(Kính tặng linh hồn ông ngoại, đại tá Phạm Đình Thương)
Phóng to |
Lăn lóc từ Hớn Quản (nay là Bình Long) về Bình Dương rồi Sài Gòn, xuống tận Long An, Cần Thơ… chỗ nào bà cũng dẫn mẹ tôi đến mưu sinh, chờ ông ngoại tôi...
Năm 1975, ông cùng Bộ tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng) vào tiếp quản một số đơn vị công binh cũ của chế độ Sài Gòn. Lúc bấy giờ ông ngoại mới đi tìm bà ngoại và người con gái. Ông cứ nghĩ rằng chắc "vợ con không còn sống". Nhưng không ngờ khi ông tìm về Gò Đậu, Bình Dương, Sông Bé, gia đình tôi đang lánh nạn ở đây, ông bà được hội ngộ sau mấy chục năm xa cách.
Rồi cả gia đình được ông đưa về sống ở Nhà máy Z.756 - nơi ông ngoại công tác. Mẹ tôi cũng được ông cho vào làm ở đây. Đến năm 1980, ngoại tôi về hưu, chỉ còn mẹ tôi. Dù ông ngoại lúc nào cũng đặt niềm tin và hi vọng vào mẹ tôi, gợi ý mẹ cố gắng phấn đấu vào Đảng, nhưng thời điểm đó phải lo "cơm áo gạo tiền" cho năm người con ăn học, mẹ tôi không còn nghĩ được đến chuyện gì khác.
Khi tôi ra trường, công tác tại Ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM, lúc ấy ông ngoại tôi cũng gần 80 tuổi. Hơn mấy chục năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, 60 năm tuổi Đảng, huân - huy chương kháng chiến cả hai thời kỳ của ông treo khắp nhà. Ông chỉ có mẹ tôi là người con gái duy nhất. Trong năm người con của mẹ, chỉ có tôi là con trai nên ông đặt hết hi vọng vào tôi. Ông tâm sự: "Cả đời ông theo Bác, theo cách mạng, dù có chết nhưng ông vẫn thanh thản vì cuộc đời của ông liêm khiết, chí công vô tư. Ông chỉ có mình con là cháu trai duy nhất. Ông hi vọng trước khi ông đi xa, con đứng vào hàng ngũ của Đảng….", rồi ông tiếp: "Tài và đức phải đi đôi, phấn đấu làm tốt công việc được giao, trong sạch, liêm khiết…".
Năm 1993 tôi được học đối tượng Đảng, nhưng vì trong lý lịch cha tôi theo vợ bé nên không xác minh được. Trong số người đi học đối tượng Đảng như tôi (khối văn hóa văn nghệ) cũng có nhiều văn nghệ sĩ bị lý lịch, có nhiều người cũng nản lòng. Tại cơ quan tôi có anh tài xế vì chờ đợi trên năm năm, họp đi họp lại hàng chục lần và cũng chẳng thấy tiến triển gì hết nên anh nộp đơn xin thôi. Riêng tôi vẫn tha thiết và tha thiết hết mình, lần họp chi bộ nào xong tôi cũng cố hỏi thăm thông tin, có người ậm ừ, có người nói "cố gắng phấn đấu em ạ”. Tôi không nản, vẫn phấn đấu và còn làm tốt hơn nữa. Chẳng có công việc nào tôi không đảm nhận.
Ông ngoại tôi phải lặn lội về quê để tìm những người bạn nhờ xác minh. Rồi chi ủy cũng nhiều lần tìm để xác minh. Tất cả mọi người đều xác nhận ba tôi trước đây có tham gia cách mạng, nuôi giấu cán bộ, những người hiện nay đang làm việc hoặc người về hưu đều xác nhận. Nhưng tôi vẫn không được kết nạp. Đến năm 1999, Ban Nội chính Thành ủy cho rằng lý lịch của tôi không có bị cản trở. Như vậy quá trình phấn đấu trong thời bình của tôi là… bảy năm.
Ngày kết nạp Đảng, 16-4-1999, tôi rất tự hào và vui sướng. Khi tôi về báo tin, ông ôm tôi vào lòng và nói: "Cố gắng cháu ạ, còn một năm thử thách nữa đấy…".
Ngày tôi là đảng viên chính thức, 16-4-2000, cũng chính là ngày ông đi xa. Đưa ông về Nghĩa trang TP.HCM theo lễ nghi quân đội, tôi vẫn ghi nhớ lời căn dặn của ông: "Cả đời ông theo Bác, theo cách mạng, dù có chết nhưng ông vẫn thanh thản vì cuộc đời của ông liêm khiết, chí công vô tư…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận