07/05/2017 10:40 GMT+7

Ngày trở về quê Việt

ĐOÀN NHẠN - TẤN LỰC
ĐOÀN NHẠN - TẤN LỰC

TTO - Sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, đã nhiều lần Phạm Nguyễn Thanh Vincent (24 tuổi), quận Cam, California tìm về quê hương Việt Nam. Lần này anh trở về với một nhiệm vụ ý nghĩa.

Vincent (đứng) trao đổi bài với nhóm sinh viên sư phạm Anh - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Vincent (đứng) trao đổi bài với nhóm sinh viên sư phạm Anh - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

“Không chỉ dạy tiếng Anh, Vincent còn mang đến cho sinh viên và giáo viên ở đây nhiều điều mới mẻ và tâm lý tích cực” - thầy Trương Hữu Đẳng, hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị, giới thiệu về chàng trai Mỹ gốc Việt đang là “cơn gió lạ” của ngôi trường này.

Không chỉ kiến thức, đó là cảm hứng

Không quá lời khi thầy hiệu trưởng dành nhiều sự khen ngợi cho Vincent. Tham gia một tiết học của anh, chúng tôi nhanh chóng bị cuốn vào bài giảng không giáo án mà anh truyền đạt.

Thay vì chỉ truyền thụ kiến thức, lớp học của Vincent mang đến bầu không khí sôi nổi giúp học viên được thoải mái thảo luận, thuyết trình. Anh luôn biết cách khuấy động không khí lớp học với những câu chuyện hài hước và mấy trò chơi cực kỳ thú vị.

Cả buổi học, không ai rời mắt khỏi chàng trai có dáng người cao gầy nhưng rực lửa và đầy tự tin ấy.

Chuông báo hết giờ, nhiều bạn vẫn nán lại để nhờ giải đáp thắc mắc và trò chuyện với anh. Vincent nói các bạn là những giáo viên tương lai, điều các bạn cần không chỉ là kiến thức mà cần nhất sự hứng thú, đam mê với tiếng Anh và lòng nhiệt huyết với nghề mình đã chọn. Do đó, anh cố gắng tìm mọi cách để giúp những người theo học có thêm đam mê và cảm hứng.

Vincent chiếm trọn tình cảm của sinh viên bằng trái tim rộng mở. Hằng tuần sau giờ học, anh luôn thu xếp thời gian mời các bạn sinh viên đi uống cà phê giao lưu bằng tiếng Anh. Cùng học viên tham gia các hoạt động xã hội như phát cháo cho bệnh nhân, trò chuyện với nạn nhân bom mìn, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Bạn Hồ Thị Là, người dân tộc Pa Cô, là sinh viên lớp K19 Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị, chia sẻ: “Mình thích học tiếng Anh lắm nhưng vốn tiếng Việt quá ít nên học ngoại ngữ rất khó khăn. Vincent đã chỉ mình cách đọc từ vựng tiếng Anh dễ dàng nhất, truyền cho mình sự tự tin để nói tiếng Anh với mọi người. Biết cuộc sống mình khó khăn, thỉnh thoảng anh vượt cả trăm cây số lên thăm gia đình mình nữa”.

Cả ba anh em Vincent sinh ra tại Mỹ, dù cha mẹ anh đã cố gắng giữ tiếng Việt cho các con nhưng không thành công. Điều đó làm anh buồn lòng và nuôi ý chí học ngôn ngữ mẹ đẻ. Lần trở lại này hành trang anh mang theo là vốn tiếng Việt được học vỏn vẹn một năm trong trường ĐH dùng vào việc nâng cao khả năng tiếng Anh cho lớp giáo viên trẻ tương lai.

Dạy tiếng Anh bằng cách mới

Trên bức tường của căn phòng nhỏ trong ký túc xá nơi Vincent đang ở, những bức tranh vẽ kèm lời giới thiệu của từng học viên viết bằng tiếng Anh được anh treo lên tường đầy trân quý. Anh bảo đấy là cách giúp mình ghi nhớ ấn tượng ban đầu đối với từng sinh viên, biết về hoàn cảnh, sở thích, cuộc sống và cả những điều sinh viên tâm sự.

Vincent về với Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị đã hơn tám tháng. Tốt nghiệp ngành giáo dục - chính trị của Trường ĐH California hồi tháng 6-2016, anh tình nguyện tìm về quê cha đất tổ để làm “một điều gì đó thật ý nghĩa”. Từ sự sắp xếp của Bộ Ngoại giao hai nước và chương trình đưa tình nguyện viên đến các nước trên thế giới để giao lưu văn hóa, chia sẻ những cái mới trong giáo dục đã kết nối anh với Việt Nam.

“Mình được cho biết Quảng Trị là vùng còn khó khăn, sinh viên ít có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài nên hi vọng sự có mặt của mình sẽ có ý nghĩa hơn đối với họ” - Vincent nói.

Rút trong cặp ra những cuốn sổ nhỏ mà anh tự mua cho mỗi học viên để sau giờ học họ có thể viết nhật ký trao đổi về những điều muốn nói và anh sẽ phản hồi. Vincent bảo rằng điều đó khiến các bạn chủ động và hứng thú hơn trong việc học tiếng Anh thay vì đưa cho các bạn những chủ đề mang tính bắt buộc. Sự tương tác thường xuyên sẽ khiến kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của học viên tiến bộ hơn.

“Qua những cuốn sổ, mình hiểu thêm về cuộc sống của sinh viên Việt Nam và văn hóa nơi đây. Điều đặc biệt, nhờ quyển sổ này mình biết về hoàn cảnh nhiều sinh viên khó khăn qua từng dòng tâm sự và tìm cách giúp đỡ họ” - Vincent nói.

Sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh Trần Phan Trọng Ái (22 tuổi) cho biết: “Mình thấy may mắn khi gặp Vincent, ngoài phương pháp dạy hấp dẫn và hiệu quả, anh luôn tiếp thêm lửa cho mọi người. Những cái mới, cái hay mà Vincent học được giờ trở thành bài học quý giá cho sinh viên bọn mình”.

Hiện tại mỗi tuần Vincent dạy bảy buổi, vừa cho cả sinh viên và giáo viên bộ môn tiếng Anh của trường. Thấy lịch còn trống anh trực tiếp liên lạc với một trường tiểu học để thành lập thêm các câu lạc bộ tiếng Anh cho hàng trăm em nhỏ có môi trường giao tiếp.

Vui khi nói tiếng Việt

Trong câu chuyện say sưa bên ly cà phê cuối tuần, nhiều lúc Vincent cố tìm từ tiếng Việt để diễn đạt cảm xúc nhưng khá khó khăn, chúng tôi đề nghị có thể nói bằng tiếng Anh nhưng Vincent từ chối.

“Mình sẽ cố gắng nói bằng tiếng Việt vì việc trình bày một vấn đề bằng tiếng mẹ đẻ khiến mình rất vui và làm tăng thêm vốn tiếng Việt. Đây cũng là cách mình dạy các sinh viên về việc học tiếng Anh, dù nói chưa chính xác nhưng dám nói, không ngại nói sẽ giúp các bạn học tiếng Anh nhanh nhất” - Vincent nói.

ĐOÀN NHẠN - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên