Anh Hưng thường thổi sáo và hát bài Tình nhi nữ mà trước kia anh hay hát cho vợ nghe để ru con ngủ - Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Những ông bố bỉm sữa không quan tâm điều tiếng, chỉ quan tâm đến việc sống cuộc đời của gia đình mình tốt nhất, hạnh phúc nhất, vì tình yêu với vợ con mà thay vợ pha sữa, thay bỉm, ru con ngủ, đút con ăn…
Ông bố bỉm sữa
Một năm qua, một ngày của ông bố "con nhà võ" (anh Đặng Quang Hưng đã tập Aikido nhiều năm) xoay quanh cậu con trai: sáng thức dậy lúc 5 giờ 30 sáng nấu ăn cho con, nấu bữa trưa cho vợ mang theo đi làm, 7h sáng đón con dậy, vệ sinh, cho con ăn sáng, chơi với con, cho con ăn trưa, tắm cho con, ru con ngủ.
3-4h chiều, anh đưa con ra công viên chơi. "Nó dắt tay mình đi tới công viên luôn. Ở công viên cũng gặp các chị ẵm con đi chơi, cũng nói chuyện, hỏi han. Cũng có các ông bố nhưng mà họ thường đi chung với vợ", anh kể.
Mẹ bé Hy mong muốn con trai sẽ kính trọng trái tim rộng lớn của người đàn ông ru con ngủ mỗi khi mẹ vắng nhà - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hy là bé trai 1 năm 8 tháng tuổi. Từ lúc Hy 6 tháng tuổi, anh Hưng (29 tuổi, ngụ quận 9) đã trở thành ông bố bỉm sữa chính hiệu, ở nhà chăm sóc, pha sữa, cho bú, ru ngủ, dỗ dành, ẵm Hy ra công viên chơi mỗi buổi chiều.
Trong mắt và trong tim vợ, anh Hưng là những người đàn ông mạnh mẽ nhất khi họ mạnh mẽ đi ngược định kiến, mạnh mẽ yêu thương và chọn việc khó - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bình thường anh sẽ hát ru con ngủ. "Ảnh chỉ hát đúng một bài từ lúc thằng nhỏ lọt lòng tới giờ, là bài Tình nhi nữ trong Tây Du Ký. Hát nhiều đến nỗi bà ngoại bảo là tại thằng nhỏ nghe riết chán quá nên phải đi ngủ thôi", chị Hải Thi (29 tuổi) - vợ anh - hài hước kể.
Cha và con - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sáu tháng đầu của con, vợ vẫn trong thời gian nghỉ sản, anh vẫn đi làm công việc quản trị tại một công ty về xây dựng. Đã làm công việc nhiều năm, mọi thứ đang rất ổn định nhưng khi con được gần 4 tháng, hai vợ chồng anh bắt đầu tính toán xem ai đi làm, ai ở nhà.
"Ba năm ở tuổi 20 cũng rất quan trọng cho tập trung phát triển sự nghiệp của cả hai. Ba năm đầu đời của con cũng chính là nền tảng quyết định hình thành nhân cách, gắn kết của con với gia đình.
Nhưng giá trị nào cũng cần sự vun đắp. Vợ chồng tôi cùng suy nghĩ rằng gia đình vững vàng thì từ từ mình vun đắp sự nghiệp.
Gia đình nhỏ của Hưng và Thi - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vợ làm truyền thông, nghỉ làm 2-3 năm đi làm lại sẽ rất khó khăn. Còn tôi hiện tại vẫn đi luyện võ 2-3 tiếng buổi tối được khi vợ đi làm về. Tôi thích võ thuật, muốn tập luyện để sau này sẽ theo đuổi đam mê này", Hưng chia sẻ.
Học cùng trường cấp ba, sau đó gặp lại nhau ở lớp võ Aikido và thành đôi, sau khi kết hôn thì ở chung với bà ngoại và cũng cách nhà nội không xa, nhưng ba mẹ cu Hy hạ quyết tâm không làm phiền đến hai bà.
Ông bà đã hy sinh cả đời vì ba mẹ, không thể để ông bà tiếp tục hy sinh những năm ngắn ngủi còn lại của tuổi già vì cháu. Vì con là do ba mẹ đưa đến cuộc đời này, nên nếu cần phải hy sinh, đó sẽ chính là mẹ, là ba, chứ không phải ông bà, hay chính bản thân con. Nếu thuê vú em thay cho vòng tay ba mẹ, chẳng phải đã đẩy phần thiệt thòi, phần hy sinh cho con đó sao. Và trên hết, vì ba mẹ yêu con. Nên ba nghỉ, hay sắp tới là "đến phiên" mẹ nghỉ, đều là quyết định thuận theo trái tim và thực hiện trách - nhiệm - phải - có.
Chị Hải Thi - mẹ cu Hưng
Hưng bảo khi xin nghỉ, sếp của anh cũng khuyên: ở nhà chăm sóc con cho vợ đi làm sau này sẽ phát sinh nhiều chuyện. "Nhưng tôi và vợ đã chia sẻ với nhau rất nhiều. Hai vợ chồng sẽ thay nhau nghỉ làm trông con cho đến khi con ba tuổi. Tôi cũng không quan tâm người khác nghĩ gì. Bạn bè hỏi thăm thì trả lời thôi", Hưng nói.
Ông bố ngành tâm lý nghỉ việc chăm con
Con trai bắt chước bố làm mọi thứ - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cặp bố con Alex (18 tháng) - Duệ Hy (quận 1) cũng khiến người khác phải thay đổi quan điểm về các ông bố bỉm sữa khi đảm nhiệm vai trò bỉm sữa từ lúc con mới sinh ra.
Chị Pepper (33 tuổi) đang mang bầu đứa con thứ hai kể về chồng đầy trân trọng: "Tôi sinh mổ, lại ngay thời điểm bố mẹ hai bên không thể phụ chăm sóc nên một tay ảnh làm hết, chăm cả vợ lẫn con". Suốt hai tuần đầu tiên, Alex là người cứ 2 tiếng lại thức dậy, bất kể ngày hay đêm, cho con bú bình, kiểm tra bỉm và trở đầu cho con.
Ông bố trẻ chăm con rất cẩn thận - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong điện thoại của chị đầy những bức ảnh ông bố trẻ xoay trần cho con bú, thay tã, cuốn con ngủ, chơi đùa với con, tắm rửa từ lúc bé còn quấn tã. Đến khi con lớn, thì cũng quấn bố hơn mẹ, bắt chước bố làm đủ trò.
"Nguyên tháng đầu tiên, ảnh hầu như không làm việc để chăm con. Ảnh tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý trẻ em ở New Zealand, sau đó về Việt Nam làm việc nên cũng rất hiểu tâm lý con trẻ, chăm con và dạy con rất khéo. Ảnh là người tập cho con ngủ một mình, ngủ xuyên đêm, học cách nấu đồ ăn dặm cho con. Tôi hầu như chỉ là ‘bình sữa" của con, phụ ảnh chăm con", chị kể.
Hai bố con vào siêu thị - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau sinh, chị bị trầm cảm, ‘nhiều lúc ngồi khóc như con điên". Chồng lại là người gọi điện về cho mẹ anh hỏi cách nấu các món canh, thuốc bắc cho chị bồi bổ và trò chuyện với chị.
"Ảnh biết tập cho con ợ hơi sau khi bú. Mình cũng bắt chước làm theo nhưng không làm được. Khi con khóc, ảnh cũng là người hướng dẫn vợ khi nào thì cần dỗ con, khi nào cần ‘bỏ mặc’ con để con không học thói quen quấy khóc vô tội vạ", chị chia sẻ.
Vợ chồng anh Alex - chị Pepper và con trai - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đến giờ, khi con đã lớn hơn, đã biết "bắt chước bố vừa đi vừa chắp tay sau đít", hai vợ chồng chia sẻ thời gian chăm sóc con và cùng làm việc. "Cả hai vợ chồng đều làm trong ngành tâm lý tại công ty riêng của cả hai, tự sắp xếp công việc, cắt bớt hầu như hơn một nửa thời gian làm việc so với trước đây để cùng nhau nuôi dạy con khi con còn nhỏ", Pepper chia sẻ.
Các sáng trong tuần chị và chồng đều dành thời gian chơi với con, ăn trưa cùng con, buổi chiều cả hai bắt đầu làm việc, "chỉ có cuối tuần nhận đứng lớp nhiều hơn".
Đi đâu xa cùng nhau, Alex cũng đều giành phần trông con - Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Những điều này có lẽ chồng tôi được thừa hưởng từ ba chồng tôi, người sẵn sàng xắn tay áo chăm con, nấu nướng, biết mỗi đứa con thích ăn món gì nhất. Nhờ có ảnh mà tôi mặc dù trầm cảm sau sinh cũng phục hồi rất nhanh, chỉ tuần thứ 4 là đã có thể ngồi quán cà phê tư vấn tâm lý cho khách hàng", chị kể.
Là một nhà tâm lý học, Pepper cũng chia sẻ rằng thời gian con 0-3 tuổi, cha mẹ cần gần gũi, chăm sóc con, trò chuyện với con, ưu tiên thời gian cho con để hình thành sự gắn kết. "Về sau khi đến giai đoạn tuổi teen thì nhờ có gắn kết mà con mới chia sẻ với mình những quyết định lớn, khó khăn của nó", chị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận