Ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp lúc bão tố
Tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 "Vượt gian khó đón tương lai" diễn ra hôm nay 18-7, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết nửa đầu năm nay hoạt động kinh doanh bất động sản âm gần 12% so với cùng kỳ năm trước, song đã có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Tại TP.HCM có hơn 150 dự án bất động sản bị đứng, trong đó 70% khó khăn đến từ vướng pháp lý, còn lại là khó tiếp cận vốn qua kênh tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư…
Giữa lúc làm ăn khó khăn, ông Châu cho biết không ít doanh nghiệp trong nền kinh tế nhìn lợi nhuận của ngân hàng mà "chảy nước miếng".
Năm ngoái 28 ngân hàng có lợi nhuận bình quân 21%, gần đây cũng có ngân hàng đạt lợi nhuận tới 30%.
Theo ông Châu, cùng trên một con tàu đang đi trong bão tố, không có góc nào an toàn tuyệt đối. Để vượt qua, ngân hàng phải đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp.
Cán bộ tín dụng nhiễu nhương, doanh nghiệp có thể gọi ngay đường dây nóng
Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, chia sẻ Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Định hướng hạn mức tín dụng 14%/năm, nên dư địa cho vay là rất lớn, doanh nghiệp yên tâm.
Để khắc phục độ trễ của chính sách tiền tệ, mới đây các ngân hàng thương mại đã đồng thuận chủ động giảm lãi suất, đồng nghĩa giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ cho doanh nghiệp.
Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng của 5 lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) được Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất không quá mức 4%/năm, tuy nhiên để được lãi suất này thì doanh nghiệp cần phải lành mạnh tài chính…
Ông Lệnh khẳng định trong quá trình vay vốn, nếu doanh nghiệp bị cán bộ tín dụng nhiễu nhương thì lập tức phản ánh qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước. Nếu vướng về cơ chế thì cần kiến nghị để tháo gỡ.
Lưu ý, việc cho vay cũng phải đúng chuẩn, tránh để lại hệ quả nợ xấu cho nền kinh tế.
Tránh để cán bộ quá sợ hãi khiến dự án bị "ngâm"
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhìn nhận tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay chỉ đạt 3,72%, thấp kỷ lục trong vòng 14 năm trở lại đây. Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là rất khó.
TS Trung cho rằng thời gian qua chúng ta tập trung vào các chính sách tiền tệ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng "quên" mất chính sách tài khóa như tích cực xây dựng điện - đường - cầu - trạm.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho biết hiện nay tồn tại bệnh tâm lý là sợ. Các cán bộ không dám đặt bút ký để dự án được triển khai kịp thời. Ông nói: "Giám đốc trước làm bậy, ở tù. Giám đốc sau không dám làm gì, không ai giải quyết, ai cũng sợ. Cuối cùng dân là người khổ".
Người đứng đầu sợ, không dám đưa ra quyết định vì họ cảm thấy "chẳng ai lo cho người dám làm".
Đồng ý với hoạt động "đánh" tham nhũng, ông Dưỡng cho rằng không thể "đánh xô", vì không thể vì một người bị bệnh mà cả làng đều uống thuốc.
Ông Phạm Bình An - phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết nền kinh tế tồn tại nhiều điểm nghẽn như: người dân thắt chặt chi tiêu, xuất khẩu suy giảm, bất động sản lao dốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn…
Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) gần đây cho thấy có tới 80% doanh nghiệp bi quan về sáu tháng cuối năm nay.
Ngoài bất ổn kinh tế thế giới rất rõ, đang có vấn đề nội bộ là câu chuyện tâm lý của cán bộ, ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công và khả năng phục hồi của thị trường bất động sản.
"Các cán bộ đang có quá nhiều tâm tư. Làm mạnh chống tham nhũng, nhưng không nên làm ảnh hưởng tâm lý đến người đang làm tốt", ông Bình An nói và kiến nghị cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám làm.
"Ánh sáng cuối đường hầm"
"Những gì đen tối, khó khăn nhất, có thể kết thúc trong năm nay", TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM - chia sẻ.
TS Bảo đưa ra 5 dấu hiệu lạc quan nền kinh tế Việt Nam nửa cuối năm nay.
(1) Lạm phát thế giới bắt đầu xu hướng giảm, đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ chậm lại sẽ giảm sức ép lên mặt bằng lãi suất thế giới.
(2) Tồn kho của Mỹ, EU và các nước bắt đầu giảm, quá trình sản xuất bắt đầu phục hồi sẽ tăng nhập khẩu.
(3) Đầu tư công tăng tốc và tác động của các gói mở rộng tài khóa, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
(4) Còn dư địa để tiếp tục nới lỏng tiền tệ và thực hiện các gói kích thích kinh tế.
(5) Quá trình xử lý nợ xấu của thị trường bất động sản sẽ tạo thanh khoản và điều chỉnh giá cả nhà đất, tạo động lực phục hồi của thị trường. Các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy tác dụng.
Dù vậy, TS Bảo cũng nhấn mạnh vẫn còn nhiều bất định.
TS Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM - nhận định độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi.
Để nền kinh tế phát triển, cơ quan quản lý cần định hướng cho doanh nghiệp, như đạt các chứng chỉ tốt (ví dụ chứng chỉ xanh), thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu. Ngoài ra, giảm thuế VAT chỉ giải quyết phần ngọn, gốc là phải hỗ trợ doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận