Chiều 5-9, tỉnh Nghệ An có công điện hỏa tốc cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, ông Nguyễn Đức Trung - chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An - yêu cầu các địa phương, các đơn vị thực hiện việc cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5h sáng 6-9.
Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16h chiều 6-9.
Sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.
Nghệ An có 2.833 phương tiện và 13.638 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản.
Trong sáng 5-9, ông Nguyễn Văn Đệ - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đã tới kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại huyện Tân Kỳ và thị xã Hoàng Mai.
Ông Đệ yêu cầu các địa phương thực hiện phương châm "xanh nhà hơn già đồng", tập trung huy động máy gặt để thu hoạch diện tích lúa đã chín, gần chín trước khi bão số 3 đổ bộ.
Đối với diện tích lúa còn xanh, chủ động phương án tiêu úng cứu lúa kịp thời khi bão kèm theo mưa lớn có thể gây ngập lụt diện rộng. Các cảng cá, lực lượng biên phòng sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống với phương châm "bốn tại chỗ".
Nghệ An là tỉnh có nhiều hồ, đập lớn nhất của cả nước với hơn 1.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Trước dự báo là địa phương có mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận