều kiện khoa học và thiết bị cơ giới của chúng ta hiện nay, mỗi hồ chỉ cần đào tối đa một năm là xong. Nhưng điều tôi lưu ý nhất là làm gì cũng phải có sự đồng thuận của nhân dân. Tổ tiên ta đã bỏ cả 1.000 năm xây dựng đê điều để có miền Bắc hiện nay. Cha anh ta không tiếc hàng chục năm xương máu cho kháng chiến.

Chẳng lẽ bây giờ đồng bào lại quay lưng với công trình cho chính tương lai con cháu mình. Hãy minh bạch và không tư túi, nhân dân sẽ ủng hộ. Thậm chí tôi còn nghĩ cả phát hành trái phiếu để huy động sức dân mà làm...

QUỐC VIỆT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên