Phóng to |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhiều lần phản ứng hành động của Trung Quốc ở biển Đông - Ảnh: AFP |
Toàn cảnh vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển VN
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Kerry trước cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K.Shanmugam ở Washington rằng: Washington muốn chứng kiến Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) được thiết lập, Mỹ muốn vấn đề biển Đông được giải quyết thông qua luật biển, thông qua trọng tài, thông qua bất kỳ phương tiện nào khác chứ không phải đối đầu và những hành động khiêu khích.
“Chúng tôi và tất cả các quốc gia có hoạt động giao thông hàng hải liên quan đến biển Đông đều rất lo ngại về hành động hiếu chiến này của Trung Quốc. Đáng quan ngại nhất là sự khiêu khích của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam)” - ông Kerry cho biết.
Đáp lại, ông K. Shanmugam đồng ý quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ về việc hình thành COC đối với vấn đề biển Đông. “Chúng tôi mong muốn một trạng thái mà ở đó các bên giải quyết những tranh chấp và bất đồng của mình theo cách có thể chấp nhận cho tất cả” - ông K. Shanmugam nói.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định Malaysia và các nước khác trong ASEAN cần hành động như một thực thể để bảo vệ an ninh chung. Ông Hussein cho rằng việc lãnh đạo các nước ASEAN đảm bảo rằng không có tính toán sai lầm liên quan đến các nước có liên quan về mặt địa chính trị. “Chúng tôi phải quyết định vận mệnh của mình để dễ dàng tránh sự can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào” - báo Bernama dẫn lời ông Hussein nhấn mạnh.
Trung Quốc đang bành trướng tuyên bố chủ quyền
Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là một hành động hung hăng, nhằm hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông phục vụ ý đồ bành trướng lãnh thổ ở biển Đông, bất chấp xâm phạm chủ quyền của các nước khác. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang trả giá về ngoại giao và chính trị.
Ông David Zweig, giám đốc Trung tâm Quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong, cho rằng quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh khi đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động trái phép ở vùng biển Việt Nam có thể khiến các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh tại khu vực này rơi vào tình trạng nguy hiểm. Cụ thể, quan điểm này sẽ phản tác dụng vì nó có thể đẩy các nước Đông Nam Á quay sang ủng hộ mạnh hơn chính sách xoay trục của Mỹ ở châu Á.
“Trung Quốc không thể hợp tác với Việt Nam về giải quyết các vấn đề trên biển, thì Trung Quốc sẽ thuyết phục các nước khác như thế nào để họ đồng ý thỏa thuận song phương với Trung Quốc” - báo New York Times dẫn lời ông Zweig.
Chuyên gia chính trị Barry Sautman nhận định động thái lần này của Trung Quốc là một phần trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh ở biển Đông, nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với vùng biển này vẫn còn tồn tại.
“Theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia có tranh chấp chủ quyền phải làm một số việc có tính chất định kỳ ở khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền, để chứng minh rằng họ có lợi ích thực sự trong vấn đề chủ quyền đó. Đó chính là lý do Trung Quốc có động thái khiêu khích ở khu vực biển Đông như lần này” - ông Sautman cho biết.
Trung Quốc vi phạm UNCLOS
Cùng ngày TTXVN dẫn ý kiến chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekanada ở New Delhi (Ấn Độ) Vinod Anand khẳng định hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm các điều khoản của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Ông Vinod Anand khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng một hạm đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến, rõ ràng nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Cách hành xử của Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế. Các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần phối hợp nỗ lực buộc Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về tìm giải pháp cho tranh chấp.
Theo ông Vinod Anand, các nước thành viên ASEAN cần thắt chặt khối đoàn kết, cùng cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc tham gia COC. “Hành động hiếu chiến của Trung Quốc chỉ kích động thêm sự phản kháng, thù địch và căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định của khu vực” - ông Anand cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận