10/07/2021 08:55 GMT+7

Ngày đầu áp dụng chỉ thị 16: Chính quyền kiên quyết, người dân đồng tình

ĐAN THUẦN - MINH HÒA
ĐAN THUẦN - MINH HÒA

TTO - Trong ngày đầu TP.HCM, Đồng Nai, Nha Trang áp dụng chỉ thị 16, những kỳ vọng của chính quyền về việc người dân sẽ chia sẻ, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng cách hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà đã có được sự thay đổi lớn.

Ngày đầu áp dụng chỉ thị 16: Chính quyền kiên quyết, người dân đồng tình - Ảnh 1.

Hạn chế đi lại là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn dịch lây lan ra cộng đồng - Ảnh: NHẬT THỊNH

Tại TP.HCM, đường sá vắng người nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động.

Lực lượng chức năng các quận hiện nay cùng lúc thực hiện rất nhiều nhiệm vụ phòng chống dịch, nếu người dân chấp hành tốt thì chúng tôi sẽ giảm được nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận NGUYỄN ĐÔNG TÙNG

Nhiều biện pháp hạn chế người dân ra đường

Ngoài 12 chốt chính ở các cửa ngõ TP.HCM, trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện cũng lập nhiều chốt tại các tuyến đường trọng điểm để kiểm soát. Tại các chốt, lực lượng công an, quân sự, nhân viên y tế... túc trực để kiểm tra lý do ra đường của người dân.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại quận Phú Nhuận, từ sáng sớm 9-7 cơ quan chức năng quận này đã triển khai các chốt kiểm soát trên nhiều tuyến đường trọng điểm và các tổ cơ động xử lý vi phạm quy định phòng chống dịch. 

Theo UBND quận Phú Nhuận, có 68 chốt kiểm soát được thành lập với 478 thành viên được huy động để kiểm tra việc chấp hành của người dân. 

Tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm - Thích Quảng Đức, mọi người dân đi qua đều được kiểm tra các giấy tờ liên quan. Những trường hợp chứng minh được mình đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc diện được phép hoạt động thì được qua chốt, còn không phải "quay xe".

Ông Huỳnh Văn Vũ - chủ tịch UBND phường 4 (quận Phú Nhuận) - cho biết: "Ngày đầu chúng tôi tập trung tuyên truyền, nhắc nhở, ngày hôm sau nếu người dân đi ngang chốt nhưng không chứng minh được lý do chính đáng sẽ bị phạt nghiêm". 

Ông Nguyễn Đông Tùng - chủ tịch UBND quận Phú Nhuận - cũng thông tin quận đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm kêu gọi người dân ủng hộ quyết định của chính quyền TP, chấp hành nghiêm quy định giãn cách.

"Qua ngày đầu thực hiện chỉ thị 16, có thể nhận thấy phần lớn người dân và doanh nghiệp đồng thuận thực hiện cách ly xã hội, tạm ngưng kinh doanh và hạn chế ra đường. 

Đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực để đồng hành cùng chính quyền trong việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trên địa bàn" - ông Tùng nhận định.

Tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ngay chân cầu An Phú Đông (nối quận 12 và quận Gò Vấp) vào chiều cùng ngày, tất cả xe máy và ôtô qua chốt đều được dừng xe, kiểm tra ra đường vì mục đích gì, nếu không có lý do chính đáng sẽ không được qua chốt và yêu cầu quay đầu.

Lý giải về trường hợp này, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) tại chốt giải thích: "Các mục thiết yếu theo chỉ thị 16 UBND TP.HCM đã giải thích rõ, các trường hợp thật sự cần thiết ra ngoài là mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu...". 

Chiến sĩ CSGT cho biết thêm hiện tại chốt kiểm tra người dân và chủ yếu làm công tác vận động người dân nên ở nhà và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết theo quy định.

"Vẫn có một số người cố tình đi ra đường, khi tới chốt cứ trình bày, viện nhiều lý do" - chiến sĩ CSGT nói.

Ngày đầu áp dụng chỉ thị 16: Chính quyền kiên quyết, người dân đồng tình - Ảnh 3.

Dữ liệu X.MAI - Đồ họa T.ĐẠT

Chính quyền hỗ trợ nhưng không xuê xoa

Ngoài một số người dân viện nhiều lý do để ra đường, ghi nhận vẫn còn người làm ở các công ty không nằm trong mục được phép hoạt động theo chỉ thị 16 nhưng cũng cấp giấy xác nhận cho nhân viên qua chốt. Với những người hợp này, CSGT xem xét kỹ giấy xác nhận và cũng yêu cầu quay lại.

Trong khi đó, nhằm hỗ trợ người dân thực hiện tốt chỉ thị số 16 cũng như hạn chế ra đường, văn phòng UBND quận 1 đã thực hiện chuyển hóa ứng dụng GOBUS trên điện thoại thông minh để giúp người dân tiện theo dõi bản đồ dịch tễ và cung cấp các địa điểm bán hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực thực phẩm trên địa bàn quận (địa chỉ, thông tin danh mục bán hàng, trang web...). 

Đồng thời, Quận đoàn quận 1 triển khai đội hình "Thanh niên tình nguyện đi chợ" giúp người dân mua hàng hóa mang đến tận nơi cho người dân trong 2 giờ.

Quận Phú Nhuận được xem là địa phương khá kiên quyết để người dân điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp với giãn cách. Đã có 25 người bị lập biên bản trong sáng 9-7 do ra đường trong trường hợp không thật sự cần thiết, có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng/người.

"Việc lập các chốt, tổ xử lý không nhằm "canh" người dân để xử phạt. UBND quận đã quán triệt lực lượng xử lý phải mềm mỏng tuyên truyền, ứng xử khéo với người dân. 

Nhưng với những trường hợp cố tình vi phạm như đi tập thể dục, ra đường không lý do chính đáng là phải xử lý nghiêm" - ông Nguyễn Đông Tùng nói.

Cấp "giấy thông hành" là không cần thiết

Chiều 9-7, trong cuộc họp trực tuyến triển khai phát động thi đua cao điểm chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội và kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm COVID-19, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết có nhiều ý kiến đề nghị cấp "giấy thông hành" cho người dân ra ngoài khi cần thiết, lực lượng chức năng cũng thuận lợi kiểm soát.

Tuy nhiên, theo ông Châu, qua nghiên cứu thì việc này không cần thiết bởi có khả năng sau khi phát giấy đi lại, người dân sẽ lợi dụng giấy này để ra ngoài khi không thực sự cần thiết.

Ông Châu cũng yêu cầu lực lượng kiểm soát dịch cần nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật và văn bản của UBND TP, "kiểm soát kiên quyết" nhưng phải "ứng xử khéo léo nhẹ nhàng với người dân, để đảm bảo nhiệm vụ và mối quan hệ với nhân dân".

THẢO LÊ

Nha Trang từng giãn cách nên quen rồi

Từ 0h ngày 9-7, TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) áp dụng các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trong 14 ngày.

Trong ngày 9-7, các tuyến đường trên địa bàn TP Nha Trang trở nên vắng vẻ, các hoạt động thường ngày của người dân đã giảm thiểu đáng kể.

Ông Châu Đức Thông (39 tuổi, ở phường Phước Hải) cho rằng trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, khi mỗi ngày lại xuất hiện thêm những ca nhiễm mới, nếu như không giãn cách xã hội thì sẽ khiến dịch bùng phát mạnh hơn, khó kiểm soát hơn.

"Giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 lúc này là cần thiết, an toàn là trên hết nên người dân sẵn sàng chấp hành. Tôi tin mỗi người dân đều lo cho sức khỏe và tính mạng của gia đình mình nên sẵn sàng tuân thủ các quy định y tế, hạn chế tụ tập ra ngoài" - ông Thông nói.

Nhiều người đã quen với làm việc từ xa hơn 1 năm qua, nên giờ cũng cảm thấy bình thường khi phải giãn cách. Chị Phan Nữ Quỳnh Hoa (25 tuổi, ở phường Phương Sơn) cho biết với công việc nhân viên văn phòng, chị đã chuyển sang làm tại nhà.

"Việc làm online tại nhà lại giúp tôi có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái, gia đình. Nha Trang thực hiện giãn cách xã hội lần này là thứ hai, nên nhà tôi cũng đã chủ động chuẩn bị để thích nghi".

Theo ông Lưu Thành Nhân - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, việc giãn cách chỉ tạm dừng các hoạt động tắm biển, giao thông liên tỉnh trên địa bàn tỉnh nên người dân đừng nhầm lẫn là "ngăn sông cấm chợ". Mọi hoạt động buôn bán hàng hóa, vật phẩm thiết yếu vẫn diễn ra bình thường...

"Việc triển khai chỉ thị 16 khá gấp rút. Khó nhất là người dân các đảo ở xa TP Nha Trang không nắm bắt kịp thông tin, phía thành phố đang dồn hết sức để tuyên truyền, nhắc nhở bà con.

Đồng thời, bắt đầu từ hôm nay chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định trong phòng chống dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân cùng chung tay với chính quyền, đồng cảm chia sẻ để phòng chống dịch một cách hiệu quả" - ông Nhân nói.

MINH CHIẾN

nha trang  gian cach - 97 gian cach 1(read-only)

Các hàng quán trên đường Tô Hiến Thành (Nha Trang) đã đóng cửa và đường phố vắng người đi lại - Ảnh: MINH CHIẾN

4 địa phương của Bình Dương giãn cách

Ngày 9-7, thêm thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) giãn cách theo chỉ thị 16. Trước đó là Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên.

Bình Dương trưng dụng ký túc xá (khu A) Đại học Quốc gia TP.HCM tại thành phố Dĩ An, Trường đại học Quốc tế miền Đông và Trường cao đẳng Y tế Bình Dương (thành phố Thủ Dầu Một) làm khu điều trị COVID-19. 70% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được yêu cầu làm việc tại nhà.

BÁ SƠN

Đồng Nai: phố chỉ đông người khi vào và tan ca

Tại Đồng Nai, ngoài giờ cao điểm công nhân đi làm và tan ca, còn lại đường sá thưa thớt người qua lại.

Chủ quán cà phê Tiên Hoàng trên đường Hồ Hòa cho biết từ sáng sớm chính quyền địa phương đã nhắc nhở, yêu cầu chỉ bán mang đi, nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.

Ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho hay toàn tỉnh ghi nhận thêm 25 trường hợp dương tính. Như vậy, từ đợt dịch thứ 4

đến nay, Đồng Nai đã ghi nhận 155 trường hợp mắc COVID-19, 1 ca tử vong trên nền các bệnh, riêng các ổ dịch tại huyện Thống Nhất có đến 92 ca.

A LỘC

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai

TTO - Tỉnh Khánh Hòa vừa có công điện, thông báo kết luận của. chủ tịch UBND tỉnh Nguyên Tấn Tuân, từ 0h ngày 9-7 sẽ bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên bàn toàn TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh.

ĐAN THUẦN - MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên