28/06/2024 13:31 GMT+7

Tài khoản ngân hàng 'bỏ đi' cả năm bỗng dưng nhảy một loạt giao dịch

Chủ nhân một tài khoản không dùng từ lâu bỗng nhận được cuộc gọi yêu cầu hồi trả 5 triệu đồng. Khi sao kê, toàn bộ khoản tiền này liên tục "nhảy múa" dù chủ nhân không hay biết.

Ông Phúc bối rối vì chưa hiểu khoản tiền 5 triệu đồng nhảy múa trong tài khoản của mình - Ảnh: B.D.

Ông Phúc bối rối vì chưa hiểu khoản tiền 5 triệu đồng nhảy múa trong tài khoản của mình - Ảnh: B.D.

Ngày 28-6, ông Phan Xuân Phúc - ngụ quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) - cho biết đang làm việc với Ngân hàng An Bình (ABBank) chi nhánh Sài Gòn (TP.HCM). Đồng thời sẽ trình báo cơ quan công an về khoản tiền 5 triệu đồng bỗng dưng "nhảy múa" từ tài khoản không sử dụng từ lâu.

Bỗng dưng bị đòi khoản nợ "trên trời rơi xuống"

Theo ông Phúc, trước đó ông có mở tài khoản mã số 09366… theo số điện thoại cá nhân của mình để giao dịch tại ABBank.

Tuy nhiên vì có nhiều bất tiện nên tài khoản này đã không còn được dùng từ gần một năm qua. Bản thân ông cũng quên mật khẩu đăng nhập.

Trưa 24-6, ông Phúc đang ngủ thì bỗng nhận được điện thoại từ người tự xưng là nhân viên ABbank đề nghị ông thực hiện lệnh hồi chuyển khoản tiền 5 triệu đồng mà một chủ tài khoản đã chuyển nhầm.

"Lúc đầu tôi cũng nghĩ rằng đây là chiêu lừa đảo, gài bẫy nợ. Nhưng một lúc sau người tự nhận là nhân viên ngân hàng tiếp tục gọi lại. Tôi nhờ người quen làm trong ABBank kiểm tra thì được xác nhận rằng người gọi cho tôi đúng là nhân viên của ngân hàng này" - ông Phúc nói.

Qua trao đổi với nhân viên, ông Phúc cho biết ngân hàng thông báo có một khách hàng tên H.T.N. liên hệ và đề nghị ngân hàng liên lạc để ông Phúc hồi chuyển số tiền 5 triệu đồng mà người này đã chuyển nhầm vào tài khoản của ông.

Các khoản tiền vào, ra từ tài khoản ngân hàng nhưng số điện thoại của ông Phúc lại không thụ hưởng được khoản đã chuyển như sao kê - Ảnh: B.D.

Các khoản tiền vào, ra từ tài khoản ngân hàng nhưng số điện thoại của ông Phúc lại không thụ hưởng được khoản đã chuyển như sao kê - Ảnh: B.D.

Khoản tiền lạ nhảy múa như ảo thuật

Theo ông Phúc, tài khoản ABBank của ông đã không còn số dư, không thao tác nào từ lâu. Ông thậm chí không còn nhớ mật khẩu.

Nhận thấy điều bất thường, ông Phúc đề nghị phía ABBank gửi sao kê thì thấy đúng là có khoản tiền từ tài khoản của khách hàng H.T.N. chuyển vào.

Tuy nhiên dù không thao tác gì nhưng sau khi tài khoản nhận được 5 triệu đồng thì cũng từ tài khoản này lại liên tiếp thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra ngoài với nội dung thanh toán mã thẻ điện thoại.

Khó hiểu hơn, số điện thoại thụ hưởng thanh toán mã thẻ điện thoại lại chính là… số thuê bao mà ông Phúc đang dùng. Số này cũng chính là số tài khoản mở từ ABBank.

"Tôi thực sự 'tẩu hỏa nhập ma' vì không biết đang có chuyện gì. Trong khi phía ngân hàng gửi bảng sao kê phát sinh các giao dịch cộng tiền vào tài khoản ngân hàng, rồi cũng chính từ ngân hàng này lại phát sinh thanh toán mua thẻ điện thoại tới số điện thoại cá nhân tôi.

Nhưng điện thoại tôi lại không thấy báo tin nhắn được cộng tiền. Tôi liên hệ với nhà mạng thì được phản hồi rằng trong ngày 24-6 không có khoản tiền card điện thoại trả trước nào vào" - ông Phúc nói.

Ngân hàng ABBank nói gì?

Thông tin ban đầu về sự việc với Tuổi Trẻ Online, trưa 28-6, đại diện ABBank cho biết sáng cùng ngày đã liên hệ với khách hàng để nắm sự việc. Trước mắt phía ABBank đã tạm ngưng hoạt động tài khoản và tra soát các giao dịch đã được thực hiện từ tài khoản ông Phan Xuân Phúc.

"Chúng tôi thực hiện các biện pháp để bảo vệ thông tin, đảm bảo an toàn cho khách hàng. Các bộ phận nghiệp vụ đang xác minh vụ việc và sẽ có câu trả lời sớm nhất tới báo Tuổi Trẻ Online và khách hàng" - đại diện ABBank nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau khi xem bảng sao kê từ ngân hàng gửi cho ông Phúc, một lãnh đạo ngành công an phụ trách lĩnh vực phòng chống tội phạm công nghệ cao khẳng định có nhiều điểm rất bất thường, tuy nhiên chưa xác định được bản thân ông Phúc hay ai khác đã thực hiện các giao dịch.

"Trước mắt người dân khi gặp sự việc như vậy phải trình báo với ngân hàng và cơ quan công an. Đồng thời yêu cầu phía ngân hàng cung cấp mã IP đã thực hiện các giao dịch đó để đối chiếu xem có trùng với IP của Internet ở nhà, cơ quan hay dữ liệu di động của máy điện thoại không?

Trong lúc chờ cơ quan chức năng làm việc thì cần giữ nguyên số tiền đã được người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình. Hiện nay việc lừa đảo trên không gian mạng rất nhiều, người dân cần đặc biệt cảnh giác" - lãnh đạo này nói.

Lừa đảo qua điện thoại: Coi chừng mất sạch tiền trong chốc látLừa đảo qua điện thoại: Coi chừng mất sạch tiền trong chốc lát

Sau khi kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng, kẻ gian thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại và nạn nhân mất sạch tiền trong chốc lát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên