01/06/2011 08:08 GMT+7

Ngành viễn thông Trung Quốc: "Đứt cáp" vì tham nhũng

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Công nghiệp viễn thông Trung Quốc đang đối mặt với cuộc thanh tra lớn chưa từng thấy. Nhiều quan chức cấp cao đã bị bắt chờ điều tra do dính đến tham nhũng.

BmMToClj.jpgPhóng to

Ông Mã Lực lúc còn đương nhiệm - Ảnh: Sohu.cn

Thời Báo Hoàn Cầu ngày 31-5 cho biết đợt gạn lọc này có khả năng dẫn đến một cuộc cải tổ lớn trong lĩnh vực được mô tả là sinh lợi cực lớn này, nơi mà các doanh nghiệp độc quyền nhà nước hầu như không gặp một sự “soi xét” nào suốt nhiều năm qua.

Hơn 60 nghi can và nhân chứng

Những ngày cuối tháng 5-2011, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức ra lệnh điều tra tham nhũng đối với ba tập đoàn viễn thông Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom. Theo các nguồn tin thân cận, cuộc điều tra này liên quan đến rất nhiều quan chức lãnh đạo của ba tập đoàn này.

Ủy ban kiểm tra kỷ luật Đảng đã yêu cầu các quan chức trong diện nghi vấn tham nhũng của ba tập đoàn viễn thông này giao nộp hộ chiếu để phòng trường hợp họ cao chạy xa bay ra nước ngoài. Đội thanh tra viên đã được điều đến cắm chốt tại ba tập đoàn này trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô ở lĩnh vực này vốn được tung ra từ năm 2010 và sẽ kéo dài đến năm 2012.

Tạp chí Tài Kinh cho biết ông Mã Lực - phó tổng giám đốc phòng dữ liệu của Tập đoàn China Mobile - đã bị bắt từ tháng 3-2011 do liên quan đến vụ tham nhũng 110 triệu nhân dân tệ (17 triệu USD) và có liên quan vụ bê bối tham nhũng của tập đoàn từ hai năm trước. Ông Mã bị bắt và cơ quan chức năng đã có thêm danh sách hơn 60 người liên quan.

Nhiều doanh nghiệp trong công nghiệp viễn thông Trung Quốc cũng đang “thấp thỏm” sau khi có tin Diệp Binh - tổng giám đốc của Công ty Aspire Technology, công ty con của China Mobile - đã bị bắt ngày 18-5. Tiếp đến, Lý Hiểu Quang - chủ tịch Công ty Hisunsray Information Technology Co, một công ty đối tác của China Mobile - cũng bị “sờ gáy” ngay sau đó.

Giới truyền thông Trung Quốc còn cho biết chiến dịch chống tham nhũng này sẽ nhắm tới các doanh nghiệp tư nhân bị nghi ngờ đút lót cho các quan chức vừa bị bắt giữ.

Thật ra, những dấu hiệu tham nhũng đã xuất hiện từ năm 2007. Báo Kinh Doanh Trung Quốc dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết thật ra kết quả điều tra tham nhũng đã được hé lộ sau cuộc kiểm toán năm 2007, song do “một số vấn đề tế nhị” đã bị bỏ qua một cách cố ý.

Một quan chức trong ngành cho biết: “Tất cả do nguyên nhân chạy theo thành tích hão “đảm bảo tái cơ cấu thành công” của ngành công nghiệp viễn thông mà các quan chức lớn trong ngành hô hào, thực chất là ăn hối lộ và lấy tiền nhà nước bỏ túi riêng trong các chương trình tái cơ cấu này”.

Mãi cho đến giai đoạn 2009-2010, như Thời Báo Hoàn Cầu cho biết, khi vụ Tập đoàn Siemens của Đức đút lót một số quan chức của China Mobile bị phanh phui thì cơ quan kiểm toán nhà nước mới quay lại “chiếu tướng” tập đoàn này với việc chín quan chức của tập đoàn bị rơi đài. Trong đó có phó chủ tịch kiêm bí thư đảng bộ Trương Xuân Giang, bị cách chức tháng 12-2009 với tội danh nhận hối lộ và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng; giám đốc phòng nhân lực Thạch Vạn Trung, bị bắt năm 2010 với tội nhận hối lộ 5 triệu USD... Còn Lý Hướng Đông - giám đốc bộ phận dịch vụ âm nhạc không dây - đã kịp cao chạy xa bay sang Canada vào tháng 3-2010 ôm theo hàng triệu nhân dân tệ để tránh sự truy lùng của luật pháp!

Độc quyền, thiếu giám sát, sinh tham nhũng

“Không giống như trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công chúng có thể phát hiện và theo dõi sát tham nhũng, lĩnh vực viễn thông rất khó giám sát vì những lý do kỹ thuật. Đợt điều tra tham nhũng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến China Mobile cũng như các công ty có liên quan đến tập đoàn này” - một nhà phân tích viễn thông giấu tên cho biết.

Giới chuyên gia trong công nghiệp viễn thông Trung Quốc nhận định chiến dịch chống tham nhũng lần này có khả năng đả phá được thành trì “độc quyền - tham nhũng” vốn tồn tại từ quá lâu. Giáo sư Chu Lập Gia, thuộc Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc, nhận định sự độc quyền trong ngành viễn thông và sự thiếu giám sát nghiêm chỉnh đã dẫn đến tham nhũng lan rộng và ăn sâu vào ngành này.

“Một số doanh nghiệp nhà nước đang kiểm soát nguồn lực quan trọng của quốc gia như viễn thông và họ đang nắm giữ độc quyền thị trường. Tình trạng này buộc nhiều doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực viễn thông phải đút lót cho họ để được tham gia thị trường. Do đó, một chuỗi tham nhũng lớn đã được hình thành” - giáo sư Chu lý giải.

Một lý do khác là thiếu sự giám sát và kiểm toán hiệu quả trong các doanh nghiệp này đã tạo điều kiện cho các quan chức “vô tư” tham nhũng và lãng phí tài sản của nhà nước. Báo Buổi Sáng Bắc Kinh cũng nhận định sự thiếu giám sát quá lâu trong lĩnh vực viễn thông đã khiến các quan chức trong ngành tự do thao túng và nảy sinh lòng tham, từ đó tham nhũng đã “nở nồi” và dường như không thể kiểm soát nổi.

Đầu tháng 5-2011, Tân Hoa xã dẫn lời một chuyên gia trong ngành viễn thông Trung Quốc cho biết năm 2009 chính phủ nước này đã tuyên bố ưu tiên phát triển nhanh ngành công nghiệp viễn thông và ưu tiên hết mức cho lĩnh vực này. Song, hiện nay Chính phủ Trung Quốc đang xem xét lại mọi chính sách đối với lĩnh vực trên.

“Chúng ta phải tăng cường giám sát và kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước trong việc độc quyền thị trường và phải kết thúc vấn nạn này để tạo sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp tư nhân khác, đồng thời giảm tham nhũng ở lĩnh vực nhà nước” - giáo sư Chu Lập Gia nhấn mạnh.

Một chuyên gia phân tích Trung Quốc nhận định: “Bao lâu vẫn chưa có một hệ thống kiểm soát quan chức hiệu quả thì sẽ khó có thể ngăn cản họ kiếm chác lợi ích riêng từ các doanh nghiệp nhà nước cũng như từ bộ máy công quyền”.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên