Sau vụ đu đủ, ớt, cải trúng đậm, vợ chồng chị Lý Thị Thúy Liễu xuống tiếp vụ bắp và đang có một mùa vụ hứa hẹn - Ảnh: K.T.
Kêu "ngân hàng" cho oai, thật sự vốn lưu động của "ngân hàng" chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng. Điều lạ lùng là chỉ với số tiền ít ỏi đó, qua bàn tay chị em đã nuôi sống gia đình.
Tôi thấy hội có cách làm hay, giúp chị em hỗ trợ nhau trong làm ăn, không phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao
Chị LÊ THỊ THANH THÚY (ấp Ngãi Hòa, Đại Ngãi)
Thay đổi những cuộc đời
Nhà 5 miệng ăn, không có đất, để có tiền lo thuốc thang cho chồng bị bệnh, cuối năm 2016 chị Đào Thị Đậu (ấp Ngãi Hội 2) rời quê đến Sài Gòn làm giúp việc gia đình. Nhưng chỉ sau hơn 4 tháng, chị lại khăn gói về quê nhà vì công việc, cách sống không phù hợp.
Rồi bệnh tình của chồng ngày càng nặng hơn, khó càng thêm khó. Chị làm lụng suốt ngày, ai thuê gì làm đó. Những khi không tìm được việc, cả nhà phải ăn tạm mì gói sống qua ngày. Mệt mỏi, bế tắc, có khi chị nản, nhắm mắt buông xuôi cho số phận.
Rồi bữa nọ có mấy chị trong Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị trấn đến nhà thăm. Chị em nói chuyện, thăm hỏi nhau, sau đó các chị nói chị Đậu tham gia hội rồi tìm cách giúp.
"Trong lúc khó khăn, một lời chia sẻ cũng đủ làm tôi ấm lòng" - chị Đậu nhớ lại. Và chị trở thành hội viên mới.
Giữa tháng 6-2017, trong một buổi sinh hoạt định kỳ của tổ phụ nữ ấp có thủ tục bốc thăm chọn người nhận vốn. Nhưng lần này hội phá lệ, ưu tiên cho chị mượn.
"Giữ trên tay gần 1 triệu đồng, tôi sung sướng không cầm được nước mắt" - chị Đậu nghẹn ngào.
Hôm sau, chị Đậu ra chợ mua vài cái rổ tre và đủ loại trái cây về bán gần vòng xoay của thị trấn. Không lời nhiều, cân đủ, bán hàng chất lượng nên ngày nào chị cũng bán hết, có đồng ra đồng vào.
Hơn một tháng sau, chị Đậu thay rổ tre bằng vỉ inox và tậu được chiếc xe đẩy trái cây.
"Sáng 5h tôi đã dọn bán, tối 8h mới về. Tùy ngày nhưng ít gì cũng kiếm được 80.000 đồng tiền lời mỗi ngày. Tuy có cực nhưng không còn phải lo từng bữa như trước đây" - chị Đậu khoe.
Mùa nào thức ấy, ngày lễ lạt, mùa giỗ chạp, ngày tết chị bán thêm hoa tươi, củ kiệu, dưa muối để kiếm thêm. Làm có đồng tiền, chị Đậu hùn vào quỹ để giúp chị em khác.
Cũng tham gia tổ hùn vốn của Hội LHPN thị trấn Đại Ngãi, nhưng chị Lý Thị Thúy Liễu (ấp Ngãi Hòa) may mắn hơn vì còn có 6 công đất rẫy. Tuy nhiên, do không có vốn, mảnh đất rẫy có lúc như bỏ hoang.
Giữa năm ngoái, trong lần sinh hoạt định kỳ, chị Liễu trúng lá thăm may mắn nhận vốn được trên 1,5 triệu đồng.
Có vốn, tận dụng đất cao, chị bàn với chồng trồng 1.000 gốc đu đủ. Trong lúc đợi đu đủ cho thu hoạch, chị Liễu trồng thêm ớt sừng trâu, cải làm dưa, lấy ngắn nuôi dài.
Ơn trời, ngay vụ đầu được mùa, đu đủ có giá, thu hoạch được 32 tấn, chị Liễu rủng rỉnh bỏ túi trên 70 triệu đồng. Riêng chỗ cải và ớt xen canh cũng kiếm được 30 triệu đồng nữa.
Cứ vậy, khi thì đu đủ, khi thì bắp, tùy mùa tùy vụ mà chị xuống loại cây phù hợp, nhờ vậy mà khấm khá.
Nhân rộng mô hình
Theo chị Lâm Thị Ngân Tâm - chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đại Ngãi, qua tìm hiểu thấy còn nhiều hội viên hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn làm ăn, chị xin ý kiến cấp trên và chính quyền địa phương triển khai mô hình hùn vốn xoay vòng.
Ý tưởng hay này được chấp thuận. Đầu năm 2017, hội làm thí điểm một tổ hùn vốn xoay vòng ở ấp Ngãi Hòa, vận động 15 chị tham gia.
Theo thỏa thuận, mỗi chị đóng góp 100.000 đồng/tháng. Trong ngày họp định kỳ mỗi tháng, bốc thăm để chọn ra người may mắn. Việc này được tổ chức xoay vòng, hội viên nào cũng có.
"Tuy số tiền đóng góp không lớn, nhưng mừng là nhiều chị em đã sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, hiệu quả như buôn bán nhỏ, trồng màu, chăn nuôi. Chăm chỉ làm việc, chi tiêu hợp lý, nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, có tích lũy" - chị Tâm cho biết.
Theo chị Tâm, từ mô hình thí điểm ban đầu, đến nay Hội LHPN thị trấn Đại Ngãi đã nhân rộng ra 5 ấp, được 11 tổ hùn vốn xoay vòng với 170 hội viên tham gia. Tùy điều kiện, hội viên thỏa thuận hùn vốn từ 20.000 đến 100.000 đồng/tháng.
Chị Tâm cho biết sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đến 1.487 hội viên. Đặc biệt, sẽ vận động những hội viên có điều kiện tham gia tổ hùn vốn với số tiền góp lớn hơn để có cơ hội phát triển sản xuất.
Ngoài ra, hội còn chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp trang bị kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên.
Ông Nguyễn Hoài Phong (chủ tịch UBND thị trấn Đại Ngãi):
Cách làm hay
Những năm gần đây, Đại Ngãi có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhiều cách làm hay, đặc biệt là mô hình hùn vốn tiết kiệm xoay vòng của chị em phụ nữ. Mô hình đã thu hút nhiều hội viên, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần.
Thông qua sinh hoạt tổ phụ nữ, lồng ghép việc tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật nhà nước, góp phần chung sức xây dựng thị trấn thành đô thị văn minh.
Nuôi heo đất và hũ gạo đoàn kết
Với gần 1 triệu đồng "khởi nghiệp", giờ đây chị Đào Thị Đậu (trái) đã có thể nuôi sống gia đình nhờ sạp bán trái cây - Ảnh: K.T.
Mô hình nuôi heo đất cũng được thí điểm ở ấp Ngãi Hòa với 28 hội viên. Mỗi tháng, hội viên có nghĩa vụ "cho heo ăn" 5.000 đồng, tổ trưởng giữ heo. Cuối năm mổ heo, số tiền tích lũy sẽ được dùng mua quà tết cho mọi người.
Khi gia đình hội viên có tang sự hoặc ốm đau, những thành viên trong tổ có điều kiện ứng trước tiền để cúng viếng hoặc hỗ trợ, sau đó đập heo trả lại.
Mô hình hũ gạo đoàn kết từ chỗ thí điểm chỉ với 15 hội viên, đến tết này đã phát triển 5 tổ, thu hút 170 hội viên. Mỗi hội viên đóng góp 30.000 đồng/tháng.
Sau khi bốc thăm, tùy nhu cầu của từng gia đình, tổ trưởng gọi điện thoại đến đại lý gạo kêu người chở đến nhà. Tiền hùn vốn của các tổ sau khi còn dư được chị em thảo luận, mua tặng nhau từ bộ chén, ấm trà đến nồi cơm điện...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận