29/02/2020 13:32 GMT+7

Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ cuối: Đêm nhạc blouse trắng

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Ở góc cuối sân khấu, nhóm bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cười nói rổn rảng. Họ đang giúp nhau hoàn tất công đoạn trang điểm, chải chuốt mái tóc. Trong lúc chờ đến lượt, ai nấy đều "nhí nhảnh" như con nít.

Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ cuối:  Đêm nhạc blouse trắng - Ảnh 1.

Các bác sĩ blouse trắng biểu diễn các ca khúc trên sân khấu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau những giờ làm việc mệt nhoài nơi bệnh viện, một nhóm bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đã tổ chức các đêm nhạc gây quỹ giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Từ đêm nhạc đầu tiên cách đây gần bốn năm, đến nay đã có khoảng 50 đêm nhạc như thế.

Hát xoa dịu nỗi đau

17h một ngày cuối tuần, bác sĩ Võ Tấn Lộc (40 tuổi, công tác tại khoa y học cổ truyền Bệnh viện Củ Chi, TP.HCM) cởi áo choàng trắng thường ngày, khoác lên mình bộ vest đen lịch lãm. Hai tiếng đồng hồ nữa, bác sĩ Lộc sẽ cùng nữ đồng nghiệp đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy bước lên sân khấu blouse trắng song ca bài Chiếc lá mùa đông.

Từ Củ Chi, phải mất gần một tiếng rưỡi chạy xe gắn máy bác sĩ Lộc mới kịp có mặt tại quán cà phê trên đường Nguyễn Du (Q.1) là sân khấu quen thuộc của nhóm. Là thành viên xa nhất của nhóm nhạc blouse trắng, nhưng bác sĩ Lộc luôn có mặt đúng giờ. Lau mồ hôi lấm tấm trên trán, "chuốt" lại mái tóc xơ rối, chỉnh trang bộ vest có phần xộc xệch, bác sĩ Lộc nở nụ cười hiền hậu: "Được cùng các đồng nghiệp hát vừa thỏa niềm đam mê, đó cũng là cách sẻ chia chút khó khăn cùng người bệnh".

Ở góc cuối sân khấu, nhóm bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cười nói rổn rảng. Họ đang giúp nhau hoàn tất công đoạn trang điểm, chải chuốt mái tóc. Trong lúc chờ đến lượt, ai nấy đều "nhí nhảnh" như con nít. Họ tranh thủ selfie (chụp ảnh tự sướng) lưu lại khoảnh khắc "xì teen" sau giờ làm việc căng thẳng. 

"Tôi đi hát ở nhiều chương trình nhưng được hát trên sân khấu blouse trắng là điều đặc biệt. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì từ giọng hát của mình có thể mang lại một lợi ích gì đó cho người bệnh" - điều dưỡng Ngọc Bích từ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn chia sẻ.

Đạo diễn Tôn Thất Toàn, người bao năm đảm nhận vai trò đạo diễn "không công" cho nhóm nhạc blouse trắng, nói các "ca sĩ" đến đây chủ yếu là bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ đến từ nhiều bệnh viện trong thành phố. Mỗi đêm có khoảng 14 suất diễn hát đơn, song ca. Ban đầu đêm nhạc tổ chức một tháng/hai lần nhưng công việc ai cũng bận rộn, cuối cùng "gút" lại một tháng/lần.

Nói là hát vì đam mê nhưng để được đứng trên sân khấu quả là không hề đơn giản, tất cả đều phải trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao. Các bác sĩ muốn tham gia phải đăng ký bài, tập dượt, lựa chọn - chỉ khi đạo diễn "nghe được" mới cho hát. Và để có được buổi diễn này là cả nỗ lực tập luyện, dàn dựng công phu suốt nhiều tuần sau giờ làm ở bệnh viện.

"Không phải thích là hát nên khi tham gia phải thật sự nghiêm túc, chỉn chu từ ăn mặc đến ca từ chương trình mới có thể tồn tại lâu dài được" - đạo diễn Toàn chia sẻ. "Thời gian đầu hát ai cũng run lắm, hát trật tông, sai giọng, quên bài hoài. Âm thanh cũng không được tốt vầy đâu" - bác sĩ Lộc chia sẻ.

Có mặt dưới khán đài từ rất sớm chờ đón các tiết mục biểu diễn là ông Hậu cùng với vợ chồng người bạn từ thời THPT. Họ háo hức, nóng lòng được thưởng thức âm nhạc. "Dù chỉ nghiệp dư, giọng hát của các bác sĩ khá tình cảm, hát nhiệt tình. Tôi đến một phần vì mê nhạc, phần lớn hơn mong muốn góp một chút tình cảm cùng các bác sĩ giúp đỡ người bệnh" - ông Hậu nói.

Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ cuối:  Đêm nhạc blouse trắng - Ảnh 2.

Các bác sĩ blouse trắng biểu diễn các ca khúc trên sân khấu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giấc mơ thẻ BHYT, cơm cháo cho người bệnh

Từ tháng 8-2016, chương trình âm nhạc đầu tiên của nhóm nhạc blouse trắng ra mắt. Người khởi xướng chương trình ý nghĩa này là bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần). Theo bác sĩ Hiển, lúc đầu nhóm chỉ nghĩ tổ chức cuộc quyên góp bình thường, nhưng "đâu thể đi xin hoài được". Từ đó ý tưởng tổ chức "đêm nhạc blouse trắng" tại quán cà phê ra đời và thường xuyên có khoảng 40 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ tham gia.

Lúc mới ra đời, "đại bản doanh" ca hát mỗi đêm cuối tuần là quán cà phê ở công viên Lê Thị Riêng (Q.10), nhưng "chuyển tới chuyển lui hoài". Rất may nhờ lương duyên cùng "mê nhạc, mê từ thiện", nhóm được chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Du (Q.1) bố trí riêng không gian thoải mái trên tầng ba tòa nhà. Nơi các bác sĩ biểu diễn đều được thiết kế sân khấu, đèn chiếu và dàn nhạc "khủng" không khác gì các ban nhạc chuyên nghiệp với sức chứa gần 150 người.

"Việc tổ chức đêm nhạc vừa tạo sân chơi xả stress cho bác sĩ sau giờ làm việc căng thẳng, vừa quyên góp tiền giúp người bệnh thì còn gì bằng. Ai tham gia đều thấy vui" - bác sĩ Hiển nói. Tiêu chí chương trình là minh bạch, tất cả các khoản thu đều được công bố ngay sau đêm nhạc và nộp vào tài khoản. Cứ ba tháng, nhóm đều báo cáo tài chính cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM.

Quy định của nhóm khá đặc biệt là không hỗ trợ riêng cá nhân nào cả. Bởi theo bác sĩ Hiển, nếu làm việc này buộc phải đi xác minh trong khi không có nhiều thời gian. Mặt khác, quỹ không thể chịu nổi khi có ca bệnh lên đến hàng trăm triệu đồng, giúp ca này mất ca khác. Thế là từ việc quyên góp tiền tặng cơm cho bệnh nhân, nhóm mở rộng thêm việc cung cấp thức ăn (trứng) cho các trung tâm chăm sóc người tâm thần, trại trẻ mồ côi.

Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ cuối:  Đêm nhạc blouse trắng - Ảnh 3.

Khán giả ủng hộ đêm nhạc blouse trắng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gần đây, bác sĩ Hiển nhận thấy hỗ trợ thẻ BHYT căn cơ hơn, chỉ hơn 700.000 đồng mà giúp họ thăm khám điều trị bệnh cả năm trời nên nhóm lại bắt tay vào triển khai ngay. "Nhóm mới tổ chức lo thẻ BHYT cho một số người dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Bù Đăng, Bình Phước. Rồi gần nhất lo 20 thẻ BHYT cho dân nghèo ở một khu bệnh phong ở Kon Tum. Nhận thẻ ai cũng vui và chúng tôi tin rằng điều đó mang lại giá trị thiết thực nhất" - bác sĩ Hiển hào hứng kể.

Là người lo "hậu trường" cho nhóm mỗi dịp có chương trình, cô Trần Phi Vân (làm nghề may mặc) mở điện thoại lướt fanpage của nhóm khoe các nơi thông báo nhận được hỗ trợ trứng từ nhóm nhạc. "TT tâm thần Thủ Đức 2.800 quả trứng gà, Bình Phước 1.400 quả, Bình Dương 2.600 quả...". Rồi 15 phiếu cơm cho bệnh nhân ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) từ nguồn tiền quyên góp của khán giả sau một đêm nhạc. Đến nay, số tiền quyên góp thông qua các đêm nhạc nhóm blouse trắng tổ chức đã chạm đến con số 4,5 tỉ đồng...

Có những nghề, những đồ vật từ bao đời đã gắn bó thân thiết với người châu thổ phương Nam như nghề đóng xuồng ba lá luồn lách trên kênh rạch nhỏ hay đồng nước nổi, làm cân treo đong lúa, ghe hàng xáo đưa "cái chợ" nhỏ về miệt bưng biền heo hút... Xã hội phát triển hiện đại, nhiều thứ đã mai một nhưng một số nghề cùng đồ vật "muôn năm cũ" vẫn tồn tại cùng người châu thổ.

Những câu chuyện ngày ấy bây giờ gần gũi và đầy xúc cảm về miền Tây yêu dấu...

MỜI ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ: Đi tìm miền Tây yêu dấu

Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ 1:  “Cuộc đời ơi ta mến thương” Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ 1: “Cuộc đời ơi ta mến thương”

TTO - Ngoài công việc chuyên môn cứu người bệnh, có một góc khác của những thiên thần blouse trắng khi họ chính là những nghệ sĩ tài hoa. Bằng ca từ bay bổng, giọng hát ngọt ngào, họ tiếp thêm niềm tin giúp người bệnh vượt qua lằn ranh sinh - tử.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên