Người chụp lại những bức hình này là bác sĩ Nguyễn Nhật Trường, 29 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng từ đầu năm 2020 - Ảnh: NVCC
Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc các nữ y bác sĩ ở Đà Nẵng cắt đi mái tóc dài để thuận tiện cho công việc tại bệnh viện khiến nhiều người xúc động, được chia sẻ trên mạng xã hội suốt một ngày qua.
Bác sĩ Nguyễn Nhật Trường cho biết đã chụp lại khoảnh khắc này khi đang cùng đồng nghiệp chuẩn bị một ngày làm việc mới tại bệnh viện - ngày 29-7.
"Đã 3 ngày trôi qua tại khoa chống dịch dương tính của bệnh viện tôi. Mọi chuyện đều diễn ra theo đúng quy trình chống dịch nhưng hôm nay khi thức dậy, cảnh mà tôi thấy đầu tiên không phải là bệnh nhân mà là mọi người đang cắt tóc cho nhau.
Bác sĩ Nhật Trường cho biết 7 đồng nghiệp nữ của mình đã cắt tóc ngắn để không gây cản trở lúc làm việc - Ảnh: NVCC
Tôi hỏi mọi người vì sao lại cắt đi mái tóc, vì mái tóc đối với phụ nữ rất quan trọng. Mọi người chỉ cười và chỉ nói cắt cho gọn để làm việc.
Thật sự lúc đó tôi không còn lời nào để có thể nói được nữa, chỉ biết im lặng và đăng một bài viết để cảm ơn mọi người như thế này.
Một lần nữa thầm cảm ơn tất cả các đồng chí. Mọi người cùng nhau cố gắng nhé, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi", bác sĩ Nhật Trường viết trên trang cá nhân.
Nhật Trường cho biết suốt 3 ngày liên tiếp, 13 đồng nghiệp của anh đã luân phiên túc trực 24/24 bởi số lượng người nhiễm và nghi mắc COVID-19 đang tăng lên từng ngày.
Kể từ ngày 27-7, các bệnh nhân nghi nhiễm và mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để tiếp tục điều trị. Do đó, khu vực này bị cách ly nghiêm ngặt.
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện ngắn với bác sĩ Nguyễn Nhật Trường từ khu cách ly, trước khi anh kết thúc cuộc điện thoại mà không kịp nói lời chào trọn vẹn để tiếp tục làm việc.
* Lúc chứng kiến các nữ đồng nghiệp của mình cắt tóc, anh có cảm xúc gì?
- Tôi cũng không biết nói sao nữa, lúc đó tôi cảm động lắm. Khi đăng bài trên trang cá nhân, tôi cũng không nghĩ bức hình được chia sẻ nhiều như vậy.
Nếu tóc dài, mỗi lần tắm sẽ lâu khô. Khi mặc đồ bảo hộ, mồ hôi ra nhiều nên cắt đi sẽ giúp giảm bớt sự khó chịu. Tôi và một người đồng nghiệp khác đã trở thành thợ cắt tóc "bất đắc dĩ" cho các chị em.
* Sống và làm việc trong khu cách ly tại bệnh viện, anh và đồng nghiệp có gặp khó khăn gì không?
- Ở căng-tin của bệnh viện lúc này còn món gì thì chúng tôi dùng thứ đó. Số bệnh nhân đông và tăng lên nhanh quá, trong khi sự chuẩn bị của chúng tôi không có nhiều như vậy nên cũng thiếu thốn một số thứ.
Nhưng mọi người đến từ các bệnh viện khác nhau vẫn sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ, cùng vượt qua khó khăn.
* Anh và đồng nghiệp chắc hẳn sẽ nhớ gia đình?
- Tất nhiên là mọi người ai cũng nhớ gia đình, vợ chồng con cái. Nhưng phải gác lại thôi, vì bắt đầu từ ngày 27 tới nay, Bệnh viện Phổi nhận các ca dương tính nên chúng tôi phải tập trung về bệnh viện để làm việc.
13 người chúng tôi đã trực liên tiếp 3 ngày vừa qua và tới giờ vẫn chưa thể về nhà.
* Anh nghĩ gì về những trường hợp trốn cách ly?
- 3 ngày nay bệnh nhân đông quá, tôi cũng không sử dụng điện thoại nhiều nên chưa cập nhật tin tức. Giờ biết được tin này, thấy cũng buồn nhưng đang có nhiều chuyện phải lo. Chúng tôi chỉ mong muốn cùng cộng đồng chống dịch thành công.
Đoạn clip ghi lại cảnh các nữ bác sĩ ở Đà Nẵng cắt tóc - Video: Nguyễn Nhật Trường
Chị N.H.V - một nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Đà Nẵng và là bạn của bác sĩ Nguyễn Nhật Trường - cho biết thêm:
"Tôi làm việc ở Bệnh viện Mắt, công việc của tôi là bên mảng vận chuyển nhu yếu phẩm đến các bệnh viện đang cách ly. Tình hình ở đó khá căng thẳng khi nhân lực y bác sĩ mỏng, lại bị cách ly một số không nhỏ.
Ai cũng sợ, thật sự bây giờ dùng từ sợ mới đúng vì Đà Nẵng đang trong mùa du lịch. Tất cả người dân mọi nơi đổ về từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 cho tới khi bắt đầu phát hiện ca nhiễm gần đây.
Nên bây giờ cách tốt nhất là ở yên trong nhà. Theo dõi các ca nhiễm xem lịch trình của họ đi những đâu, mình có từng đến đó không và có báo cáo kịp thời đến các đầu mối y tế để hạn chế sự lây lan trong cộng đồng".
MC Vũ Mạnh Cường chia sẻ cảm xúc khi nhìn bức ảnh: "Hơn cả sự cảm động, đó là lòng biết ơn vô cùng khi nhìn những hình ảnh này. Trong trận chiến chống dịch lần này, các y bác sĩ đã trở thành những chiến binh trên tuyến đầu.
Họ vừa phải quyết liệt, tận tâm, tận lực vừa phải dũng cảm, dám đương đầu với nhiều nguy hiểm, hy sinh nhiều điều của bản thân để quyết tâm chiến thắng dịch.
Mái tóc đối với người phụ nữ luôn mang nhiều giá trị. Tôi tin khi quyết định cắt tóc, họ hẳn cũng tiếc cũng buồn lắm. Nhưng vì nhiệm vụ, trọng trách và sức khỏe của bao người, họ đã chọn cách cắt đi mái tóc dài để dấn thân vào nguy hiểm.
Hình ảnh này làm tôi thấy cứ thấy nhói lòng. Có những nữ bác sĩ sau những mệt nhoài của công việc, đã òa nức nở vì nhớ người thân. Có những bác sĩ lịm đi vì liên tục làm việc không một phút ngừng nghỉ trong nhiều ngày.
Mong dịch qua mau, cho mái tóc lại dài, cho những nữ bác sĩ ấy được quay về nhà làm vợ làm mẹ, ôm lấy những yêu thương vào lòng. Tóc ngắn rồi lại dài. Có dũng cảm đến đâu, họ cũng là phụ nữ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận