Với nghề báo, một sinh viên tốt nghiệp cử nhân báo chí truyền thông hay đại học khác ra trường có thể xin vào tập sự trong cơ quan báo chí.
Trong thời gian đó, sản phẩm báo chí là thước đo khả năng nghề nghiệp và lòng yêu nghề; kèm theo đó là sự thể hiện phẩm chất của nhà báo.
Việc lựa chọn một người tập sự vào làm phóng viên của tờ báo chủ yếu dựa trên năng lực thực sự của người đó và công khai.
Tôi cũng đã từng làm nghề giáo 40 năm.
Trước đây, người muốn vào nghề này phải nộp đơn qua cơ quan giáo dục hay thông qua một cơ quan chính quyền địa phương để được xét và ký hợp đồng.
Ngày nay, chế độ tuyển dụng đó vẫn còn, bên cạnh chế độ mới thi tuyển vào công chức giáo dục do sở nội vụ các tỉnh, thành phố tổ chức.
Chế độ tuyển dụng có kẽ hở có thể tạo điều kiện cho kẻ tham ô tuyển dụng ào ạt để ăn tiền. Chế độ thi tuyển tốt hơn nhưng có người, có nơi vẫn lợi dụng để đánh tráo kết quả, tạo ra dư luận xấu trong xã hội về con người của ngành giáo dục.
Gần đây, mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa nhà giáo, học sinh và phụ huynh học sinh đã bị phá vỡ phần nào bởi những hành vi phản sư phạm và có dấu hiệu làm nhục người khác.
Nhà giáo vào lớp hơn 3 tháng không giảng bài, nhà giáo phạt quỳ học sinh, nhà giáo buộc học sinh phải súc miệng bằng nước giẻ lau bảng. Phụ huynh vào trường bắt nhà giáo phải quỳ tạ lỗi, phụ huynh đánh giáo sinh suýt sẩy thai...
Chưa bao giờ trong lịch sử giáo dục của chúng ta lại xảy ra những sự kiện đáng buồn như vậy.
Thật lấy làm tiếc khi một nghề trong sáng, tốt đẹp như nghề giáo mà ngày càng mất dần phẩm chất.
Đã có những con người lạm dụng quyền hạn chức vụ để ăn tiền, đã có những "nhà giáo" phải chịu tốn tiền để được làm nhà giáo và khi đã được làm nhà giáo rồi, họ còn phải bỏ tiền ra để tiếp tục chạy vào hợp đồng, chạy vào biên chế để trở thành nhà giáo thực thụ.
Sự trong sáng, lòng tự hào nghề nghiệp mai một đi rất nhiều.
Đối với một ngành hay một nghề nào đó, người ta bỏ tiền ra mua việc làm là để sau đó lấy lại cả vốn lẫn lời. Đối với ngành giáo dục và nghề nhà giáo, người ta "lấy lại" cái gì?
Một em giáo sinh ra trường chạy mất 200 triệu đồng để có chỗ dạy cũng phải nghĩ đến việc làm sao lấy lại và chắc chắn cũng cảm thấy xấu hổ khi phải trả tiền mua "ghế" giáo viên.
Xã hội nhìn vào sự nghiệp giáo dục mà buồn phiền. Làm sao cho đến bây giờ vẫn chưa có được một cơ chế nhất quán cho việc tuyển dụng nhà giáo, cho việc cân đối nhu cầu giáo viên trong nhà trường và kế hoạch đào tạo trong trường sư phạm, cho việc trả lương nhà giáo?
Thật không có gì buồn cười hơn khi cùng dạy lớp 3, nhà giáo các tỉnh thành có thể nhận lương 5 triệu đồng trong khi nhà giáo ở Krông Păk, Đắk Lắk chỉ nhận được 1 triệu đồng.
Tôi nghĩ ngành giáo dục phải triệt cho được nạn chạy việc làm, chạy hợp đồng và chạy biên chế trong ngành. Chỉ khi làm được như vậy thì ngành mới có thể trở lại trong sáng được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận