06/03/2016 07:51 GMT+7

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc: Có dấu hiệu khó khăn do kinh tế

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Trung Quốc tiếp tục là quốc gia chi tiêu quân sự nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, nước có ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2016 là 537 tỉ USD.

Trung Quốc phô trương tên lửa tại Bắc Kinh hồi tháng 9-2015 - Ảnh: Reuters
Trung Quốc phô trương tên lửa tại Bắc Kinh hồi tháng 9-2015 - Ảnh: Reuters

“Trung Quốc phải hợp tác với các nước nhỏ trong khu vực hơn là thể hiện sự hung hăng. Ngoài ra, Trung Quốc phải tích cực hơn trong việc đưa ra các giải pháp mang lại lợi ích cho các bên liên quan đến tranh chấp dựa trên nền tảng quan hệ bình đẳng

Giáo sư CHESTER CABALZA

Con số được Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm qua là tăng 7,6% chi tiêu quốc phòng trong năm nay, lên đến 146 tỉ USD. Dẫu là ít hơn các năm trước nhưng vẫn gây nhiều quan ngại khi Bắc Kinh ráo riết đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.

Mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua

Tờ Economic Times cho biết 7,6% là mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây của Bắc Kinh do suy giảm kinh tế. GDP của Trung Quốc năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua còn 6,9%.

Báo New York Times dẫn lời ông Dennis J. Blasko, một trung tá về hưu của quân đội Mỹ đồng thời là tác giả của quyển Nền quân sự Trung Quốc hiện nay, cho biết chi tiêu quân sự của Trung Quốc thường dựa theo mức tăng trưởng GDP và lạm phát, và mức tăng một con số năm nay dựa theo đúng công thức này.

“Đây là công thức nhất quán quyết định ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong vòng 20 năm qua với mục đích chính là không để chi tiêu quân sự làm gánh nặng lên nền kinh tế” - ông Blasko phân tích.

Trong khi đó ông Jin Canrong, giáo sư khoa quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nói với New York Times rằng mức tăng chi tiêu quốc phòng khá khiêm tốn này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn xoa dịu các nước láng giềng, đặc biệt là 10 nước thành viên ASEAN, về ý định của nước này ở Biển Đông.

Ngoài ra theo ông Jin, mức tăng thấp này là hệ quả của các lo ngại về bất ổn xã hội đang gia tăng trong nước. Ông cho rằng Bắc Kinh phải giữ lời hứa tăng ngân sách cho các chương trình phúc lợi xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Giáo sư Jin nhận định nhiều khả năng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thất vọng về mức tăng một con số trên nhưng ông lưu ý quân đội nước này sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các mức tăng chi tiêu quốc phòng cao trong những năm gần đây.

Tiếp tục bao biện về quân sự hóa

Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh bảo vệ mức tăng chi tiêu quốc phòng của nước này đồng thời cáo buộc Mỹ mới chính là bên quân sự hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như một động thái đáp trả việc hải quân Mỹ xác nhận đưa một đội tàu gồm hàng không mẫu hạm hạt nhân USS John C. Stennis và một số tàu quân sự đến khu vực Biển Đông trong tuần này.

“Nói đến quân sự hóa, nếu chúng ta nhìn các loại máy bay và tàu hiện đại đi vào khu vực này, hầu hết đều là của Mỹ. Phần lớn các nhà lập pháp và người dân bình thường ở Trung Quốc đều không hài lòng và không đồng ý với việc Mỹ phô trương sức mạnh quân sự bằng cách đưa tàu chiến đến vùng biển gần các đảo, đá ở biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi Biển Đông của Việt Nam)” - bà Phó Oánh nói.

Đồng thời khuyến cáo Mỹ nên ủng hộ sự đàm phán giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thay vì có lời nói và hành động gây căng thẳng trong khu vực.

Tuy nhiên trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Chester Cabalza từ Học viện Quân sự quốc gia Philippines nhận định các động thái đưa tên lửa, chiến đấu cơ của Trung Quốc đến Biển Đông gần đây rõ ràng là hành vi quân sự hóa.

“Các hành động gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc cần phải được chấm dứt ngay lập tức. Trung Quốc cần phải cho thấy một hình ảnh đúng đắn của một siêu cường, không ỷ mạnh hiếp yếu.

Hòa bình và ổn định ở Biển Đông chỉ có thể đạt được nếu như Trung Quốc là một nước lớn thể hiện những hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng bằng cách giảm các hoạt động quân sự trên vùng biển tranh chấp trong khu vực” - ông Chester bình luận.

Theo ông Chester, Philippines và Việt Nam cần tìm các cơ chế và cách tiếp cận mới để làm giảm các căng thẳng hiện nay trong khu vực và giải quyết căng thẳng trên biển một cách hòa bình song song với việc kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

Còn ông Richard Heydarian, nhà phân tích đối ngoại và kinh tế uy tín ở Manila, đề xuất ngoài việc vận động toàn khối ASEAN và phản đối trực tiếp Trung Quốc nhằm ngăn nước này có những động thái hung hăng tiếp theo, Philippines và Việt Nam nên tăng cường sự hiện diện của các lực lượng cảnh sát biển trong khu vực.

Bên cạnh đó, các cường quốc như Mỹ, Nhật và Úc cũng nên hỗ trợ các nước nhỏ bằng cách duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Giáo sư Chester Cabalza đề xuất thêm giải pháp là cần có một cuộc đối thoại ba bên gồm ASEAN, Mỹ và Trung Quốc để thảo luận các vấn đề an ninh hàng hải và tranh chấp ở Biển Đông.

Ông cũng kêu gọi Philippines và Việt Nam nên có những hành động khôn ngoan trong thời gian kết quả của tòa án trọng tài về việc Philippines kiện Trung Quốc.

Thông tin về bãi Hải Sâm nhiều mâu thuẫn

Liên quan đến việc Trung Quốc đưa 7 tàu đến bãi Hải Sâm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Richard Heydarian, nhà phân tích đối ngoại và kinh tế uy tín ở Manila, cho biết hiện có nhiều bản tin mâu thuẫn nhau về những gì chính xác đã xảy ra ở bãi Hải Sâm.

Tuy nhiên theo ông Richard Heydarian, hiện có hai luồng ý kiến chính. Thứ nhất, Trung Quốc được cho là đưa tàu ra bãi Hải Sâm để giúp đỡ những ngư dân đang bị mắc kẹt.

Thứ hai, động thái này của Bắc Kinh là một phần của một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm gây cản trở các đường tiếp tế và hoạt động đánh cá của Philippines trong khu vực.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên