Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh ấp ủ chuỗi chương trình đưa âm nhạc cổ điển đến với mọi người - Ảnh: NVCC
Tối 1-11, tại Nhạc viện TP.HCM, Đức Anh có buổi trình diễn giao lưu tại Hòa nhạc mùa thu với bản độc tấu Franz Liszt. Âm nhạc của Liszt khiến Đức Anh nhớ lại cảm giác của một năm về trước. Đó là lần đầu tiên anh về nước tổ chức một buổi hòa nhạc riêng, với âm nhạc đầy thăng hoa và ước mơ từng bước đưa nhạc cổ điển vào đời sống nghệ thuật của người Việt.
Nhạc cổ điển vui lắm!
Lưu Đức Anh là con nhà nòi. Bố anh là phó giáo sư - tiến sĩ - nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh - giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, người đã thành công trên đấu trường quốc tế về lĩnh vực biểu diễn accordion.
Anh trai là nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang, người được NSND Đặng Thái Sơn đặc biệt ưu ái như một tài năng trẻ tiếp nối ông.
Piano lúc đầu không là lựa chọn từ tình yêu của Đức Anh. Anh cho biết, càng chơi nhiều, kỹ thuật âm nhạc càng lên, tư duy về nhạc cũng tốt hơn, làm chủ được cây đàn và biết cách để đến được thế giới âm nhạc, anh càng thích và say mê.
18 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung cấp piano tại Việt Nam, Đức Anh theo học hệ đại học và cao học piano tại Nhạc viện Hoàng gia Liège (Bỉ) trong 5 năm.
Anh kể: "Ở Việt Nam, cổ điển phải được diễn trong nhà hát lớn, phải trịnh trọng, hoành tráng. Nhưng tôi từng chơi nhạc trong nhà thờ, trong những khán phòng nhỏ xíu chừng 50 chỗ ngồi. Trên sân khấu, nghệ sĩ chơi nhạc rất tập trung, nhưng bước ra sau cánh gà, họ hoàn toàn khác: cởi mở, gần gũi, sẵn sàng giải đáp tất cả thắc mắc về âm nhạc với khán giả. Đó cũng là hình ảnh tôi muốn hướng đến".
Chính vì sự phóng khoáng ấy và việc được đầu tư đúng mức, dù kén khán giả mà nhạc cổ điển ở nước ngoài vẫn thu hút rất đông "người ngoại đạo" đến nghe. Trong khi đó ở Việt Nam, những buổi trình diễn nhạc cổ điển chủ yếu vẫn cho "dân trong nghề" nghe là chính.
Âm nhạc là nhà
Với những nghệ sĩ trẻ tài năng như Đức Anh, câu hỏi nhận được nhiều nhất là: có trở về hay không? "Trở về" - hai từ này với Đức Anh chỉ nằm trong ý nghĩa tương đối bởi "với những nghệ sĩ cổ điển, ở đâu được chơi nhạc, được mang âm nhạc của mình đến với số đông thì ở đó là nhà".
Năm 2016, đêm nhạc đầu tiên trong chuỗi hòa nhạc tại quê hương ra mắt khán giả ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với tên gọi Liszt Recital. Đức Anh đã biểu diễn solo những bản nhạc nổi tiếng, quen thuộc nhất của Liszt trước hơn 500 khán giả. "Điều tôi ngạc nhiên là rất đông khán giả, không khí sôi động, vỗ tay rầm rầm như show nhạc pop như vậy". Lúc đó, chàng trai trẻ biết mình đang đi đúng hướng.
Nếu khán giả từng bước được tiếp cận với âm nhạc cổ điển bài bản và có trình tự, họ sẽ hiểu và yêu thích chúng hơn. Những buổi hòa nhạc về sau, tôi muốn mời các nghệ sĩ cổ điển cùng tham gia để chương trình phong phú hơn.
Lưu Đức Anh
Tháng 12 năm nay, Đức Anh tiếp tục trở về nước thực hiện đêm nhạc thứ hai với chủ đề Âm nhạc của Brahms. "Chúng tôi bán vé cao nhất khoảng 500.000 đồng/vé. Toàn bộ lợi nhuận sẽ dành cho những bạn khiếm thị có năng khiếu về piano" - Đức Anh nói.
Những chuyến đi - về càng làm chàng nghệ sĩ trẻ này có thêm năng lượng để quyết tâm hơn với con đường anh đã chọn: được chơi nhạc, được trở thành một cây cầu đưa khán giả đến với thế giới tinh hoa của âm nhạc.
Chàng trai "giải nhất và giải đặc biệt"!
Lưu Đức Anh đã có nhiều giải thưởng lớn: giải nhất bảng từ 16-30 tuổi cuộc thi piano quốc tế Stockholm - Sweden lần thứ 6 được tổ chức tại Thụy Điển vào tháng 5; giải đặc biệt của Festival de Piano à Collioure et Concours International de Piano lần thứ 10 tại Pháp tháng 6-2017.
Trước đó, Đức Anh từng đoạt giải nhất cuộc thi Andree Charlier ở Bỉ năm 2016, giải nhất tại cuộc thi piano quốc tế Leopold Godowsky ở Ba Lan năm 2014.
Hiện Lưu Đức Anh đang theo bậc sau cao học chuyên ngành biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Malmo - Thụy Điển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận