23/04/2016 08:01 GMT+7

Ngỡ ngàng vụ quán Xin Chào, giật mình đăng ký kinh doanh!

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN

TTO -  Vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào - bị khởi tố tội kinh doanh trái phép đã làm dư luận bức xúc nhiều ngày nay. Tại sao?

Ông Nguyễn Văn Tấn và quán cà phê Xin Chào - Ảnh: Gia Minh

Ông Nguyễn Văn Tấn và quán cà phê Xin Chào - Ảnh: Gia Minh

Sau khi bị xử phạt hành chính lần thứ nhất vì hành vi kinh doanh không có giấy phép (do chưa tới ngày hẹn lấy giấy), ông Nguyễn Văn Tấn đã nhanh chóng đi xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng lại tiếp tục bị xử phạt lần thứ hai khi chưa được cấp giấy này.

Ngay sau đó ông Tấn bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố hình sự về hành vi kinh doanh trái phép.

Nhiều chuyên gia pháp luật đã đánh giá các quyết định xử phạt là nóng vội.

Ngoài việc lợi ích cụ thể của một cá nhân bị xâm phạm, liệu rằng những quyết định nóng vội này có ảnh hưởng đến cả môi trường kinh doanh chung?

Chưa đủ yếu tố cấu thành tội

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xử lý vụ việc này chưa đúng pháp luật.

Xét theo Điều 159 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009), hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án, chưa xóa án tích mà còn tái phạm thì mới cấu thành tội kinh doanh trái phép.

Có thể Công an TP.HCM lập luận rằng ông Tấn có hành vi tái phạm, nên đã khẳng định là quyết định khởi tố của cơ quan điều tra huyện Bình Chánh là có cơ sở.

Tuy nhiên theo quan điểm của LS Nguyễn Văn Hậu, lần xử phạt thứ hai không thể gọi là tái phạm được vì hai hành vi bị xử hành chính là khác nhau. Do đó không có cơ sở để khởi tố hình sự đối với hành vi kinh doanh của ông Tấn do chưa cấu thành tội.

Chủ quán cà phê Xin chào chỉ vi phạm hành chính với những hành vi là kinh doanh mà không có giáy phép đăng ký kinh doanh và kinh danh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Vụ việc chưa rõ ai đúng ai sai, hoặc cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên sau khi kết thúc vụ án mà cơ quan tố tụng xác định ông Tấn không có hành vi phạm tội thì ông Tấn có quyền khởi kiện cơ quan sai phạm để yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín” - LS Hậu nói.

Hợp lý nhưng chưa hợp tình

Nhiều ý kiến cho rằng ngay cả quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Văn Tấn vì hành vi kinh doanh mà không có giấy phép đăng ký kinh doanh và kinh danh không có giấy chứng vệ sinh an toàn thực phẩm là “quá đáng”.

“Pháp luật nghiêm khắc nhưng phải nhân văn. Quyết định quản lý của cơ quan nhà nước phải bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý” - bạn đọc Lan Phương nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc công ty Thuế Kế toán luật Việt Á - cũng cho rằng thông thường không ai xử phạt như thế mà chỉ nhắc nhở, cảnh cáo đối với những hành vi vi phạm lần đầu.

Ông Tuấn cho biết khi cá nhân, doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh thì phòng đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông tin này đến các cơ quan Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Tấn mới chỉ nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh ngày 8-8-2015 mà năm ngày sau (13-8-2015) cơ quan Nhà nước đã kiểm tra thì không hợp tình.

“Đặt ra luật pháp là thế, nhưng cũng cần sửa đổi sao cho linh hoạt, phù hợp với cuộc sống người dân” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Tuy vậy, theo ông Tuấn, khi vụ việc này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận thì cũng là tạo tiền lệ cho thấy việc áp dụng luật không phù hợp với thực tế.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh

Theo LS Nguyễn Văn Hậu, quan điểm của cơ quan điều tra cũng như VKS huyện Bình Chánh đưa ra để hình sự hóa vụ việc này là vi phạm Hiến pháp 2013 và Luật Doanh nghiệp 2014 khi phạm đến quyền được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm của cá nhân tổ chức.

Thêm vào đó là không phù hợp với thực tiễn xã hội khi pháp luật hiện nay đang tạo điều kiện tối đa để các cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh.

“Sự việc này đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tôi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Bình Chánh cần đình chỉ ngay vụ án này để các cá nhân tổ chức có thể yên tâm kinh doanh” - LS Hậu nhận định.

Đồng tình với ý kiến trên, LS Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng - cho rằng trong trường hợp này các quy định đã bị áp dụng một cách quá máy móc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, đến tâm lý của những nhà đầu tư kinh doanh và đặc biệt là những người có mong muốn khởi nghiệp.

LS Trương Thanh Đức cho rằng khi ban hành luật với hàng ngàn rắc rối thì liệu rằng nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể nắm được hết?

Phải chăng là hệ thống pháp luật phức tạp nhưng Nhà nước vẫn chưa có động tác triển khai hướng dẫn để người dân nắm bắt và dễ thực hiện?

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, quy định về mỗi ngành nghề kinh doanh có điều kiện lại nằm rải rác trong nhiều văn bản của các bộ, ngành.

Ví dụ một công ty kinh doanh đa ngành nghề như nhà hàng, khách sạn và Internet sẽ phải mày mò về điều luật rất lâu và phức tạp. Nên chăng là tổng hợp những văn bản về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để tiện cho người dân tìm hiểu?

Trong khi đó, các cá nhân và doanh nghiệp ở VN lại chưa có thói quen nhờ đến sự trợ giúp tư vấn về pháp luật trước khi thành lập công ty. Việc này rất dễ khiến họ vướng phải những quy định luật pháp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

“Nên chăng là thay đổi nhận thức này? Nhà kinh doanh cũng cần được tư vấn về chuyên môn, đặc biệt là luật pháp, để có chuyện gì thì chính các nhà đầu tư phải là người chịu trách nhiệm” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn đặt vấn đề.

Quyền tự do kinh doanh chưa được bảo vệ?

Mở rộng vấn đề, theo LS Trương Thanh Đức, vụ việc này còn cho thấy một vấn đề khác đó là Quốc hội chưa thật sự bảo vệ quyền tự do kinh doanh.

Sở dĩ cho là như vậy bởi vì thông thường, ngay tại thời điểm Quốc hội quyết định bỏ hình sự hóa một tội danh nào đấy thì những trường hợp đang truy tố, đang khởi tố, đang điều tra, xét xử về tội danh ấy cũng đều phải dừng lại hết. Người nào bị xét xử rồi thì có thể được giảm án.

Riêng đối với các tội kinh doanh trái phép và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì theo Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành bộ luật hình sự, những hành vi vi phạm đến trước ngày quyết định có hiệu lực (1-7-2016) vẫn giữ nguyên việc truy tố, khởi tố, điều tra xét xử dù quyết định phi hình sự hóa các tội này đã có từ trước.

Việc này đi ngược lại với quan điểm phi hình sự hóa thường thấy.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> LS Nguyễn Văn Hậu:

>> LS Trương Thanh Đức:

>> Ông Nguyễn Ngọc Tuấn:

 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục