06/09/2015 07:50 GMT+7

Lễ khai giảng ngắn gọn nhờ cắt giảm phát biểu

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TT - Một lễ khai giảng tuy đây đó vẫn còn những gợn nhỏ của kiểu cũ, nhưng cơ bản đã mang tinh thần đổi mới: ngắn gọn, xúc động và là ngày hội của thầy trò!

Niềm vui của học sinh vùng sâu khi nhận được chiếc cặp mới nhân ngày khai giảng - Ảnh: THÚY HẰNG

“Lễ khai giảng ở trường con tôi chỉ diễn ra trong 45 phút, không có bài phát biểu dài lê thê, không xếp hàng đón lãnh đạo, cũng thấy hài lòng”, một phụ huynh ở Hà Nội đã viết trên Facebook như vậy.

Một giờ cho học sinh

Ở Trường tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội, mặc dù có khách mời là lãnh đạo cấp trên đến dự nhưng các em học sinh không phải đến sớm.

7g15 học sinh đến đông nhưng các em vẫn vui chơi trong sân trường khi đoàn khách mời tới. Đúng 7g30 các em mới xếp hàng chỉnh tề chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng các trường tại Hà Nội đều cho biết “đã điều chỉnh kịch bản khai giảng” sau khi có chỉ đạo của ngành GD-ĐT. Những nếp cũ mang tính hình thức đã được lược bớt. Đặc biệt, ở hầu hết các trường không còn phần đại biểu thay nhau lên phát biểu.

Thời gian của buổi khai giảng được nhường lại cho học sinh: trao thưởng cho học sinh có kết quả học tập tốt, biểu dương các cựu học sinh của trường có thành tích học tập; trao quà, chia sẻ động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó...

Ở một số trường tại Hà Nội, các hiệu trưởng đã thay thế bài diễn văn liệt kê thành tích của nhà trường, của ngành GD-ĐT bằng các bài nói chuyện ngắn gọn, gần gũi, chân thành dành cho học sinh.

Thật bất ngờ khi ở một số trường, thầy cô hiệu trưởng dành thời khắc quan trọng trong ngày đầu năm học mới để nhắc nhở học sinh “đừng vứt rác bừa bãi”, “hãy biết giúp đỡ bạn bè, với tinh thần nhường cơm sẻ áo”, có hành động thiết thực động viên các học sinh vùng bị thiệt hại do bão lụt hay hướng về các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo quê nhà...

Sáng 5-9, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - đã đến dự lễ khai giảng và tuyên dương khen thưởng học sinh xuất sắc năm học 2015 - 2016 của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Ông Lê Thanh Hải đã cùng các thầy cô và học sinh của trường thực hiện nghi thức dâng hoa lên tượng đài cố tổng bí thư Lê Hồng Phong. Ông Hải cũng đánh hồi trống khai trường khi nhiều chùm bóng bay được các em học sinh thả lên bầu trời, gửi theo mong muốn về một năm học nhiều thắng lợi.

Năm nay rất nhiều trường chọn các màn múa hát, nhảy tập thể để 100% học sinh đều tham gia. Những màn nhảy múa không cầu kỳ, vui tươi, kết nối thầy cô với trò, trò với trò đã tạo nên không khí mới mẻ cho ngày khai giảng năm nay.

Sáng 5-9, tại lễ khai giảng của Trường tiểu học Trưng Vương (P.2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), phần lễ chỉ diễn ra trong 30 phút, sau đó là múa lân, các tiết mục văn nghệ do học sinh của trường biểu diễn và cuối cùng là tổ chức sân chơi cho học sinh: chơi kéo co, nhảy bao bố...

Riêng phần lễ, trường này đã cắt giảm ba phát biểu chính gồm: phát biểu của hiệu trưởng, phát biểu của đại biểu UBND TP và phát biểu của đại diện phụ huynh học sinh.

Theo một phó hiệu trưởng Trường Trưng Vương, mỗi phát biểu nói trên có độ dài khoảng hai trang giấy, thông thường trình bày hết cũng phải mất ít nhất 5-7 phút cho mỗi người.

“Do cắt giảm hầu hết các phát biểu, nên cảm nhận chung là học sinh thích thú khi được vui chơi nhiều hơn. Riêng thầy cô, phụ huynh thì cảm nhận được buổi lễ ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng” - vị phó hiệu trưởng trường này nhận định.

Háo hức, vui mừng, bỡ ngỡ là những cảm xúc của học sinh dự lễ khai giảng tại Trường TH Hồng Sơn (P.Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An). Lễ khai giảng tại trường này diễn ra ngắn gọn trong 30 phút, nhưng vẫn tạo không khí phấn khởi cho học sinh với phần phát biểu của hiệu trưởng, đọc thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước, chào đón học sinh vào lớp 1, và các tiết mục văn nghệ của thầy trò nhà trường. 

Do trời nắng nóng nên các cô giáo phải liên tục đưa học sinh vào bóng cây xanh để tránh nắng. Nhiều phụ huynh vào tận sân trường để theo dõi lễ khai giảng của con. Vừa thích thú nhún nhảy và hát theo các bài hát của anh chị trên sân khấu, em Phạm Thị Ánh Linh (học sinh lớp 1) nói: “Con thích hôm nay vì có nhiều bạn múa hát hay”.

Ngày khai giảng xúc động

Buổi lễ khai giảng năm nay ở Trường THCS & THPT Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đặc biệt ý nghĩa với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo khi ông Trần Văn Rón - bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long - và bạn bè là cựu học sinh của trường đến thăm, tặng quà, động viên các em.

50 phần quà là 50 chiếc xe đạp đã được trao tận tay cho các em học sinh khó khăn, hằng ngày đi bộ đến trường hoặc phải đi nhờ xe của bạn. Sự háo hức thể hiện rõ trên gương mặt những đứa trẻ trước nay chưa từng có một chiếc xe đạp của riêng mình.

Theo chân cháu đến trường để tận mắt chứng kiến cháu được nhận xe đạp mới, bà Nguyễn Thị Tụy (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) run run nói: “Mừng suốt đêm không ngủ được, còn hơn ai cho tui mấy chỉ vàng nữa. Hồi tối này nó về nói được cho chiếc xe, tui cứ sợ nó nghe lộn, mai ra không được lãnh là nó buồn lắm”.

Cũng trong sáng 5-9, các mạnh thường quân mời 50 học sinh của Trường TH Phú Quới A đến gặp gỡ tại Trường THCS & THPT Phú Quới để tặng quà trong ngày khai giảng.

Ôm chặt trong tay những chiếc cặp hình siêu nhân, hình công chúa, các cô cậu học trò nhỏ nhắn nở nụ cười tươi rói, làm ngày khai giảng thêm phần ý nghĩa.

Cách nội thành TP.HCM khoảng 40km, không khí ngày khai giảng ở Trường TH Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) khác hẳn với những trường khu vực quận 1, quận 3. Mới hơn 6g sáng 5-9, sân Trường TH Lê Minh Xuân 3 đã rộn rã tiếng nói cười của học sinh đến dự lễ khai giảng sớm. Nhiều học sinh mặt lấm lem, quần áo cũ kỹ nhưng vẫn hớn hở, háo hức chơi đùa ở sân trường.

Học sinh cứ lục tục kéo đến mỗi lúc một đông. Có em đi bộ, có em đi xe đạp nhưng phần lớn là di chuyển bằng xe buýt (trợ giá của TP - vì nhà xa trường 5-10km), hiếm hoi lắm mới có học sinh được ba mẹ đưa đón. Sau chuyến xe buýt đầu tiên, học sinh đông hơn hẳn.

Sân trường bắt đầu náo nhiệt với hàng loạt trò chơi, từ ô ăn quan, mèo bắt chuột, đến chọc ghẹo nhau, ngắm nhìn chiếc áo mới hay chỉ là việc chia sẻ nhau chai nước uống... Các em vui thích với những chiếc bóng bay đủ màu sắc vừa được cô giáo chia. “Đi khai giảng là được bóng bay, thích lắm cô”, nhiều học sinh đồng loạt giơ bóng bay lên khoe.

“Học trò ở đây nghèo lắm, dân tại chỗ chủ yếu là nông dân, dân nhập cư thì không có công việc ổn định. Nhà nhiều em nát bươm, phòng trọ thì toàn làm bằng tôn phế liệu, nên lắm gia đình chỉ có 10.000 đồng cũng không gắng thêm được để cho con ăn bán trú tại trường” - một giáo viên khối lớp 3 chia sẻ.

Ngồi bên gốc cây xà cừ trong sân trường, Võ Hồng Duy (lớp 4/2) tay mân mê bộ đồng phục vừa được ban đại diện cha mẹ học sinh tặng. Duy mặc một chiếc áo sờn cũ, màu áo trắng bạc phếch. Hỏi ra mới biết “áo này của con từ hồi... lớp 1”.

Còn Huỳnh Gia Lộc, một bạn học cùng lớp của Duy, thì khoe: “Con có dây nịt mới nè...”. “Duy, Lộc có đồ mới rồi, sướng nhé!”, mấy bạn cùng lớp khoác tay nhau cùng xếp hàng để lên xe buýt về nhà sau buổi lễ khai giảng. Niềm vui đong đầy những ánh mắt trẻ thơ. 

Ngẩng cao đầu và giữ cho trái tim mình rộng mở

“...Nhà trường đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất có thể để các em bước vào năm học mới, và bây giờ các em phải tự nắm bắt cơ hội phát triển năng lực bản thân. Tất nhiên các em sẽ đối mặt với những thử thách mới. Điều cô mong muốn là các em hãy đối mặt với thách thức bằng lòng can đảm và sự kiên trì. Đừng vì một chút khó khăn trước mắt mà từ bỏ môn chuyên mà mình đã chọn, đã thi, đã trúng tuyển và đang theo học. Các em hãy ngẩng cao đầu và giữ cho trái tim mình rộng mở để vượt qua thử thách. Ngôi trường này, thành phố này, đất nước này không thể phát triển nếu các em chỉ biết sống cho qua ngày, học cho qua ngày.

Cô mong các em sẽ biết định hướng tương lai và hãy tin tưởng vào bản thân mình. Cô rất thích câu nói của một vị hiệu trưởng đã từng khuyên học sinh của mình và cô muốn nói lại với các em: Dám thất bại, dám mạo hiểm và hãy ghi nhớ rằng người đầu tiên đi xuyên qua tường đều phải chịu đau!”.

(Trích bài phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của cô Nguyễn Thị Yến Trinh - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

 

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên