10/02/2017 10:27 GMT+7

Ngoáy tai, coi chừng viêm tai ngoài

TS.BS NGUYỄN TRIỀU VIỆT, (BV TRƯỜNG ĐHYD CẦN THƠ)
TS.BS NGUYỄN TRIỀU VIỆT, (BV TRƯỜNG ĐHYD CẦN THƠ)

TTO - Viêm tai ngoài là bệnh lý thường gặp, ước tính khoảng 1% dân số bị bệnh lý này. Các nguyên nhân gây viêm tai ngoài do vi khuẩn chiếm 90%, do nấm chiếm 10%. Viêm tai ngoài do nấm thường đòi hỏi việc điều trị kéo dài.

Bác sĩ khoa tai mũi họng ở một bệnh viện khám tai cho một bệnh nhân - Ảnh: MINH ĐỨC
Bác sĩ khoa tai mũi họng ở một bệnh viện khám tai cho một bệnh nhân - Ảnh: MINH ĐỨC


Các yếu tố làm gia tăng khả năng bị viêm tai ngoài như khí hậu nóng ẩm, bơi thường xuyên, tuổi già, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, ngoáy tai thường xuyên làm giảm lượng ráy tai gây suy giảm chức năng bảo vệ do làm tăng pH của ống tai...

Có thể chảy dịch tai, nghe giảm

Hiện tượng viêm của tai ngoài bao gồm vành tai, ống tai ngoài và mặt ngoài của màng nhĩ. Việc làm rõ các vị trí viêm nói trên để tránh sự hiểu nhầm của người bệnh là viêm tai ngoài không chỉ là viêm của ống tai ngoài mà có thể bao gồm cả vành tai và mặt ngoài của màng nhĩ.

Hiện tượng viêm có thể lan tỏa hay khu trú và có thể là cấp tính hay mãn tính.

Triệu chứng chính của viêm tai ngoài là ngứa và đau tai. Ngoài ra có thể chảy dịch tai và nghe giảm.

Trong một số trường hợp nặng ống tai có thể bị bít tắc do nhọt hay chất dơ. Bên cạnh đó vành tai có thể xuất hiện các vảy.

Các cách điều trị

Dùng các dung dịch nhỏ tai sử dụng mang lại hiệu quả tốt trong những trường hợp viêm tai ngoài mức độ trung bình. Sử dụng kháng sinh uống khi tình trạng bệnh nhân nặng, có hạch vùng trước tai, nhiễm trùng lan rộng...

Bên cạnh đó việc vệ sinh tai, làm sạch các chất dơ hay ráy tai gây bít tắc ống tai giúp các thuốc nhỏ tai thấm nhập tốt hơn và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Có thể thực hiện việc vệ sinh tai làm sạch tai nhiều lần/tuần.

Để hạn chế viêm tai ngoài khi sinh hoạt cần lưu ý những việc sau: không làm sạch ống tai quá mức, ví dụ như dùng que tăm bông làm sạch ráy tai quá thường xuyên, do làm sạch lớp bảo vệ của ráy tai và có thể gây kích thích ống tai, gây nhiễm khuẩn và có thể làm ráy tai xuất hiện nhiều hơn.

Nên sử dụng dụng cụ che tai khi bơi, tránh bơi trong môi trường nước dơ hay chứa những hóa chất gây kích ứng.

Không sử dụng chung các dụng cụ dùng để vệ sinh tai như: móc tai..., đặc biệt là các dụng cụ dùng để lấy ráy tai ở các tiệm hớt tóc (nên có dụng cụ riêng cho mỗi người).

Không nên tự ý nhỏ vào tai bất cứ loại thuốc nào khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ khoa tai mũi họng.

TS.BS NGUYỄN TRIỀU VIỆT, (BV TRƯỜNG ĐHYD CẦN THƠ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên