20/11/2018 14:30 GMT+7

Ngăn chặn tình trạng đầu độc, bức hại cây xanh

QUỐC CƯỜNG
QUỐC CƯỜNG

TTO - Thời gian gần đây, tình trạng đầu độc cây xanh đô thị, hủy hoại cây rừng nhằm phục vụ mục đích cá nhân, trục lợi diễn ra khá nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Ngăn chặn tình trạng đầu độc, bức hại cây xanh - Ảnh 1.

Những cây thông bị khoan lỗ đổ hóa chất được cơ quan chức năng đánh số - Ảnh: KHẮC TUẤN

Mới đây nhất là vụ hơn 600 cây thông rừng phòng hộ tại Lâm Đồng bị một số kẻ cố ý đầu độc, chết dần gây bức xúc cho dư luận. Các đối tượng sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn để làm hại cây xanh như đổ chất độc vào gốc cây, bóc hết vỏ cây, cưa xung quanh thân cây. 

Hoặc như ở Lâm Đồng mới đây là khoan lỗ nhỏ sâu khoảng 15-30cm trên thân cây thông rồi bơm thuốc diệt cỏ vào làm cây chết dần. Tình trạng bức hại cây xanh vì nhiều lý do khác nhau đã xảy ra từ lâu nhưng không manh động, trắng trợn và quy mô như hiện nay.

Ở thành phố, đô thị thì việc đầu độc, bức hại cây xanh diễn ra âm thầm chủ yếu là cây cổ thụ. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, miền núi thì diễn ra một cách ồ ạt, ngang nhiên và quy mô lớn.

Có thể nói, bằng thủ đoạn đầu độc cây xanh nhiều khu rừng rộng mênh mông hàng chục ha nhưng chỉ sau vài năm đã biến mất mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn không thể làm gì được vì... không có bằng chứng để xử lý vi phạm. 

Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho việc phá rừng bằng thủ đoạn này có xu hướng ngày càng tăng lên. Nguy hiểm hơn là không chỉ phá rừng để lấy đất sản xuất mà lâm tặc lấy gỗ cũng bắt đầu áp dụng cách thức này.

Việc chậm vào cuộc xử lý, thậm chí một số địa phương buông lỏng, thờ ơ như thời gian qua thì chẳng mấy chốc không chỉ cây xanh ở các danh lam thắng cảnh, rừng phòng hộ cần được bảo vệ nghiêm ngặt bị phá hoại mà ngay cả rừng tự nhiên, rừng đặc dụng cũng sẽ bị tàn phá.

Nhu cầu về đất để làm nông nghiệp, trang trại cũng như khai thác gỗ ngày càng tăng cao thì việc phá rừng, bức hại cây xanh sẽ không dừng lại mà càng tăng lên. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thì tương lai không xa các cánh rừng, nhất là cây xanh ở gần các khu dân cư sẽ bị xóa sổ.

Trước mắt, cần đẩy mạnh giao khoán rừng cho các hộ dân, cộng đồng cư quản lý, bảo vệ, trong đó quy định rõ trách nhiệm người bảo vệ, chăm sóc nếu rừng bị tàn phá, bức hại. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt điều tra, xác minh để đấu tranh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, bức tử cây xanh một cách ngang nhiên, có hệ thống như thời gian vừa qua.

QUỐC CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên