02/02/2022 12:30 GMT+7

Ngành ngoại giao luôn đồng hành dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

TTXVN
TTXVN

TTO - Nhân dịp Tết đến xuân về, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ với báo chí về những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại năm qua cũng như bày tỏ mong muốn của mình trong thời khắc một mùa xuân mới đang tới sau rất nhiều khó khăn.

Ngành ngoại giao luôn đồng hành dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: BÁO THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19, các hoạt động đối ngoại vẫn diễn ra sôi động với nhiều hình thức đa dạng.

* Năm 2021 diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại sôi động của Đảng và Nhà nước ta. Xin bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại trong năm vừa qua?

- Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước ta tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mở ra một giai đoạn mới trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong khi đó, thế giới đang trải qua những biến động nhanh và phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu và trong nước.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đối ngoại là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước.

Quán triệt đường lối Đại hội XIII và các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã được triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

1. Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ với các đối tác một cách đồng bộ, nhất là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội XIII được triển khai linh hoạt, kết hợp sáng tạo hình thức trực tiếp và trực tuyến, qua đó đã củng cố lòng tin, tạo động lực cho phát triển quan hệ với nhiều đối tác, góp phần quan trọng củng cố cục diện đối ngoại ổn định, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ được các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

2. Việc thực hiện hiệu quả chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam. Đặc biệt là chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, phát huy các kết quả Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN; trúng cử vào nhiều tổ chức đa phương có uy tín như Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), Hội đồng Chấp hành UNESCO, Hội đồng Khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU)… Việt Nam đã cam kết có trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26, tích cực đóng góp tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng khác.

3. Cùng với quốc phòng và an ninh, công tác đối ngoại tiếp tục đóng góp vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Việt Nam đã kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán với các nước liên quan tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, giữ vững không khí hữu nghị, bảo vệ đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển.

4. Công tác ngoại giao kinh tế đã triển khai mạnh mẽ, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Dù chịu nhiều tác động, trở ngại của đại dịch COVID-19, hợp tác kinh tế với các đối tác vẫn được duy trì và mở rộng, nhất là gia tăng xuất khẩu, củng cố lòng tin cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đặc biệt, chúng ta đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin, tranh thủ được sự hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của quốc tế cho phòng chống dịch COVID-19 ở trong nước.

5. Ngoại giao văn hóa tiếp tục quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Việt Nam đã vận động UNESCO công nhận mới 6 di sản/danh hiệu và tôn vinh 3 danh nhân Việt Nam.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

6. Triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự ủng hộ quý báu của kiều bào ta cho phòng chống dịch COVID-19 và phát triển đất nước.

Quán triệt thực hiện kết luận số 12 của Bộ Chính trị khóa XIII về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, ngành ngoại giao đã triển khai nhiều đề án, chương trình, biện pháp cụ thể, đặc biệt là chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập vào xã hội sở tại, qua đó tăng cường sự gắn bó của kiều bào ta với quê hương, đất nước.

7. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhiều nơi trên thế giới, công tác bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả cả trong nước và nước ngoài. Cùng với đó, ngành cũng đẩy mạnh bảo hộ ngư dân, tàu cá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ta ở nước ngoài.

Những kết quả quan trọng nói trên khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, sự ủng hộ và đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn dân, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành. Trong thành tựu chung đó có đóng góp rất quan trọng của các cơ quan đối ngoại, mà ngành ngoại giao là lực lượng nòng cốt, xung kích.

Phát huy truyền thống vẻ vang và thành tựu 35 năm đổi mới, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại để tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

* Bộ trưởng có chia sẻ gì với người dân cả nước và bà con kiều bào? Mong muốn của bộ trưởng trong thời khắc một mùa xuân mới đang tới sau rất nhiều khó khăn của đại dịch COVID-19 là gì?

- Nhìn lại năm 2021, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và với sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, đã phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường để vượt qua khó khăn, thử thách.

Những thành quả đạt được trong năm vừa qua cũng như sau 35 năm đổi mới cho chúng ta niềm tin vững chắc để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng, tầm nhìn phát triển của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Ngành ngoại giao luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trước thềm mùa xuân mới tràn đầy niềm tin, mỗi cán bộ ngành ngoại giao đều ước vọng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực ngày càng lớn mạnh, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao; nhân dân ta có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Bộ Ngoại giao chia buồn khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch Bộ Ngoại giao chia buồn khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

TTO - Ngày 23-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã gửi lời chia buồn về việc thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên