Hôm nay 28-6, thí sinh tiếp tục làm bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc bài thi khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) buổi sáng. Trong buổi chiều, thí sinh sẽ làm bài thi môn ngoại ngữ.
Khác hẳn các kỳ thi trước
Sau hai buổi thi đầu tiên trong ngày 27-6, phần nhiều thí sinh tại TP.HCM rất vui vẻ, tươi tắn tại các điểm thi, khác hẳn với những áp lực vốn có của kỳ thi này trước đây.
Với buổi thi môn ngữ văn, đa số thí sinh rất hào hứng vì làm được bài. Huỳnh Triệu Thanh Tâm - học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm - cho biết đề thi tương đối đơn giản. Đoạn thơ trong bài Đất nước và nội dung yêu cầu phân tích khá quen thuộc.
Phần đọc hiểu văn bản rất dễ nắm bắt ý, có thể trả lời các câu hỏi nhanh chóng. "Phần đọc hiểu văn bản và phần nghị luận văn học lại liên quan với nhau, cùng về chủ đề Tổ quốc nên đề thi rất có tính liên kết, nhờ vậy mình nghĩ dễ làm hơn", Tâm nói.
Ở phần nghị luận xã hội, Thảo Uyên - học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) - cho biết vấn đề đặt ra khá hay và sát với thế hệ gen Z. Uyên nói nhiều người hay nói gen Z có những nét rất đặc trưng. Mỗi bạn trẻ lại mong muốn thể hiện những cá tính riêng của mình.
"Đề văn này mình thấy vô cùng gần gũi, thí sinh có thể thỏa sức đưa ra những nhận định của mình", Thảo Uyên cho biết.
Với buổi thi môn toán, phần nhiều thí sinh nói đề thi không khó. Quỳnh Như - học viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3 (TP.HCM) - cho biết đề thi khá vừa sức của mình.
30 câu đầu ở mức cơ bản với các dạng tương tự như đề ôn tập nên bạn gần như có thể làm chính xác toàn bộ. Từ câu 30 đến 40, mức độ khó tăng dần. Từ câu 40 trở đi, đề ở mức phân loại cao. "Mình nghĩ có thể đạt được 7 điểm với đề thi này", Như nói.
Thi nhẹ nhàng vì đã trúng tuyển
Trong ngày thi đầu tiên, tại nhiều địa điểm thi chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp thí sinh xem kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng nhẹ nhàng như một kỳ thi học kỳ, vì đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở các trường đại học.
Bản thân Quỳnh Như ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3 cũng đã trúng tuyển Trường ĐH Văn Lang nên lần này dự thi tốt nghiệp chỉ để xét tốt nghiệp. Mục tiêu này gần như trong tầm tay.
Tương tự, Lê Tuấn - học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - cho biết trước khi thi tốt nghiệp, bạn đã trúng tuyển ngành kinh doanh quốc tế Viện ISB, ĐH Kinh tế TP.HCM. Bạn cảm thấy rất thoải mái vì chỉ cần tốt nghiệp là đủ. Nhiều bạn bè của Tuấn cũng thi tốt nghiệp THPT với tâm thế nhẹ nhàng như thế.
Theo Tuấn, đây là một trong những điểm khác biệt rất dễ nhận thấy giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây so với những năm về trước.
Do các trường ĐH xét tuyển bằng nhiều phương thức, trong đó có các phương thức xét tuyển sớm, nên các thí sinh không đổ dồn vào một phương thức xét tuyển duy nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhờ vậy rất nhiều thí sinh được cởi bỏ áp lực trong kỳ thi này.
Tại điểm thi Trường THPT Colette (TP.HCM), ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ quận 3 - phụ huynh có con thi tại điểm thi này - cho biết con ông đã nhận được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển của nhiều trường như Trường ĐH Kinh tế - Tài chính, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Văn Lang và ĐH Kinh tế TP.HCM.
Ngoài ra, con ông thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đạt 761 điểm, "rộng cửa" vào thêm được nhiều trường ĐH khác.
"Vì thế con tôi thi kỳ thi này không áp lực. Con xác định cố gắng làm hết mình, nếu điểm cao thì có thể xét thêm vào Trường ĐH Ngoại thương, còn không có thể vào những trường đã trúng tuyển", ông Tâm nói.
Nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh
Tại Hà Nội, nơi có hơn 100.000 thí sinh, đông nhất cả nước với gần 200 điểm thi, ngoài hơn 15.000 cán bộ, giáo viên tham gia công tác giám thị, giám sát, còn có nhiều lực lượng khác tham gia kỳ thi: nhân viên y tế, công an, điện lực và trên 5.000 sinh viên tình nguyện.
Thành Đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội đã chuẩn bị hơn 38.000 phần quà tiếp sức, 2.600 thùng nước tăng lực, 10.000 quạt cầm tay... cùng nhiều phần quà, bánh kẹo để tiếp sức sĩ tử.
Hơn 30 tấn hàng được vận chuyển về 196 điểm thi của TP để hỗ trợ thí sinh và người nhà trong ngày thi đầu tiên. Sinh viên tình nguyện Hà Nội cũng có các nhóm "xe ôm 0 đồng" sẵn sàng lên đường để đón thí sinh trong các tình huống gấp gáp.
Hình ảnh những thí sinh bị thương được các anh, chị tình nguyện viên dìu, cõng vào phòng thi mang đến cảm xúc ấm áp cho thí sinh trong ngày đầu tiên của kỳ thi này.
Tại các tỉnh phía Bắc, việc hỗ trợ thí sinh ở các địa bàn khó khăn là nhiệm vụ quan trọng. Các địa phương đều có phương án cụ thể. Trong đó những học sinh ở địa bàn khó khăn về giao thông, nhà cách xa điểm thi đều được hỗ trợ bố trí chỗ ăn, nghỉ tại điểm thi hoặc được hướng dẫn tìm nhà trọ giá rẻ.
Nhiều trường dân tộc nội trú đã huy động cán bộ, giáo viên không phải làm nhiệm vụ ở điểm thi tổ chức nấu ăn, chăm sóc thí sinh trong suốt các ngày diễn ra kỳ thi.
Tặng bạn đọc phụ trương gợi ý bài giải
Trong số báo hôm nay, báo Tuổi Trẻ dành tặng bạn đọc bốn trang phụ trương gợi ý bài giải môn văn và toán. Phụ trương bài giải các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ cũng được tặng bạn đọc trong số báo ngày mai. Bên cạnh đó, sau mỗi môn thi mời bạn đọc đón xem gợi ý giải các môn thi trên tuoitre.vn.
Đón xem điểm thi tốt nghiệp THPT trên Tuổi Trẻ
Bộ GD-ĐT dự kiến công bố điểm thi tốt nghiệp THPT vào 8h ngày 17-7-2024. Thí sinh có thể xem điểm nhanh tại https://tuoitre.vn/diem-thi.htm hoặc tại trang quản lý thi của bộ.
Bên cạnh đó, ngày 20-7 báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển với sự tham gia của hàng trăm trường ĐH, CĐ, đơn vị giáo dục trong và ngoài nước.
Chương trình diễn ra tại khuôn viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (quận 10, TP.HCM) và khuôn viên ĐH Bách khoa Hà Nội, vào cửa tự do, mời phụ huynh và thí sinh tham gia.
Bộ GD-ĐT: đề thi văn đã được bảo mật tuyệt đối
Ngay sau khi có thông tin hoài nghi về việc nhiều thí sinh "trúng tủ", Bộ GD-ĐT đã yêu cầu hội đồng ra đề thi báo cáo.
Hội đồng ra đề thi của Bộ GD-ĐT cho biết: đề thi môn văn được ra đúng với cấu trúc, định dạng đã được công bố, có sự phân phối hợp lý giữa phần thơ và phần văn.
Phần đọc hiểu của đề thi bàn về sự sáng tạo và trách nhiệm của người nghệ sĩ, những yếu tố tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại; không trùng với những suy đoán trước đó.
Về câu nghị luận xã hội (phần làm văn), dù vào chủ đề gì cũng luôn yêu cầu thí sinh phải có liên hệ thực tiễn, nêu được suy nghĩ, tình cảm, nhận xét, trách nhiệm của mình đối với vấn đề đó nhằm bảo đảm tính thực tiễn, định hướng giáo dục, bồi đắp tâm hồn, nhân cách mà nhiều tài liệu, tác phẩm... đều hướng tới.
"Đề thi môn ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối", hội đồng ra đề khẳng định.
Môn văn: thí sinh dễ dàng đạt 5 điểm
Theo thầy Trương Minh Đức - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), đề văn năm nay phân hóa khá tốt, nhất là câu 3, 4 phần đọc - hiểu và phần nghị luận xã hội.
Đề thi còn có sự thống nhất theo một chủ đề, nếu học sinh khá sẽ phát hiện ra và lấy đó làm điểm kết nối. Đây chính là điểm thú vị của đề thi năm nay.
Nhìn chung đề thi này không có câu hỏi đánh đố, thí sinh trung bình sẽ dễ dàng đạt được 5 điểm để tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó đề thi cũng tạo "đất" cho các học sinh giỏi thể hiện khả năng và sự sáng tạo của mình.
Môn toán: khó hơn năm 2023
Theo thầy Lê Cường - giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đề thi toán năm nay cũng có cấu trúc như mọi năm với năm câu thuộc chương trình lớp 11 hỏi về tổ hợp, xác suất, cấp số, góc và khoảng cách còn lại đều thuộc chương trình lớp 12.
So với năm trước, đề thi năm nay khó hơn. Thí sinh có sức học trung bình có thể làm khoảng 30 đến 35 câu, tức là 6 điểm đến 7 điểm.
Học sinh giỏi có thể đạt điểm 8 hoặc hơn, còn để làm hết đề, đặc biệt với năm câu ở mức độ vận dụng cao thì học sinh phải học nhiều. Đây cũng là câu lạ, mang tính đánh đố học sinh nếu học sinh không học thêm và không tự tìm tòi tốt thì không thể làm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận