Hai tháng gần đây, tôi và nhiều người quen thường xuyên nhận được các cuộc gọi mạo danh là cán bộ công an để yêu cầu làm định danh điện tử (VNeID) mức 2. Họ hướng dẫn chúng tôi cài đặt ứng dụng (giả mạo) trên điện thoại nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản.
Tôi nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Bên kia tự nhận là Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội, nơi tôi có hộ khẩu thường trú, cho biết căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử (ứng dụng VNeID) của tôi bị lỗi, sai thông tin.
Họ nói sẽ gửi đường link để tôi tải app (ứng dụng) rồi cài đặt trên điện thoại, sau khi cài đặt xong thì cung cấp mã OTP, thông tin số căn cước công dân, địa chỉ cư trú...
Tôi nhận định được luôn đây là kẻ lừa đảo bởi vì tôi biết rõ anh công an phụ trách khu vực của tôi là ai, mỗi khi có việc gì cần thông báo anh sẽ đến tận nhà tôi trao đổi hoặc gọi điện thoại thông báo trực tiếp cho tôi, mời tôi ra trụ sở công an phường để được hướng dẫn, làm thủ tục trực tiếp.
Tôi trả lời rằng: "Anh hãy chấm dứt hành vi lừa đảo này đi. Tôi sẽ ra trình báo công an phường về sự việc này...". Bên kia nhanh chóng tắt máy.
Hai đồng nghiệp của tôi cũng liên tục nhận hàng chục cuộc gọi từ nhiều số máy khác nhau với nội dung tương tự và chỉ còn cách không nghe số lạ nữa cho yên thân.
Một số người dân ở tổ dân phố của tôi còn bị lừa theo hình thức khác. Đối tượng giả danh bộ phận chăm sóc khách hàng. Họ thông báo số máy này đã bị hack, cần xác định lại thông tin thuê bao để bảo mật.
Họ dẫn nạn nhân đến một số máy hay web nào đó, làm thêm vài thao tác và cuối cùng là mất tiền trong tài khoản.
Các đối tượng lợi dụng sự nắm bắt chưa đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử của người dân, để lừa đảo bằng cách gọi điện thoại, sau đó gửi đường dẫn (link) qua các ứng dụng trực tuyến trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... để dẫn dụ người dân truy cập đường link cài đặt phần mềm giả mạo có giao diện gần giống với ứng dụng VNeID thật.
Sau khi nạn nhân cài đặt và truy cập vào link lạ, kẻ gian kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại. Tiền trong tài khoản không cánh mà bay. Nạn nhân mất sạch tiền trong chốc lát.
Người dùng điện thoại không cài đặt ứng dụng từ các đường link lạ để tránh sập bẫy lừa đảo. Các anh công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn qua điện thoại.
Ai chưa làm định danh mức 2 hãy đến trực tiếp công an xã, phường, thị trấn để chụp ảnh, quét vân tay và không ai có thể làm thay người khác.
Khi có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa, bị hại có thể tố cáo hành vi phạm tội tới các cơ quan chức năng.
Mất hết tiền sau khi cho mượn điện thoại
Chị M., thợ uốn tóc cạnh nhà tôi, mất tiền đau đớn trong một lần cho một chị khách tên H. mượn điện thoại. Kẻ gian giả danh Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) gọi đến chị H. yêu cầu cài đặt VNeID online.
Khi chị H. cho biết chị đang dùng điện thoại iPhone, kẻ gian yêu cầu mượn điện thoại khác để dễ thao tác.
Chị H. mượn điện thoại của chị M., sau một hồi làm theo hướng dẫn của kẻ lạ, màn hình điện thoại tối đen, không thể thao tác được nữa. Sau đó, tài khoản chị M. mất hơn 8 triệu đồng để dành trong tài khoản. Chị H. phải đền số tiền đã mất.
Trong khi đó, kẻ gian vẫn tiếp tục gọi đến yêu cầu chị H. tháo SIM chính chủ của chị lắp vào máy khác để tiếp tục thao tác. Chị nói mấy câu với kẻ lừa đảo, lại nghe bên kia nói: "Tài khoản đó còn 20 triệu đồng gửi tiết kiệm trong ngân hàng, nếu báo công an thì số tiền kia cũng sẽ không còn!".
Thật ra, 20 triệu đồng này chị thợ uốn tóc gửi trực tiếp tại ngân hàng (có sổ tiết kiệm) nên kẻ gian không chiếm đoạt được. Nhân viên ngân hàng cho biết không thể truy tìm kẻ gian khi tiền đã được chuyển đi.
Một lần cho mượn điện thoại đau thương nhớ đời. Chị M. không dám dùng điện thoại đó nữa và rùng mình khi nghĩ về việc thông tin tiền tiết kiệm của mình cũng bị "lục lọi", thật là đáng sợ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận