06/09/2015 13:07 GMT+7

Ngày khai giảng vẫn có thể làm khác mà, được không?

MINH THU
MINH THU

TTO - Sáng 5-9, Facebook ngập tràn hình ảnh lễ khai giảng. Hình ảnh của cha mẹ khoe con với quần áo đồng phục xúng xính. Hình ảnh cờ hoa cùng bóng bay rực rỡ.

Bạn đọc Minh Thu cho rằng việc thả những bong bóng bay này trong ngày khai giảng cũng là một sự lãng phí - Ảnh tư liệu

Cùng với cơ man hình ảnh selfie của cả thầy cô giáo và phụ huynh. 

Tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu phụ huynh hỏi con sáng nay con đi khai trường có vui không. 

Tôi, một người mẹ, thức dậy từ lúc 5g30 sáng chuẩn bị và ở trường cùng con từ 6g30 đến 10g, có đôi điều suy nghĩ.

Tôi hỏi anh phóng viên truyền hình, lễ khai giảng năm nay các trường có gì mới không, được trả lời rằng năm nào cũng như năm nào mà thôi. 

Phí tiền thả bong bóng ước mơ

Gần cuối buổi, như thường lệ là tiết mục thả bong bóng lên trời. Dù đã nộp riêng tiền quỹ phụ huynh đầu năm mỗi em 500.000 - 700.000 đồng, nhưng ở trường con tôi học, bố mẹ mỗi em phải mua một bong bóng bay đem đến. Mỗi cái bong bóng bay trị giá 10.000 đồng. Trường có 1.500 học sinh, nghĩa là đã "thả" 15.000.000 đồng bay lên trời.

Nếu một tỉnh nhỏ có khoảng 200 trường học, cứ nhân lên sẽ thấy số tiền đã thả lên trời. Sau đó không lâu số bong bóng này sẽ rơi xuống đất lại thành rác thải và rồi mất hơn 100 năm để phân hủy lại trong lòng đất. 

Bạn sẽ nói với tôi có chiếc bong bóng mua cho con chơi ngày khai giảng sao phải lăn tăn? 

Xin thưa, các em không được chơi bong bóng, cô giáo gom lại thành chùm lớn ngay từ đầu buổi, vì lý do đẹp đẽ của chương trình khai giảng là để thả ước mơ lên trời. 

Tôi không biết các em đang suy nghĩ và mơ ước gì lúc đó, nhưng các em không thể ngồi yên 3-4 tiếng đồng hồ (nên nhớ không phải trường học nào cũng có bóng râm đủ để các em ngồi). 

Đứng nắng, lộn xộn là bị phạt

Thấy thật thương những đứa bé ngoan ngồi im không nhúc nhích vì sợ cô giáo phạt. Một bà mẹ đứng ngoài chia sẻ: "Khu vực lớp con tôi ở phía bên cánh, không thấy sân khấu, nó vừa nhổm lên xem văn nghệ đã bị cô giáo dẹp trật tự bằng thước". 

Thầy cô giáo cũng vất vả về khâu trật tự từ hôm tổng dượt lễ, nói nôm na là khai giảng thử ngày 4-9. Đã là ngày khai trường sau phải thử, phải trù bị?

Đứa con trai lớn của tôi học THCS hôm qua đi khai giảng thử. Đi về nó mếu máo: "Mẹ ơi ngày mai cho con khỏi đi khai giảng được không, tụi con bị đứng sắp hàng mãi dưới nắng, lơ ngơ là bị thầy mắng vào mặt".

Tôi đã thuyết phục con hãy suy nghĩ tích cực, đứng dưới trời nắng cũng để có canxi thêm cao lớn, hãy hòa mình vào tập thể, đôi khi phải biết quên đi cái tôi bé nhỏ của mình.

Tôi đã không dám dạy cháu có suy nghĩ khác, dù ý kiến đó có thể đúng, có thể sai, để biến trẻ thành học sinh cá biệt ở trường học. 

Tôi vẫn tự hỏi tại sao trong ngày khai trường, chúng ta không dám làm khác đi? 

Thiết tưởng đa số các em không cần diễn văn, không cần văn nghệ, không cần bóng bay và hoa.

Hãy để các em hân hoan gặp bè bạn sau kỳ nghỉ hè xa thầy xa bạn.

Hãy để các em nghe một vài lời căn dặn của thầy hiệu trưởng như lời một người cha, trước khi háo hức bước vào lớp học.

Xin hãy làm sao để buổi khai giảng thành dịp để con cái chúng ta trở thành những đứa trẻ biết trân trọng thầy cô và trường lớp, trân quý chính bản thân mình.

Để từ đó các em thấy vui thú trong khi tìm đến bài học trong sách vở và cả trong cuộc sống giản đơn mỗi ngày.

Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Minh Thu. Bạn có đồng tình với ý kiến này? Bạn có chia sẻ nào về buổi khai trường của con, em mình? Hãy chia sẻ cùng TTO qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.

 

MINH THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên