19/11/2022 08:00 GMT+7

'Ngực tôi... lép xẹp, nâng cỡ nào là vừa?'

LINH HÂN
LINH HÂN

TTO - Tôi năm nay 30 tuổi, sau khi sinh bé và nuôi con bằng sữa mẹ, ngực “lép xẹp” khiến tôi rất tự ti. Nếu tôi nâng ngực sau này có thể nuôi con thứ hai bằng sữa mẹ không? Bao lâu cần thay túi ngực? Kích thước nào là phù hợp?

Đây là câu hỏi của chị Nguyễn Thu Hường (Hà Nội) gửi đến chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc của Tuổi Trẻ Online.

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Đình Minh - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) - cho biết cuộc sống hiện đại khiến nhiều chị em quan tâm hơn đến việc làm đẹp. 

Trong đó, nhiều phụ nữ có nhu cầu nâng ngực nhưng băn khoăn về việc đặt túi ngực liệu có ảnh hưởng đến việc cho con bú.

Bác sĩ Minh khẳng định, việc phẫu thuật đặt túi nâng ngực sẽ không ảnh hưởng việc cho con bú. Nhưng cũng cần có một số lưu ý nhất định.

Về giải phẫu ngực, mô tuyến tiết sữa và toàn bộ hệ thống ống tuyến nằm phía trên của cơ ngực lớn, còn phía dưới cơ ngực lớn là cơ ngực bé.

Khi phẫu thuật đặt túi ngực, các bác sĩ không chạm đến tuyến vú và ống dẫn sữa, mà đặt túi ngực ở giữa lớp cơ ngực lớn và cơ ngực bé. 

Như vậy, túi ngực đã được ngăn cách với mô tuyến bởi cơ ngực lớn, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa túi và tuyến vú hay ống tuyến. Vì vậy, hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc cho con bú.

Đối với những chị em chưa sinh nở, bác sĩ sẽ sử dụng đường mổ qua nách hoặc dưới chân ngực để tránh ảnh hưởng tuyến vú và ống dẫn sữa. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo chị em nên lựa chọn đặt size túi ngực ở mức độ trung bình, không quá lớn để đảm bảo sự tự nhiên. Bên cạnh đó, sẽ hạn chế được tình trạng sa trễ do tuyến vú quá nặng trong thời kỳ cho con bú, thể tích vú tăng lên nhanh.

"Khoảng một năm sau khi nâng ngực, chị em có thể sinh con, khi đó vú đã hoàn toàn định hình và ổn định. Khi cho con bú, chị em cần cho con bú đều hai bên để tránh bị hiện tượng ngực to ngực bé hoặc có độ sa trễ không đều.

Khi trẻ không bú nữa hoặc đã hết sữa thì dừng lại không để trẻ tiếp tục nhay hoặc kéo ngực gây sa trễ.

Bên cạnh đó, những chị em có tình trạng tụt núm vú, khi đặt túi ngực có thể làm núm vú trở lại bình thường do có lực đẩy của mô độn ở phía dưới. Nhờ đó, việc cho con bú dễ dàng hơn rất nhiều", bác sĩ Minh thông tin.

Về câu hỏi túi nâng ngực có phải đổi hay giữ được suốt đời? Bác sĩ Minh cho biết sau khi đặt túi nâng ngực, chị em nên đi khám định kỳ sáu tháng một lần để kiểm tra tình trạng. Trung bình sau 10 năm, chị em nên thay túi ngực để đảm bảo hơn về độ an toàn.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Đặt túi ngực làm đẹp lưu ý gì? Đặt túi ngực làm đẹp lưu ý gì?

TTO - Theo Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), chỉ định phẫu thuật đặt túi ngực bao gồm: gia tăng kích cỡ ngực, tái tạo sau phẫu thuật ung thư vú hoặc chấn thương... Phụ nữ trước khi đặt túi ngực cần cân nhắc những biến chứng dài hạn.

LINH HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên