06/07/2020 13:34 GMT+7

Nghề... bế heo

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trên quốc lộ 1 đoạn qua cầu Câu Lâu thuộc huyện Quế Sơn (Quảng Nam) có một phiên chợ mà cả người mua lẫn người bán chỉ đến chợ để trao đổi món hàng duy nhất: những chú heo con.

Nghề... bế heo - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Thảo bế heo con giúp chủ đưa vào chợ bán - Ảnh: B.D.

Bế heo là việc chẳng có tên, anh em ở xa ai hỏi làm nghề gì tui cũng không dám nói thật. Có lần tui vẫy xe xin đi nhờ nhưng chủ xe dừng đột ngột rồi bảo tôi xuống vì... mùi hôi.

Bà Trần Thị Thảo

Phục vụ "đưa đón" cho những chú heo con là một đội bế heo đặc biệt: tất cả đều là phụ nữ.

Ngóng những chú... heo con

Khu chợ đó có tên trên giấy tờ là chợ Bà Rén. Người Quảng ở xa hay giới tài xế đường dài không cần nhắc địa danh, chỉ cần nghe cái tên "Bà Rén" là biết đoạn đường đó nằm ở khúc nào trên hành trình.

Bà Rén cũng là cái tên rất đặc biệt với người Quảng Nam. Muốn "chiêm ngưỡng" được phiên chợ kỳ thú này phải đến thật sớm. Người buôn, kẻ bán ở chợ không chỉ bà con trong vùng mà thương lái từ tận Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An ngược cho tới Quảng Ngãi.

6h sáng, tôi đứng ở phiên chợ đã thấy cánh phụ nữ đội nón, trùm kín khẩu trang tụm ba tụm bảy bàn tán chuyện công việc. Tiếng xe máy nổ lẹt phẹt chở theo lồng sắt rỗng, bàn ghế, dây buộc lẫn rơm rạ... từ các ngả đường nhỏ dẫn vào chợ. 

Hôm nay lúa đang vào đòng nên người nông dân tập trung dọn chuồng trại, mua heo giống về nuôi rất nhiều. Bóng người lúc đầu chỉ thấy nhá nhem, lờ mờ dưới lớp sương rồi hiện rõ rất nhanh.

Nhóm người phụ nữ đứng gần chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Nhưng mọi thứ đã tan rất nhanh khi bắt đầu có những chiếc xe máy chở các chú heo con trên những lồng sắt chạy từ ngoài đường vào chợ. 

"Heo tới kìa! Heo tới rồi. Nhanh ra đỡ đi. Chu cha, chi mà bựa ni đợi lâu lét (lâu lắc)" - mấy người phụ nữ đang tụm ba tụm bảy bỗng bật nảy, nhào tới nói với chủ heo. Nhìn cảnh này, nhiều người hình dung như cảnh giành giật khách ở một bến xe đông đúc.

Một vài chiếc xe máy tới. Rồi đồng loạt sau vài phút hàng chục chiếc xe khác do những thương lái từ khắp nơi chạy xuyên đêm cũng tới được phiên chợ. Họ không hề hẹn nhau nhưng đến rất đúng giờ. 

Những cuộc gặp gỡ tại chợ đó diễn ra đều đặn và ít khi sai sót về thời gian suốt hàng chục năm nay ở chợ heo Bà Rén. Xe vừa trờ tới, người chở heo chỉ việc dựng chân chống và đi vào chợ để gặp bạn hàng. 

Việc xuống heo, tắm rửa cho heo con, đưa lên bàn cân... đều đã có một lực lượng đặc biệt lo liệu: cánh phụ nữ.

Nghề... bế heo - Ảnh 3.

Ngoài tiền công bế heo, những người làm nghề này còn kiếm thêm thu nhập bằng việc cho thuê ghế ngồi, sọt tre - Ảnh: B.D.

"Luật chung" ở chợ

Phải đứng ở chợ rất lâu và quan sát kỹ, tôi mới nhận ra một đội quân chuyên "bế heo" cho các thương lái. Họ làm công việc "hậu cần" cho chợ heo này suốt hàng chục năm tồn tại của gian chợ đặc biệt này. Thú vị hơn, tất cả họ đều là phụ nữ lớn tuổi.

7h30 sáng, ông Huỳnh Văn Tánh chạy chiếc xe cũ chở phía sau một rọ sắt với 12 chú heo con mà ông gom được của một hộ gia đình ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông Tánh là người buôn heo lâu năm ở chợ Bà Rén và chẳng ngày nào mở chợ mà ông không có mặt. 

Chiếc xe vừa nổ bành bạch từ ngoài cổng chợ thì ba, bốn phụ nữ làm "phu heo" đã xông xáo chạy ra. Người tháo dây, người đỡ xe cho ông Tánh, người chạy tới đi lấy rọ tre để chuẩn bị đưa heo bày ra vị trí ông Tánh ngồi bán.

Vừa bước xuống khỏi yên xe, ông đi thẳng vào chợ làm chén trà cho tỉnh táo mà chẳng mấy bận tâm đến rọ heo của mình. Bởi suốt mấy chục năm nay đã diễn ra một lịch trình rất đều đặn như thế: xe heo đến chợ, việc của ông là giao dịch, nói chuyện với người mua. Còn hậu cần thì đã có người lo.

Trong khoảng 30 phút, hàng trăm chiếc xe máy chở heo đã trờ tới cổng chợ. Những lồng sắt, dây buộc, rơm lót cho heo la liệt lối vào. Phía trong chợ là cảnh người mua kẻ bán tấp nập, kế đó là chiếc bàn bán nước của người bán rong. Nhóm "phu bế heo" cũng vào việc hăng say, không còn cảnh tụm ba, tụm bảy nữa. Họ lao đi giữa chợ, hết đảo ngang rồi lại đảo chéo các lối đi để bế heo lên cân, dỡ heo từ trên xe xuống.

Một điều rất đặc biệt ở chợ heo Bà Rén là dù mua bán tấp nập, xe heo của thương lái đến chợ và rời đi liên tục nhưng chẳng bao giờ thấy cảnh tranh giành, nộ nạt nhau. 

Đem thắc mắc này hỏi người đàn ông làm quản lý chợ thì ông cười giòn: "Chợ heo này mọc lên và tồn tại ở Quảng Nam mấy chục năm nay nên chẳng ai đến chợ mà không biết rõ nhau. Có khi họ đều là người trong dòng họ. Chợ không chỉ có người mua, người bán mà thậm chí có cả... "cò". Mọi người dựa vào nhau mưu sinh, gắn bó với chợ hàng chục năm nên việc ai người đó làm".

Riêng đội ngũ làm "phu heo" gồm nhiều phụ nữ thì bà Trần Thị Thảo (thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1) được xem là "chị cả". Bà Thảo năm nay 60 tuổi, người nhỏ thó và gầy khô nhưng lại là người nhanh nhẹn nhất trong nhóm. Bà nói rằng mình 60 tuổi thì đã có 26 năm đứng ở chợ heo này kiếm sống.

"Công việc của tui là bồng heo xuống, sắp vô rọ cho chủ heo. Ai cần thì mình còn bồng heo con rồi đứng lên bàn cân. Khi cân cả heo và người xong thì đứng lên cân người lại để trừ lùi" - bà Thảo nói. 

Người "chị cả" của nhóm "phu heo" này cũng cho biết dù cùng nhau kiếm sống ở chợ hàng chục năm nhưng chưa một lần mấy chị em xảy ra cãi vã, tranh giành khách. "Chị em đều có mối riêng cả. Lúc không có khách, rảnh tay chân thì chị em xúm lại cùng làm. Đổ qua đổ về vậy cũng chẳng thiệt ai, nên không có ai suy nghĩ gì nhiều" - bà Thảo cười chia sẻ.

Bà Xưởng, một "phu heo", cho biết cứ mỗi con heo được bế xuống như vậy thì người buôn sẽ trả tiền công bế 500 đồng, heo lớn hơn thì 1.000 đồng. Những người bế heo còn "mở thêm dịch vụ" để có thu nhập: đó là mua ghế nhựa, rọ heo đan bằng tre rồi đặt ở chợ, ai có nhu cầu thì thuê. 

"Mỗi rọ heo tui cho thuê 5.000 đồng/buổi sáng, ghế nhựa thì 1.000 - 2.000 đồng. Tính cả tiền ẵm heo, tiền cho thuê ghế, rọ thì mỗi phiên chợ tui kiếm được trên dưới 100.000 đồng" - bà Xưởng nói.

Những đồng tiền lẻ đẫm mồ hôi

1 (17) be heo 4(read-only)

Mớ tiền lẻ mà những người bồng heo thuê kiếm được trong một buổi sáng - Ảnh: B.D.

Bà Trần Thị Thảo - một người trong nhóm "phu heo" - cho biết đa số chị em làm nghề này ở chợ là người không có ruộng nương, ra chợ riết rồi "quen". Chồng mất sớm, bà Thảo sống với người cha già cùng con trai mấy chục năm nay và lấy chợ heo làm nơi đong gạo mỗi ngày từ năm 1994.

"Mỗi ngày ra chợ tui kiếm được ít tiền, sáng đi tới trưa kết thúc phiên chợ, lận tiền ra thấy toàn tiền 500 đồng, 1.000 đồng chứ chẳng bao giờ có tiền "chẵn" 10.000 - 20.000 đồng. Tôi tích cóp lại để đong gạo, trang trải hằng ngày.

'Ngủ góp' giữa Sài Gòn

TTO - "Ngủ góp" là cách những người lao động tự do như mua bán ve chai, hàng rong, vé số... chọn ở tiết kiệm để mưu sinh giữa thành phố hiện đại. Có những người đã rời quê vào thành phố này mấy chục năm vẫn chọn cảnh đời "ngủ góp".

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên