
Nhiều cây tràm cháy đã mọc lại cành lá mới xanh tươi - Ảnh: TRẦN TRIẾT
Ngày 31-3, ghi nhận tại phân khu A1 Vườn quốc gia Tràm Chim, nhiều cây tràm cháy đã mọc lại cành lá mới xanh tươi. Những nơi cháy nặng hơn, trên sàn rừng các cây tràm con đã phủ kín mặt đất thành thảm dày.
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, sáng 11-6-2024 tại phân khu A1 Vườn quốc gia Tràm Chim xảy ra vụ cháy, thiêu rụi khoảng 20ha rừng tràm. Ngành chức năng đã huy động khoảng 247 người tham gia chữa cháy, đến khoảng 16h cùng ngày đám cháy được khống chế.
Nguyên nhân cháy do có người xâm nhập rừng trái phép và dùng lửa bất cẩn gây ra.

Rừng tràm khu A1 sau vụ cháy vào tháng 6-2024 - Ảnh tư liệu: Vườn quốc gia Tràm Chim
Hôm nay, gần một năm sau vụ cháy, khảo sát thực tế cho thấy rừng tràm nơi cháy đã phục hồi rất tốt. Đây là bằng chứng cho thấy rừng tràm là hệ sinh thái thích nghi với lửa. Cây tràm có khả năng chịu lửa ở mức độ vừa phải; lửa còn thúc đẩy tái sinh hạt tràm.
Tiến sĩ Trần Triết - giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội Sếu quốc tế - cho biết vụ cháy với cường độ trên cũng giúp kiểm soát vật liệu gây cháy tích tụ trên sàn rừng, giúp ngăn chặn những trận cháy lớn mang tính hủy diệt.
"Lửa có thể được dùng như một công cụ và phương pháp quản lý, phục hồi hệ sinh thái. Ví dụ trong tháng 1 và tháng 3 vừa qua, Vườn quốc gia Tràm Chim phối hợp với lực lượng kiểm lâm và công an phòng cháy tỉnh Đồng Tháp tiến hành đốt chủ động gần 100ha đồng cỏ trong khu A1", ông Triết giải thích.

Gần một năm sau vụ cháy, lá xanh đã mọc trở lại trên những cây tràm - Ảnh: TRẦN TRIẾT
Cũng theo tiến sĩ Trần Triết, vệc đốt lớp xác bã thực vật tích tụ nhiều năm sẽ giúp tái tạo lại thảm thực vật mới, tạo thêm nhiều thức ăn và giúp các loài động vật có thể tiếp cận môi trường đất. Việc đốt còn loại bỏ lớp xác bã tồn tích, làm giảm nguy cơ cháy rừng.
Thông tin từ Vườn quốc gia Tràm Chim, đơn vị đang tiếp tục phối hợp triển khai công tác đốt chủ động một số khu vực khác trong khu A1. Các hoạt động này nằm trong chương trình chung phục hồi đàn sếu đầu đỏ đang triển khai thực hiện.
Theo các nhà khoa học, chương trình bảo tồn sếu không chỉ nhằm nuôi thả sếu đầu đỏ mà còn phục hồi cả hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim, một hình mẫu quý giá còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười xưa.

Rừng tràm tại khu A1 đã "tái sinh", lá mọc xanh bên cạnh đồng cỏ năn - Ảnh: TRẦN TRIẾT

Trên sàn rừng, các cây tràm con đã phủ kín mặt đất - Ảnh: TRẦN TRIẾT

Đốt cỏ chủ động tại Vườn quốc gia Tràm Chim vào tháng 3-2025. Đây là vùng đồng cỏ năn đã liên tục ngập nước trong 15 năm qua, lớp thảm thực vật và xác bã hữu cơ tích tụ lâu ngày rất dày, có thể gây nên những trận cháy mang tính hủy diệt - Ảnh: TRẦN TRIẾT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận