08/11/2015 09:01 GMT+7

​Ngôn từ là thần hai mặt!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Trong 20 phút nói chuyện tại Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn cách tiếp cận “thân thiết” từ vị trí “láng giềng” mà thôi.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Đại học quốc gia Singapore (NUS) - Ảnh:Reuters
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Đại học quốc gia Singapore (NUS) - Ảnh:Reuters

Chính vì thế, thay vì trực tiếp và cụ thể đề cập đến những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, ông đã đơn giản gói gọn mọi vấn đề giữa nước ông và nước Việt Nam một cách “vắn tắt” như sau: 

“Đã là láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm nhưng hai bên cần kiên trì giải quyết, vì khi đã được đại sự thì không khó để giải quyết tiểu sự”.

Cứ như thể giữa nước ông và đất nước của hơn 90 triệu người Việt này đã chỉ có những hục hặc “tiểu sự” chứ không hề có những tranh chấp lãnh thổ vốn là những vấn đề đại sự liên quan đến sự sống còn của một quốc gia, dân tộc.

Và rằng các tranh chấp này càng trầm trọng hơn từ sau khi nước ông vạch ra tấm bản đồ “đường chín đoạn” trên Biển Đông để rồi từ đó tự tiện ấn định chủ quyền trên Biển Đông và dùng võ lực “thực thi chủ quyền” như kiểu thường xuyên ức hiếp ngư dân Việt!

Rất tiếc là trong khi ông lẽ ra đã có thể nói đến các tranh chấp đó và đề nghị một cách thức giải quyết ở ngay tại Việt Nam, một trong những quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông và đang tranh chấp, thì ông đã chỉ đề cập đến việc này khi ông sang đến... Singapore, một nước không liên quan gì đến các tranh chấp trên Biển Đông.

Cụ thể là hôm qua, chỉ vừa rời Việt Nam được vài giờ, ông đã dành thời giờ để nói ngay đến chuyện này tại đảo quốc sư tử:

“Trung Quốc cam kết hợp tác với các nước có liên quan lợi ích trực tiếp đến vấn đề này để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng các dữ kiện lịch sử, đúng theo luật pháp quốc tế, thông qua các cuộc thảo luận và đàm phán”.

Việc ông chọn sang đến Singapore, trước một cử tọa đông đến 450 học giả, nhà nghiên cứu Singapore, để đưa ra “cam kết” vừa nêu, cũng như để phân bua rằng đã chẳng hề có bất cứ vấn đề nào với quyền tự do hàng hải và hàng không, và rằng sẽ không bao giờ có vấn đề như thế trong tương lai, cho thấy các vấn đề trên Biển Đông như ông đã nêu chính là chuyện đại sự chứ không hề là chuyện “tiểu sự” như ông đã ám chỉ tại Hà Nội.

Nhân đề xuất của ông, “giải quyết các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng các dữ kiện lịch sử, đúng theo luật pháp quốc tế, thông qua các cuộc thảo luận và đàm phán”, nhân dân những nước “có liên quan lợi ích trực tiếp” (đến Biển Đông như theo lời ông nói ở Singapore), Philippines cũng mong “giải quyết các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng các dữ kiện lịch sử, đúng theo luật pháp quốc tế” bằng cách cùng ra trước tòa trọng tài thường trực quốc tế để phân định các dữ kiện lịch sử đó, đúng theo Công ước luật biển UNCLOS 1982, mà tòa án tối thượng này của nhân loại mới vừa tuyên định hoàn toàn đủ thẩm quyền thụ lý hôm 29-10 vừa qua, nhưng nước ông cứ tránh né là sao?

Tin rằng ở thế kỷ 21 này, bất luận nước lớn hay nước nhỏ, cũng đều phải tôn trọng trước hết những gì đã ký kết, trong đó có Công ước luật biển, mà trong đó có quy định chức trách và thẩm quyền của tòa án này.

Chủ quyền có từ lịch sử cổ đại hay không, tòa sẽ nghị quyết. Và “luật pháp, có khắt khe hay không cũng là luật pháp” thì phải chấp hành, người La Mã cổ đại đã nêu ra nguyên tắc đó. Bằng không, sẽ như nhà thơ Paul Valéry đã viết: “Ngôn từ là thần hai mặt Janus”.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên