05/07/2024 09:32 GMT+7

Ngân hàng phải cảnh báo cho khách những giao dịch bất thường

Việc xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch là giải pháp căn cơ để phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Khách được nhân viên hướng dẫn xác thực sinh trắc học trên điện thoại tại một ngân hàng ở TP.HCM chiều 4-7 - Ảnh: T.T.D.

Khách được nhân viên hướng dẫn xác thực sinh trắc học trên điện thoại tại một ngân hàng ở TP.HCM chiều 4-7 - Ảnh: T.T.D.

Phát biểu tại hội thảo Bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hôm qua 4-7, trung tá Triệu Mạnh Tùng, phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an (A05), khẳng định việc xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch là giải pháp căn cơ để phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Theo ông Tùng, đến nay có hơn 90% giao dịch ngân hàng được thực hiện trên kênh số. Nếu không kiểm soát được người mở tài khoản, không định danh được người mở tài khoản và người chuyển tiền, hoạt động thanh toán trực tuyến sẽ có rất nhiều rủi ro, tội phạm sẽ lợi dụng để vi phạm pháp luật.

Cũng theo ông Tùng, với quy định của NHNN yêu cầu người chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học của khách hàng sẽ đảm bảo tài khoản đó được mở bằng căn cước công dân thật, đã được đối chiếu với dữ liệu công dân của Bộ Công an.

"Như vậy sau khi đã có xác thực sinh trắc học, người chuyển tiền trên 10 triệu đồng mỗi lần sẽ chính là người đã mở tài khoản", ông Tùng nói, đồng thời cảnh báo các ngân hàng cần áp dụng dữ liệu lớn để phân tích thói quen sử dụng tài khoản của mỗi khách hàng. Khi có hoạt động bất thường, ngân hàng phát hiện và có cảnh báo cho khách hàng.

Đơn cử khách hàng A đăng nhập tài khoản bằng một thiết bị khác không giống như bình thường, ngân hàng cũng cần có công cụ phát hiện và cảnh báo đến khách hàng.

Chẳng hạn với Gmail, nếu chủ tài khoản đăng nhập bằng một thiết bị khác, Gmail cảnh báo liên tục và yêu cầu người dùng phải xác thực qua điện thoại mới truy cập được.

"Hoặc khách hàng thường xuyên có thói quen chuyển tiền những khoản nhỏ lẻ, giá trị thấp như đi chợ, nộp học phí cho con, nộp tiền điện, nước…

Nhưng nay vị khách này lại chuyển khoản tiền giá trị lớn hàng trăm triệu đồng và vào buổi đêm. Nên chăng ngân hàng xem đây là giao dịch bất thường để cảnh báo đến khách hàng xem có phải họ đang thực hiện giao dịch hay không" - ông Tùng gợi ý.

Gần 17 triệu tài khoản đã được xác nhận sinh trắc học

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, phó thống đốc NHNN, cho biết sau 3 ngày thực hiện quyết định 2345 về xác thực sinh trắc học, tính đến 17h ngày 3-7 có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được ngân hàng xác thực thông tin sinh trắc học.

Theo ông Dũng, hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng bình quân mỗi ngày có khoảng 2 triệu món giao dịch trên 10 triệu đồng. Chính vì vậy ngày đầu tiên có một số vướng mắc cục bộ ở một số thời điểm tại một vài ngân hàng khi thực hiện xác thực sinh trắc học của khách hàng.

Sang ngày 3-7, toàn hệ thống ghi nhận có 23 triệu giao dịch, trong đó chuyển tiền trên 10 triệu đồng là 1,9 triệu giao dịch, chiếm 8% tổng lượng giao dịch. Còn 92% tổng lượng giao dịch là hoạt động bình thường. "Ngày 3-7, hoạt động xác thực và chuyển tiền sinh trắc học đã thông suốt" - ông Dũng khẳng định.

Tránh bị trừ tiền oan ở ví điện tử, app ngân hàng nhờ quản lý thanh toán liên kếtTránh bị trừ tiền oan ở ví điện tử, app ngân hàng nhờ quản lý thanh toán liên kết

Người dùng có thể theo dõi, kiểm soát cũng như đặt giới hạn chi tiêu đối với các dịch vụ thanh toán liên kết với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử dễ dàng, không phải lo bỗng dưng bị trừ tiền oan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên