Từ câu chuyện ở địa phương mình, bạn đọc Tú Nguyên cho rằng nếu chính quyền xã, phường tích cực vào cuộc thì chuyện săn bắt động vật hoang dã sẽ không còn nữa.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này.
Trước đây, Tuổi Trẻ Online đã có nhiều bài viết về nạn tận diệt chim yến.
Cuối năm vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương có trách nhiệm bảo vệ đàn chim, chống nạn săn bắt đã và đang diễn ra.
Theo báo cáo của Công ty Yến Sào Khánh Hòa trước đó, nạn săn bắt lúc đầu chỉ một vài địa phương trong tỉnh, dần dần đã lan rộng, có nguy tận diệt đàn chim yến trong tỉnh.
Thật ra nạn săn bắt chim yến, chim sẻ không chỉ diễn ra ở Khánh Hòa mà gần như địa phương nào cũng có.
Trước đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường kiểm tra các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến với nhiều yêu cầu cụ thể.
Việc săn bắt chim yến, chim sẻ ngoài phục vụ các quán nhậu với giá rẻ bèo, còn nhằm vào việc bán cho người phóng sinh trong các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán...
Trước đây ở quê tôi, mỗi khi vừa thu hoạch xong mùa vụ thì từng đàn chim sẻ, chim yến lũ lượt kéo về. Đây là thời điểm người săn bắt các loài động vật hoang dã này "làm ăn".
Quy mô lớn thì họ giăng lưới trên đồng lúa vừa thu hoạch, nhỏ hơn thì họ chỉ cần 1 máy phát ra tiếng chim để dẫn dụ chúng vào đậu trên cây sào dài khoảng 2 mét có trét đầy keo dính.
Theo tôi, săn bắt chim yến (hay chim sẻ và các loài chim có lợi khác) là hành vi làm mất sự cân bằng sinh thái môi trường, hủy hoại môi trường, phá hoại kinh tế xuất khẩu các sản phẩm từ yến, phá hoại nông nghiệp vì các loài chim này chuyên ăn sâu rầy hại lúa.
Việc phóng sinh là tập tục lâu đời của người Việt ta. Nó vừa mang ý nghĩa nhân văn, tâm linh, lòng nhân ái, vừa có ý nghĩa khoa học, thả động vật hoang dã về môi trường sống, chứ không phải mua lại của người bắt chim yến, chim sẻ rồi phóng sinh.
Tôi đã từng đi dự nhiều lễ hội ở nhiều nơi, đa phần nơi nào tôi đến cũng có tục phóng sinh, tức có người mua kẻ bán vật phóng sinh.
Có nơi chính quyền địa phương thẳng thừng cấm, có nơi không tán thành nhưng cũng lờ đi. Tùy nơi tùy lúc mà người bán, người mua vật phóng sinh che giấu hay lộ liễu.
Nơi nào chính quyền địa phương hay ban tổ chức lễ hội dễ dãi thì không khí nơi đây có phần bát nháo hơn bởi người mua người bán, vật phóng sinh, tiếng chí chóe của chim chóc...
Nơi nào khó khăn, nghiêm ngặt thì người bán phải ngụy trang vật phóng sinh bằng nhiều cách để chính quyền hay ban tổ chức không nhìn thấy. Người bán nhốt chim, cá trong không gian nhỏ hẹp, hẹn người mua ở một nơi kín đáo nào đó và công việc bán mua xảy ra thật nhanh chóng.
Cũng vì thế mà đôi lúc chim phóng sinh khi thả ra không bay nổi đã phải rơi ngay xuống đất, cá phóng sinh lờ đờ hoặc chết ngay khi vừa được thả. Chim, cá được thả ra là có người đem vợt, xuồng ghe bắt chúng lại để tiếp tục bán cho người khác phóng sinh.
Cái hại lớn của việc săn bắt chim yến, chim sẻ đã quá rõ. Việc làm của UBND tỉnh Khánh Hòa kịp thời, hợp tình, hợp lý rất đáng để các địa phương khác xem xét và hưởng ứng mà có hình thức xử phạt nặng cả người săn bắt lẫn người mua. Bởi gần như địa phương nào cũng có người săn bắt.
Tôi nghĩ rằng từ việc chỉ rõ cho người phóng sinh hiểu ý nghĩa nhân văn và tâm linh của việc phóng sinh và từ bài học quê tôi cấm đánh bắt chim yến, chim sẻ; nếu chính quyền xã, phường tích cực vào cuộc thì chuyện săn bắt động vật hoang dã sẽ không còn nữa.
Thăm dò ý kiến
Gần đây, các video clip săn bắt, chế biến, ăn động vật hoang dã tràn lan trên YouTube thu hút hàng trăm ngàn người xem. Đây được xem là hành vi tiếp tay cho việc săn bắt thú rừng. Theo bạn, cách nào để ngăn chặn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận