11/04/2014 08:00 GMT+7

Hùn vốn làm ăn, cất nhà

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI

TT - Cách đây vài năm, vì cần tiền chạy chữa thuốc men cho mẹ nên anh Nguyễn Văn Nhiều - ngụ ấp 4, xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) - bấm bụng cầm cố hai công đất.

Nông dân Cà Mau phấn khởi được mùa cá đồngTìm hướng thoát nghèoCâu lạc bộ thoát nghèo của ông Thứ

dB8yNaJ0.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Văn Nhiều nhờ tham gia tổ hùn vốn vàng đã chuộc được 2 công đất, lại có vốn làm ăn, có nhà cửa khang trang - Ảnh: Ng.Tài

Tưởng chừng trắng tay sau lần đó nhưng nhờ tham gia mô hình “tổ hùn vốn vàng 24K”, anh Nhiều đã có thể chuộc lại đất, sử dụng phần tiền dư còn lại để thuê thêm ruộng.

Đó chỉ là một trong số nhiều mô hình hùn vốn không lãi suất của đoàn viên thanh niên nông thôn để phát triển kinh tế, xây dựng nhà tại Đồng Tháp. Tuy chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng đã giúp được biết bao thanh niên xây dựng cơ nghiệp, có nhà có cửa.

Mỗi vụ lúa góp 1 chỉ vàng

525 tổ hùn vốn

Ngoài tổ hùn vốn bằng vàng của Xã đoàn Mỹ Hòa, nhiều tổ hùn vốn khác của bà con nông dân tại tỉnh Đồng Tháp cũng đang mang lại nhiều mặt tích cực. Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, tính đến quý 1-2014 toàn tỉnh có 525 tổ hùn vốn cất nhà kiên cố, tổng số thành viên gần 3.000 và đã giúp nhau xây dựng được 1.760 căn nhà với tổng số tiền hùn vốn hơn 81 tỉ đồng.

Trở lại chuyện anh Nhiều: thời gian sau, kinh tế của gia đình anh Nhiều ngày một khá hơn. Đến đầu năm 2013, anh Nhiều đã có đủ tiền xây dựng nhà cửa khang trang và cho con đến trường.

Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, cả nhà vang tiếng cười, anh Nguyễn Văn Nhiều đang cùng cô con gái nhỏ tập đi xe đạp trước sân. Vừa chơi với con, anh Nhiều nói vọng vô với khách: “Nhờ tham gia tổ hùn vốn tui nhận được 11 chỉ vàng. Nếu không nhờ anh em trong tổ gom góp thì biết chừng nào tôi có được số vốn lớn vậy. Nhờ có sẵn vốn không tính lãi mà kinh tế gia đình tôi khá lên, giờ đây có thể yên tâm cho con cái học hành rồi”.

Gần đó là gia đình anh Lê Văn Hên. Anh Hên cũng vui mừng không kém sau khi trúng thăm, nhận được 11 chỉ vàng. Hên cưới vợ và lấy vốn đó làm ăn, hàng xóm láng giềng hễ gặp anh là khen nhà có phúc, đúng là “song hỉ lâm môn”. “Nhờ số vàng mà ngày vui cũng có phần rình rang hơn một chút. Sau khi cưới còn có chút vốn để mần ăn nữa”, anh Hên cười tươi nói. Giờ tuy mới cưới nhưng nhờ số vốn vững chãi đó mà đôi vợ chồng son bước ra làm ăn vững vàng.

Anh Đoàn Thành Luân, bí thư Xã đoàn Mỹ Hòa, cho biết xã đoàn triển khai mô hình “hùn vốn bằng vàng” nhằm tạo điều kiện cho thanh niên trong xã có vốn để phát triển kinh tế, mua sắm máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp như giống, phân... nhằm tăng gia sản xuất. Một mặt là người cần vốn có vốn mà không phải chịu lãi suất vay, hơn nữa mô hình còn kích thích các bạn trẻ làm ăn, hạn chế tình trạng thanh niên lêu lổng rồi gây tệ nạn, trở thành gánh nặng của xã hội.

Tổ hùn vốn đầu tiên ở xã Mỹ Hòa thành lập năm 2012 với 11 hội viên. Rồi tổ hùn vốn thứ hai ra mắt không lâu sau đó với 24 thành viên. Phương thức hoạt động của mô hình là sau mỗi mùa lúa, các thành viên trong tổ sẽ góp 1 chỉ vàng 24K. Vụ mùa khép lại cũng là lúc các thành viên trong tổ họp và bốc thăm ngẫu nhiên chọn ra người nhận vốn.

Gắn kết với nhau

Anh Luân cho biết thêm sau thời gian hoạt động, xã đoàn tổ chức sơ kết thì hầu hết thành viên nhận vốn đều sử dụng có hiệu quả. Đầu tiên là anh Linh, hoàn cảnh gia đình không ruộng đất cũng không có nhà cửa đàng hoàng nên có nguyện vọng cất căn nhà kiên cố, các con có chỗ ở yên ổn thì vợ chồng anh yên tâm đi làm ăn xa.

Còn anh Võ Quang Vinh đã xây được nhà nên có vốn thì đầu tư vào đồng ruộng. Anh Đoàn Văn Út mua thêm máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hồng tăng vốn kinh doanh và chăn nuôi heo. Anh Bùi Văn Cường tăng đàn ếch và sản xuất lúa... “Lần đầu khui vàng, anh Linh là người bốc thăm cuối cùng. Ảnh buồn xo vì nghĩ may mắn không đến lượt mình, nhưng ai dè ảnh lại trúng thăm. Mừng quá ảnh mần gà đãi cả tổ luôn”, Luân cười nhớ lại.

Nhiều thanh niên nông dân trong tổ hùn vốn cho biết thông qua tổ hùn vốn họ ngày càng gắn kết với nhau hơn, không chỉ trao đổi công ăn việc làm mà các thành viên còn thường xuyên giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Riêng việc xây nhà thì hầu hết thành viên đều phụ một vài ngày công cho gia chủ. Nhiều “đoàn viên thanh niên Hai Lúa” còn nói vui rằng những người trong tổ hùn vốn giống như đã ngồi chung trên một xuồng, xuồng chìm thì ai cũng bị ảnh hưởng, thuyền lên ai cũng có phần.

“Thanh niên nông thôn không có công ăn việc làm còn nhiều. Từ khi tham gia tổ, sau vài lần đi họp, tự nhiên những người này chủ động bắt mối làm ăn để có tiền mà góp vô tổ hùn vốn. Những người có máy móc, đất đai nếu cần lao động cũng ưu tiên cho thành viên trong tổ mình”, anh Nguyễn Văn Nhiều, tổ trưởng tổ hùn vốn ở xã Mỹ Hòa, nói.

Hiện tại ngoài tổ hùn vốn, đoàn viên xã Mỹ Hòa còn tổ chức được những tổ dịch vụ phun xịt thuốc, xuống giống, tổ máy cày để phục vụ người dân trong và ngoài xã.

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên