Chuẩn bị tiễn con lên đường đến giảng đường, chị Lanh dù lo lắng nhưng cũng không giấu niềm hi vọng - Ảnh: M.T.
Chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc hai câu chuyện về hành trình nghị lực của hai bạn trẻ trong số này, và những câu chuyện đời thật đẹp xung quanh cuộc sống.
Bóng chiều đổ xuống trên mái nhà tranh nằm sâu trong ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Phan Trọng Quỳnh cùng mẹ lúi húi tranh thủ đan gia công những chiếc giỏ để kịp giao cho chủ, lấy tiền làm lộ phí lên TP.HCM nhập học.
Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Quỳnh đều đang khập khiễng tiến vào giảng đường.
Ngã xuống rồi lại đứng lên
Với số tiền quá lớn để nhập học, tất nhiên số tiền ít ỏi từ việc đan giỏ mướn chỉ đủ tiền xe cộ đi lại và tiền ăn. Còn tiền học và tiền thuê trọ, tính nát nước, cuối cùng hai mẹ con cũng phải vay mượn từ một gia đình tốt bụng vừa mới thu hoạch tôm vài ngày trước trong xóm.
Chị Võ Thị Lanh (38 tuổi) - mẹ của Quỳnh - kể lúc mới sinh Quỳnh khỏe mạnh bình thường. Nhưng sau một trận sốt bại liệt năm lên 3 tuổi, cả hai chân của Quỳnh bị liệt, rồi sức khỏe cũng sa sút từ đó. Dù chưa đến mức phải chống nạng để đi, nhưng hai chân khẳng khiu của Quỳnh không còn đủ vững vàng để bước những bước đi bình thường.
"Có nhiều hôm đang đến trường, đang đi chân tôi bỗng nhiên yếu hẳn, run rẩy, không tự điều khiển được nên chân này tự va vào chân kia rồi ngã kềnh. Rồi tôi lại bò dậy đi tiếp. Nhiều lần như thế và tôi không nhớ chính xác được. Đến giờ, nhiều chiếc quần bị rách do té ngã tôi vẫn đang giữ lại để làm kỷ niệm" - Quỳnh vô tư kể.
Cũng do ảnh hưởng từ đợt sốt bại liệt, đôi vai của Quỳnh gù trông thấy rõ. Dù được cha đóng riêng cho một chiếc bàn học, nhưng rất ít khi Quỳnh ngồi trên đó đủ lâu để học bài vì mỏi. Đang học, những trận đau lưng, đau vai hay bị tê chân cứ hành lên hành xuống, khiến chàng trai tuổi 18 phải nằm sõng soài xuống giường để học tiếp.
Cả nhà cố gắng
Bệnh tật và những khó khăn đó không ngăn được sự hiếu học của cậu. Suốt 12 năm học, năm nào Quỳnh cũng đạt học sinh tiên tiến hoặc học sinh khá, giỏi. Thầy Hồ Văn Út - phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Trường Sinh (huyện Thạnh Phú), người trực tiếp dạy môn vật lý cho Quỳnh - nói dù bệnh tật và thể trạng yếu ớt nhưng Quỳnh có một ý chí rất mạnh mẽ, kết quả học tập năm nào cũng đạt loại khá.
Với hoàn cảnh của mình, Quỳnh nói đã ý thức được chỉ có con đường học mới thoát khỏi lao động tay chân, vốn dĩ là khiếm khuyết của mình. Ngay từ những năm cấp III, Quỳnh đã khát vọng cháy bỏng với ngành công nghệ thông tin và trúng tuyển ngành này ở Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Cha Quỳnh - anh Phan Văn Lại (43 tuổi), trụ cột gia đình - cương quyết bằng mọi cách cho con đi học.
Anh nói: "Tôi sẽ ráng làm thêm gấp ba, gấp bốn lần bình thường để có tiền cho con". Nói là nói vậy, nhưng anh Lại cũng thừa biết làm công nhật ở xứ nghèo này nhiều lắm cũng chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Nếu có ai kêu đi làm thêm ban đêm cũng chỉ được thêm ngần ấy, nhưng đâu phải việc ngày nào cũng có. Chưa kể đứa con thứ hai của anh chị là Phan Hoàng Quyến đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng bị bệnh thận yếu, đi bệnh viện như cơm bữa. Chị Lanh thở dài nhưng cương quyết: "Không biết cầm cự được bao lâu. Chỉ biết cố gắng. Tất cả vì con mà thôi".
Trong số 86 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" 2019 dành cho tân sinh viên Tiền Giang - Bến Tre hôm nay, ngoài 76 suất trị giá 10 triệu đồng/suất, chương trình dành 10 suất học bổng đặc biệt trị giá 15 triệu đồng/suất cho tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Toàn bộ học bổng do CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre, Hội doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM (danh sách đăng trên trang 10.2 số báo hôm nay 28-9) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.
Đây cũng là đợt trao thứ 7 học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ năm 2019 dành cho hơn 1.200 suất học bổng, tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng.
Học bổng "Tiếp sức đến trường" được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông", CLB "Nghĩa tình Quảng Trị", CLB "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, CLB "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng, CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Vinacam), Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH TMDV Nụ Cười Vui cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận