29/04/2014 05:32 GMT+7

Nghị sĩ Philippines không thuận với thỏa thuận

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Với thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), đồng minh Mỹ sẽ được luân phiên đóng quân ở Philippines trong 10 năm tới mà không phải trả tiền thuê như trước kia. Tiền thuê căn cứ từng là một trong những lý do khiến Thượng viện Philippines, vào tháng 12-1991, nhất quyết yêu cầu Mỹ rút khỏi nước này, chỉ ba ngày trước khi tổng thống Bush “cha” bắt đầu vòng công du châu Á trong 12 ngày (New York Times, 28-12-1991).

Lúc đó, sau một năm ròng rã đàm phán, hai bên không thỏa thuận được về số tiền thuê các căn cứ Subic và Clark. Mỹ muốn đưa ra một gói viện trợ tổng hợp kinh tế, quân sự và hỗ trợ xây dựng nhà ở, thay vì trả tiền thuê hằng năm, trong khi phía Philippines muốn sòng phẳng tính tiền thuê là 203 triệu USD/ năm. Được biết trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9-1991, Philippines nhận được 408 triệu USD liên quan đến các căn cứ quân sự cho thuê này, và thu về 344 triệu USD từ các dịch vụ cung ứng cho căn cứ ở vịnh Subic.

Nay thì sẽ không có tiền thuê căn cứ, mà tất cả sẽ tính trong gói viện trợ quốc phòng, an ninh, kinh tế hằng năm. Tất nhiên, thỏa thuận EDCA năm nay cũng dự trù việc phía Philippines thu lợi từ các căn cứ của Mỹ, song nhiều hay ít lại tùy thuộc vào số quân Mỹ đồn trú, và cầm chắc là con số này nhất định không thể bằng con số của trước kia.

Những tổn thất “sở hụi” này khiến các chính khách như nghị sĩ Neri Colmenares phản đối. Trong một tuyên bố hôm 27-4, ông Colmenares thắc mắc về lý do phải vội vã đàm phán cho xong EDCA ngay trước khi Tổng thống Obama đến và chỉ trích: “Thỏa thuận này trong thực tế là mở lại các căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines mà không thông qua một hiệp định, không trả tiền thuê căn cứ và cũng không có các điều khoản giới hạn. Thỏa thuận này còn tệ hơn hiệp định mà Thượng viện Philippines đã bác bỏ vào tháng 9-1991” (theo inquirer.net, 27-4).

Những “điều khoản giới hạn” mà dân biểu Colmenares đề cập là do bức xúc trước việc EDCA cho phép Mỹ được đem máy bay và tàu chiến đến “hờm sẵn” tại Philippines. Có thể đây là một nhu cầu cân bằng trong khu vực. Nhưng cũng chính vì sự an nguy của đất nước mình trong sự liên can đó mà một số chính khách Philippines phải phản đối.

Nghị sĩ Carlos Zarate nhấn mạnh đến bất trắc “âm thầm” biến “luân phiên đóng quân” thành “đồn trú thường xuyên” và nhất là khả năng đưa vũ khí hạt nhân vào các căn cứ của Philippines (chẳng hạn trên các tàu chiến hay tàu ngầm ra vào cảng Subic), hoặc nguy cơ “chính Chính phủ Mỹ ra tay tấn công nước khác chứ không phải chính phủ của Tổng thống Aquino”. Đây sẽ là một thiệt hại khó lường cho quốc gia “đứng cửa giữa”!

Trong mọi quan hệ đồng minh, kể cả hữu hảo, luôn đặt ra vấn đề “lời hay lỗ”. Việc một phần công luận và chính giới Philippines chống lại thỏa thuận mới vừa ký là chuyện rất bình thường trong một xã hội mà các ý kiến bất đồng phải được tôn trọng.

Tất nhiên, lần này Tổng thống Aquino cũng có cái lý của mình.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên