28/05/2024 15:37 GMT+7

Nghỉ hè, sinh viên tăng ca, làm shipper, bốc vác kiếm tiền

Dậy sớm, tranh thủ thời gian làm thêm nhiều việc cùng lúc…, nhiều bạn trẻ chọn dành kỳ nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập, trau dồi kỹ năng sống.

Kỳ nghỉ hè trước năm cuối đại học, Tâm tranh thủ vừa trải nghiệm nhiều công việc liên quan đến chuyên ngành, vừa tích lũy tài chính - Ảnh: VŨ PHƯƠNG

Kỳ nghỉ hè trước năm cuối đại học, Tâm tranh thủ vừa trải nghiệm nhiều công việc liên quan đến chuyên ngành, vừa tích lũy tài chính - Ảnh: VŨ PHƯƠNG

Ca sáng làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng bán đồ thú cưng, ca chiều làm nhân viên đóng gói đơn hàng - đó là lịch trình một ngày trong kỳ nghỉ hè của Phương Thảo (20 tuổi, Hà Nội).

Trung bình mỗi ngày, Thảo làm 10 tiếng ở cả hai nơi, nhờ vậy thu nhập cũng tăng gấp đôi so với việc làm part-time trong năm học.

"Trong năm học, mình chỉ làm thêm buổi chiều. Buổi sáng là thời gian đi học. Nghỉ hè thời gian nhiều hơn, mình làm cả hai ca. Số tiền mình kiếm được nhờ làm hai việc cùng lúc là khoảng 6 triệu đồng. Ngoài ra, nếu chăm chỉ, đến đúng giờ và không nghỉ buổi nào, mình sẽ được thưởng thêm.

Việc làm thêm trong hè giúp mình có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Số tiền kiếm được tuy chưa nhiều nhưng chỉ cần làm 2 - 3 tháng hè, mình sẽ có một khoản đỡ đần cho bố mẹ học phí, phí sinh hoạt cho kỳ sau", Thảo chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ chọn làm shipper trong kỳ nghỉ khi chưa có nhiều kinh nghiệm tìm việc làm thêm - Ảnh minh họa: VŨ PHƯƠNG

Nhiều bạn trẻ chọn làm shipper trong kỳ nghỉ khi chưa có nhiều kinh nghiệm tìm việc làm thêm - Ảnh minh họa: VŨ PHƯƠNG

Tương tự Thảo, sinh viên năm nhất Cao đẳng FPT Polytechnic Việt Hoàng (19 tuổi) cũng gắng vất vả hơn để nhận được mức thu nhập khoảng 200.000 - 250.000 đồng/ngày.

Chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm việc làm, Hoàng lựa chọn làm shipper và nhận bốc vác hàng hóa khi có người cần. Công việc thường ngày của Hoàng là nhận đơn trên các ứng dụng công nghệ và chuyển hàng đến theo địa chỉ định sẵn.

Bên cạnh đó, Hoàng cũng chủ động tham gia vào các hội nhóm thuê bốc vác, nếu có ai cần sẽ chốt đơn. Công việc chủ yếu hoạt động ngoài trời nên khá vất vả.

Mỗi tháng, Việt Hoàng được bố mẹ hỗ trợ 3 triệu đồng phí sinh hoạt. Với mức sống đắt đỏ ở Hà Nội, số tiền này vừa đủ cho mức chi tiêu cố định hằng tháng. Hoàng chia sẻ, việc làm thêm trong kỳ nghỉ hè nhằm mục đích chủ động tài chính và tiết kiệm để mua máy tính.

"Mình học chuyên ngành thiết kế đồ họa nên cần máy tính có cấu hình cao. Sau hè, mình sẽ dùng khoản tiền kiếm được để mua máy tính phù hợp để phục vụ cho năm học tiếp theo. 

Mình hy vọng tới đây khi có kinh nghiệm hơn mình sẽ kiếm được việc làm thêm, phù hợp với ngành mình đang theo học", Hoàng bộc bạch.

Còn đối với Minh Tâm - sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - chỉ còn năm học cuối là Tâm sẽ phải tìm việc làm chính thức. Vì vậy, dịp hè này là khoảng thời gian Tâm vừa làm thêm vừa tích lũy kinh nghiệm.

Tâm kiêm một lúc ba việc: làm tư vấn viên, viết bài cho website, viết nội dung cho fanpage. Công việc tuy mệt nhưng đều liên quan đến ngành học mà Tâm đang theo đuổi nên cô gái này muốn có kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp.

Theo Tâm, sinh viên có thể chủ động tìm kiếm việc làm phù hợp trên các trang mạng xã hội, các website cung cấp thông tin việc làm. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định nhận việc làm để tránh lừa đảo.

Doanh nghiệp cần gì từ lao động sinh viên vừa tốt nghiệp?Doanh nghiệp cần gì từ lao động sinh viên vừa tốt nghiệp?

Mới ra trường, sinh viên lấy đâu kinh nghiệm nghề nghiệp. Vậy điều doanh nghiệp yêu cầu, mong nhìn thấy ở nhóm lao động từ sinh viên mới tốt nghiệp là gì?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên