27/04/2013 04:17 GMT+7

Nghệ thuật không thể phục vụ lợi nhuận

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là quan điểm của Bộ trường Hoàng Tuấn Anh tại phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vào ngày 26-4.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, bản quyền và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật hiện nay không được quan tâm đúng mức, khiến nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ không nhận được nhuận bút xứng đáng với những sáng tác của mình. Trong rất nhiều chương trình, đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ cần xin giấy phép của cơ quan văn hóa, chứ không xin tác giả hoặc đơn vị đại diện cho tác giả.

Vi phạm bản quyền rất phổ biến

Ông Quốc đề nghị cần chấm dứt cơ chế xin - cho, thay vào đó bằng văn bản pháp quy nói rõ những điều cấm, không phạm vào điều cấm thì được làm. “Vi phạm bản quyền rất phổ biến, gây rất nhiều bức xúc, xin cho biết rõ trách nhiệm của bộ và các ngành liên quan như thế nào?” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu chất vấn ngay sau phân tích của ông Quốc.

Phúc đáp, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh thừa nhận: “Chúng tôi biết có đến 90% số buổi biểu diễn âm nhạc tại phía Bắc không xin phép tác giả”. Bộ trưởng “hoan nghênh báo chí, dư luận phản đối mạnh mẽ những tiêu cực, bức xúc trong lĩnh vực này”, nhưng ông cũng nêu quan điểm “nghệ thuật biểu diễn phục vụ văn hóa rất nhân văn, không thể phục vụ lợi nhuận”. Bộ trưởng hứa: “Tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa: thứ nhất là giấy phép phải rõ ràng, thứ hai là chương trình phải được duyệt, thứ ba là đơn vị nào vi phạm thì không cấp phép lại, thứ tư là nơi nào không đảm bảo an ninh trật tự xã hội thì thôi, thứ năm là tăng cường hậu kiểm”.

Cho rằng phần giải trình của bộ trưởng không thỏa đáng, ông Quốc tiếp tục lên tiếng: “Sự cho phép hay không cho phép của bộ không liên quan đến bản quyền. Tác phẩm là hàng hóa, hai bên có quyền thỏa thuận, tác giả không cho phép thì anh có được biểu diễn hay không? Tôi đề nghị để cho họ thỏa thuận, chứ không phải là bộ cấp phép rồi bộ quy định khung nhuận bút. Tôi biết có những chương trình tuy tác giả không đồng ý nhưng họ cứ biểu diễn vì bộ đã cấp phép rồi”. Bà Hương cũng cho rằng “nếu không có cơ chế thỏa thuận giữa các bên thì rất khó khắc phục được vi phạm bản quyền”.

Tính khả thi của đề án 10.800 tỉ đồng?

Đại biểu Mỹ Hương tiếp tục chất vấn về tình trạng nhiều thiết chế văn hóa tại các địa phương bị chuyển đổi mục đích sử dụng, không ít rạp hát đã trở thành nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại. Đồng thời, bà Hương yêu cầu bộ trưởng giải đáp về cơ sở và tính khả thi của đề án nâng cấp, xây dựng các thiết chế văn hóa với tổng số vốn lên tới 10.800 tỉ đồng vừa qua đã xôn xao dư luận (“10.800 tỉ đồng cho các công trình văn hóa: đề án trong mơ?”, Tuổi Trẻ ngày 15, 16-1)...

“Chúng tôi hoan nghênh ý kiến này, từ lâu bộ đã có ý kiến với các tỉnh thành rằng cần hết sức lưu ý việc di dời các thiết chế văn hóa. Nếu quy hoạch, di dời thiết chế văn hóa phải tìm địa điểm khang trang hơn. Ví dụ trước đây cái rạp chiếu phim nó nhỏ, sát cạnh đường không có chỗ để xe, thì xây cái mới hơn cũng hợp lý thôi, nhưng anh phải xây xong cái mới thì mới được chuyển cái cũ đi. Chứ mấy chỗ mà lấy rạp hát làm nhà hàng như đại biểu đề cập chúng tôi sẽ phản ứng ngay” - ông Hoàng Tuấn Anh đáp.

Giải thích về đề án chục ngàn tỉ đồng, ông Tuấn Anh cho biết hiện nay cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật, các thiết chế văn hóa rất nghèo nàn, xuống cấp, cần phải đầu tư để đảm bảo mục tiêu xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. “Trung ương có 12 đơn vị nghệ thuật thì có tới năm đơn vị chưa có nhà, không có nơi biểu diễn. Rạp chiếu phim ngay ở Hà Nội, TP.HCM cũng thiếu. Ở các tỉnh, thành chỉ 4-5 địa phương có nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật thôi. Xuất phát từ thực trạng đó, chúng tôi đề xuất đề án trên”.

Liên quan đến chế độ lương, bồi dưỡng cho nghệ sĩ biểu diễn hiện nay đang rất thấp (một đêm diễn chỉ được bồi dưỡng 20.000-50.000 đồng, một buổi luyện tập được 10.000-20.000 đồng), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để sửa đổi quy định, chứ so với cátsê ca sĩ thì quá chênh lệch”.

Sẽ chỉ đạo tăng cường diễn cho các em

kL4KbiLq.jpgPhóng to
Ảnh: V.Dũng
Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC:

Chúng tôi thấy rằng chính sách dành cho trẻ em liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật rất hạn chế. Xin bộ trưởng cho biết có chính sách gì để phục vụ trẻ em? Thứ hai là trong nghệ thuật biểu diễn, chẳng hạn như phục vụ đám cưới có sử dụng trẻ em, đây rõ ràng là kinh doanh, vậy có trái luật lao động?

mkG82jPq.jpg
Ảnh: V.Dũng
Bộ trưởng HOÀNG TUẤN ANH:

Bộ có Nhà hát Tuổi trẻ, các tỉnh thành có nhà văn hóa thiếu nhi. Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị đầu đàn, mỗi năm xây dựng khoảng 10 vở diễn để phục vụ các em. Số lượng như vậy là không nhiều. Chúng tôi chỉ đạo sắp tới là tăng cường diễn cho các em, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Có chính sách giá vé hợp lý. Còn vấn đề sử dụng các em trong đám cưới thì xin anh Dương Trung Quốc là để chúng tôi xem có giải pháp nào. Tôi cũng đi nhiều đám cưới, thấy hình ảnh các em như vậy cũng phân vân lắm.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên